Sự thật đằng sau quyết định loại bỏ sao nam ẻo lả của Trung Quốc

Việt Phương Thứ hai, ngày 06/09/2021 09:17 AM (GMT+7)
Loại bỏ hoàn toàn sao nam ẻo lả ra khỏi nền văn hóa - giải trí, giới chức Trung Quốc muốn hướng đến điều gì?
Bình luận 0

Xu hướng nam giới "nữ tính hóa" tại Trung Quốc

Mới đây, Tổng cục Phát thanh, Truyền hình Trung Quốc lần đầu quy định chấm dứt tình trạng "sissy pants" - chỉ nam giới yểu điệu, mặt hoa da phấn, cử chỉ ẻo lả, "nữ tính hóa" ở làng giải trí. Đây được cho là hành động của giới chức nước này nhằm chấn chỉnh lại các hành vi "lệch chuẩn" đối với nền văn hóa - giải trí.

Tài khoản Douyin của chàng trai Feng Xiaoyi với 600.000 người theo dõi tạo ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận Trung Quốc. Làn da trắng sứ đặc trưng của Feng, đôi mắt như ngọc trai và đôi môi như cánh hồng làm nổi bật mọi nét tính cách nhẹ nhàng như tiểu thư khuê các khiến cho anh chàng này khó có thể bị nhầm lẫn với bất cứ ai. Feng thường xuyên làm các video ASMR (Autonomous sensory meridian response - Phản ứng kích thích cảm giác tự động), anh nổi tiếng với đoạn clip ăn đào ngâm. 

Sự thật đằng sau quyết định loại bỏ sao nam ẻo lả của Trung Quốc - Ảnh 1.

Feng Xiaoyi bị "xóa sổ" khỏi mạng xã hội Trung Quốc vì "lệch chuẩn" giới tính. (Ảnh: Weibo).

Chàng trai này có tài năng gì để đạt tới số lượng người theo dõi khổng lồ? Câu trả lời là không, anh chàng không thể hiện bất cứ tài năng nào ngoài việc xuất hiện trong video một cách khá ẻo lả, nữ tính.

Cuối tuần trước, Feng Xiaoyi đã bị Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc) đình chỉ tài khoản vào tuần trước vì "quảng bá các giá trị không lành mạnh", sau khi có nhiều người dùng phàn nàn Feng quá "nữ tính" trong các video. 

"Cuối cùng tài khoản của Feng đã bị khóa. Sau khi xem video ăn đào của anh ấy, tôi muốn tự chọc mù mắt mình đi", một người dùng bình luận trên mạng xã hội Weibo. "Điều gì đã xảy ra với các chàng trai hiện đại ngày nay vậy?", một người khác đặt câu hỏi.

Câu chuyện xung quanh "sissy pants" (từ lóng ám chỉ các chàng trai có xu hướng "nữ tính hóa") đang được đem ra bàn luận trong bối cảnh nước này đang đối mặt với một "cuộc khủng hoảng nam tính". Ngay từ năm 2017, giới chức nước này đã cho rằng, việc nâng cao các hoạt động thể chất có thể là một trong những bước đầu tiên để ngăn chặn quá trình "nữ hóa" ở nam giới trẻ tuổi.

Sự thật đằng sau quyết định loại bỏ sao nam ẻo lả của Trung Quốc - Ảnh 2.

Ngô Kinh là diễn viên phản ứng gay gắt với phong trào "sissy pants". (Ảnh: Sixthtone).

Quan điểm trái chiều xung quanh vấn đề này thậm chí được một số nhân vật hàng đầu của công chúng lên tiếng. Ngô Kinh - nam diễn viên nổi tiếng, ngôi sao của loạt phim bom tấn "Chiến lang" nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, nếu con trai anh là một "sissy pants", anh sẽ "tát vào mặt nó".

Cui Le, một nghiên cứu sinh tại Khoa Giáo dục và Công tác xã hội của Đại học Auckland, người nghiên cứu về giới tính trong hệ thống giáo dục của Trung Quốc cho biết: "Tôi cảm thấy trống rỗng trước những tin tức như vậy. Đây chỉ là một ví dụ khác về việc các nhà chức trách Trung Quốc đang ra sức củng cố tư tưởng giới tính truyền thống, nhấn mạnh nam giới nên "nam tính" và hạ giá trị họ vì "nữ tính hóa".

