Sự thật Apple bất lực trước Trung Quốc, thoả thuận ngầm xuất hiện
Sự thật Apple bất lực trước Trung Quốc, thoả thuận ngầm xuất hiện
Huỳnh Dũng
Thứ sáu, ngày 21/05/2021 08:35 AM (GMT+7)
Apple đã nhượng bộ về quyền riêng tư và bảo mật để tiếp tục được xây dựng và bán các thiết bị của mình ở Trung Quốc, theo một báo cáo chuyên sâu từ The New York Times cho hay.
Apple - công ty có giá trị nhất thế giới và là công ty tiên phong về quyền riêng tư chống lại sự xâm phạm của Big Tech đang đầu hàng theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc để duy trì hoạt động kinh doanh béo bở của mình ở đó.
Tài liệu nội bộ của Apple được The New York Times xem xét, cùng thông tin thu thập từ các cuộc phỏng vấn với 17 nhân viên hiện tại và cũ của Apple, cùng 4 chuyên gia bảo mật và các hồ sơ mới được đưa ra trong một vụ kiện tại tòa án ở Hoa Kỳ vào tuần trước. Tất cả cung cấp cái nhìn sâu sắc hiếm có về những thỏa hiệp mà Tim Cook đã thực hiện khi kinh doanh tại Trung Quốc.
Apple phải nhúng nhường trước Trung Quốc
Tâm điểm của báo cáo này là quyết định của Apple tuân thủ luật năm 2016 yêu cầu tất cả thông tin cá nhân và dữ liệu thu thập được ở Trung Quốc phải được lưu giữ ở Trung Quốc, điều này đã khiến Apple phải xây dựng một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc và chuyển dữ liệu iCloud của khách hàng Trung Quốc sang Trung Quốc, và phải do một công ty Trung Quốc quản lý.
Trước đây, Apple đã chiến đấu chống lại nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với dữ liệu khách hàng tại nước này, nhưng với đòn bẩy "cực độc" của Trung Quốc đối với Apple, Apple không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuân thủ.
Ban đầu Apple muốn giữ máy chủ dữ liệu ở Hoa Kỳ, trong khi các quan chức Trung Quốc muốn chúng phải ở Trung Quốc. Ngoài ra, trong khi các quy định của Mỹ cấm Apple giao dữ liệu cho chính quyền Trung Quốc thì việc lưu trữ dữ liệu của Apple tại địa phương lại tạo ra một lỗ hổng cho phép điều đó.
Cuối cùng, các máy chủ dữ liệu đã được chuyển đến Trung Quốc, một quyết định gây "bất ngờ" từ hai giám đốc điều hành giấu tên của Apple, những người này đã làm việc trong các cuộc đàm phán và đã đưa quyết định này.
Điều này có thể gây nguy hiểm cho dữ liệu của khách hàng Apple. Không có bằng chứng nào cho thấy chính phủ Trung Quốc có quyền truy cập vào dữ liệu, nhưng các chuyên gia bảo mật đã nói rằng, Trung Quốc có thể yêu cầu dữ liệu hoặc đơn giản là lấy nó mà không cần hỏi Apple, bởi trong thỏa hiệp thì dữ liệu người dùng Apple tại Trung Quốc đã do một công ty pháp lý thứ ba quản lý dữ liệu thay mặt cho Apple. Đó là Guizhou-Cloud Big Data (GCBD)- một công ty thuộc sở hữu của chính quyền tỉnh Quý Châu, nó đã được chỉ định là chủ sở hữu hợp pháp dữ liệu iCloud của khách hàng Trung Quốc của Apple.
Sau khi Apple đặt GCBD làm đại diện chủ sở hữu dữ liệu hợp pháp tại Trung Quốc, Apple đã buộc phải cung cấp nội dung dữ liệu dịch vụ iCloud cho một số tài khoản không được tiết lộ danh tính trong chín trường hợp đặc biệt.
Như vậy, động thái này khiến công ty Mỹ gần như không thể ngăn cản Bắc Kinh truy cập địa chỉ, hình ảnh, danh bạ, lịch sử và chi tiết vị trí của khách hàng Trung Quốc.
Ross J. Anderson, một nhà nghiên cứu an ninh mạng của Đại học Cambridge, người đã xem xét các tài liệu này cho biết: "Người Trung Quốc là những kẻ phá vỡ iPhone hàng loạt. Tôi tin rằng họ sẽ có khả năng đột nhập vào máy chủ dữ liệu Apple ở mọi hình thức".
Trong một tuyên bố, Apple nói với The New York Times rằng, họ "không bao giờ xâm phạm" đến bảo mật của người dùng hoặc dữ liệu người dùng ở Trung Quốc, "hoặc bất cứ nơi nào chúng tôi hoạt động." Apple nói rằng họ vẫn kiểm soát các khóa bảo vệ dữ liệu của khách hàng Trung Quốc và trung tâm dữ liệu tại Trung Quốc đang sử dụng công nghệ mã hóa tiên tiến nhất hiện có, thậm chí công nghệ này còn tiên tiến hơn những gì Apple đang sử dụng ở các quốc gia khác.
Apple cũng đã xóa ứng dụng khỏi App Store ở Trung Quốc theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc sau khi Trung Quốc bắt đầu yêu cầu giấy phép chính thức để phát hành ứng dụng bao gồm ứng dụng nhắn tin được mã hóa và dịch vụ hẹn hò đồng tính, cũng như các nền tảng như VPN cho phép người dùng vượt qua các hạn chế về internet. Apple nói với The New York Times rằng, họ đã làm như vậy để tuân thủ luật pháp Trung Quốc.
Công ty cho biết: "Những quyết định này không phải lúc nào cũng dễ dàng và ưu tiên của chúng tôi vẫn là tạo ra trải nghiệm người dùng tốt nhất, mà không vi phạm các quy tắc mà chúng tôi bắt buộc phải tuân theo với Trung Quốc".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.