Tiffany Yu, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ nghiên cứu về giới và truyền thông tại Trung Quốc (Đại học Bách khoa Hồng Kông) cho rằng, nỗi ám ảnh về nam tính của đất nước là sự phản ánh của nỗi lo lắng thế hệ tương lai sẽ không duy trì được giá trị truyền thống này. Nhà nghiên cứu này nói thêm rằng, một thuyết âm mưu phổ biến là việc làm mềm các giá trị nam tính là một cách để "các thế lực nước ngoài" làm suy yếu khả năng của đất nước.

"Ở phương Tây, trẻ nhỏ khao khát trở thành siêu nhân. Trung Quốc sợ rằng, nếu thần tượng của các chàng trai là những người đàn ông bạc nhược sẽ không thể bảo vệ đất nước", Yu nói.

Loại bỏ sự khác biệt

Nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vào ngày 1/7, nhiều sắc lệnh chính trị  khác nhau đã được ban hành. Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng, nền kinh tế Trung Quốc giờ đây sẽ hoạt động theo phương hướng thống nhất để mang lại "sự thịnh vượng chung". Các phương tiện truyền thông xã hội nhận định đây là hành động nhắm vào giới siêu giàu, những người đã quen với việc phô trương sự giàu có của họ. 

Đã có một cuộc đàn áp công khai đối với các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ, một phần là do ĐCSTQ ngày càng lo ngại những nhân vật như người sáng lập Alibaba, Jack Ma, đang trở nên quá nổi bật. Đạo luật chống tín nhiệm mới cũng có thể phá vỡ một số công ty lớn đã thống trị lĩnh vực này, tạo ra nhiều công ty nhỏ hơn mà ĐCSTQ hy vọng sẽ thúc đẩy sự đổi mới thông qua cạnh tranh gia tăng và cũng dễ kiểm soát hơn về mặt chính trị.

Sự thật đằng sau quyết định loại bỏ sao nam ẻo lả của Trung Quốc - Ảnh 3.

Trung Quốc siết chặt nền văn hóa - giải trí. (Ảnh: Dominic McKenzie).

Thoạt nhìn, "sự thịnh vượng chung" và mong muốn loại bỏ văn hóa hâm mộ "sissy pants" có vẻ như là những hành động riêng biệt của giới chức nước này. Nhưng thực tế nó đang chỉ ra xu hướng đang phát triển trong chính trị và xã hội tại Trung quốc đó là: Mong muốn xóa bỏ sự khác biệt

Trong các lĩnh vực kinh tế, điều này là dễ hiểu. Trung Quốc đã đạt được những bước tiến lớn trong việc giảm nghèo, nhưng Ngân hàng Thế giới vẫn xếp một phần tư dân số nước này sống với mức sống dưới 5,50 đô la một ngày. Trong bối cảnh này, lối sống phô trương của giới siêu giàu là vấn đề mà nước này đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, mong muốn giải quyết những khác biệt về thu nhập đi đôi với sự áp đặt sự chuẩn mực về giới tính, sắc tộc và trên hết là quan điểm chính trị. Cái giá của sự thịnh vượng chung dường như là một nền văn hóa chung với ít không gian cho sự sáng tạo, biến đổi. 

Ở một cấp độ nhất định, cuộc chiến kép của Trung Quốc chống lại bất bình đẳng kinh tế và mở rộng các chuẩn mực giới tính, dân tộc không khác xa với một số cuộc chiến văn hóa ở các nước như Hungary (hiện là bạn thân của Trung Quốc trên trường thế giới) và Ba Lan. 

Tất cả các quốc gia này đã tìm cách kết hợp tăng cường phúc lợi từ Chính phủ, kiểm soát ngày càng chặt chẽ đối với xã hội dân sự và phương tiện truyền thông, nâng cao sự căng thẳng đối với các giá trị được cho là truyền thống. Không có nước nào trong số này cấm quyền của người đồng tính, nhưng tất cả đều là những không phải "thiên đường" LGBTQ + hoặc những người có giới phi truyền thống.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem