Sự thật ôtô "rụng bánh" và những cú sốc Lexus, Rolls-Royce
Sự thật ôtô "rụng bánh" và những cú sốc Lexus, Rolls-Royce
Thứ sáu, ngày 26/02/2021 11:00 AM (GMT+7)
Hình ảnh những xe ôtô bị gãy càng chữ A, bánh xe bị rụng được lan truyền trong cộng đồng mạng những ngày qua đang dẫn tới cuộc tranh luận khá nóng. Vậy ôtô có thể "rụng bánh, gãy càng" khi đang chạy?
Thời gian vừa qua, những câu chuyện về xe ôtô với những hình ảnh mập mờ không rõ ràng về việc "rơi bánh, gãy càng" đang được chia sẻ một cách chóng vánh trên mạng xã hội và một số trang tin không chính thống khiến nhiều người đặt nghi vấn: Liệu đây có phải là động cơ, hay âm mưu dìm hàng xe ôtô Việt Nam?
Ôtô có thể "rụng bánh, gãy càng" khi đang chạy?
Những thông tin "xe ôtô rụng bánh, gãy càng" xuất hiện với tần suất cao trên mạng xã hội trong thời gian qua cũng đã khiến cho không ít người tiêu dùng hoài nghi về độ an toàn của các mẫu xe 4 bánh hiện nay. Tuy nhiên, bản chất của việc xe bị gãy trục bánh lại không liên quan đến chất lượng chiếc xe mà còn do nhiều yếu tố khách quan như: Xe cũ nát, không bảo dưỡng thường xuyên… nhưng chủ yếu do người cầm lái.
Trên thế giới, việc một chiếc xe bị gãy trục bánh sau tai nạn khá phổ biến. Tại Việt Nam, sự việc tương tự cũng không quá hiếm gặp. Từ những chiếc "xe quốc dân" Toyota, Honda cho đến xe siêu sang Rolls-Royce trị giá cả chục tỷ đồng cũng không thoát được cảnh gãy trục bánh sau khi gặp tai nạn.
Cụ thể vào ngày 22/1/2019 tại TP HCM đã xảy ra hai vụ xe ôtô đâm vào dải phân cách và bị văng bánh xe ra ngoài. Đầu tiên là chiếc Honda CR-V khi đang chạy trên đường Quang Trung theo hướng QL1A về ngã sáu Gò Vấp đã bất ngờ lao vào dải phân cách bằng sắt giữa đường vào khoảng 16 giờ chiều khiến nhiều người hoảng loạn. Cú va chạm mạnh đã khiến trục trước của xe bị gãy và văng hẳn bánh trái phía trước xe ra ngoài. May mắn là không có thiệt hại về người. Đồng thời, dải phân cách làn đường cũng bị đổ ra đường khiến cho tình trạng giao thông lúc đó tắc kéo dài.
Đến tối cùng ngày, trên đường 3 tháng 2, quận 10 cũng ghi nhận xảy ra một vụ tai nạn tương tự tai nạn trên nhưng đối với chiếc xe Lexus RX 5. Chiếc xe xấu số này đã bị gãy trục trước và cũng bị rơi bánh xe trước ra ngoài.
Vào tháng 12/2017, một chiếc Ford Explorer 2017 màu đen, mang biển số Hà Nội bất ngờ gãy càng A phía bên ghế lái khi đang lưu thông. Theo lời một người chứng kiến vụ việc, bánh xe đã bị quệt vào vỉa hè trước đó rồi dẫn đến hậu quả như vậy. Nhiều người cho rằng chủ xe đã may mắn khi đang di chuyển chậm trong phố, nếu đang đi trên cao tốc thì không biết hậu quả sẽ ra sao.
Mới đây nhất vào tháng 6-2020, chiếc xe siêu sang Rolls-Royce Phantom trị giá cả chục tỷ đồng mang BKS 14A-388.88 sau khi tự gây tai nạn bị gãy trục bánh trước, đâm đổ tường và bốc cháy ở Quốc lộ 18 qua thành phố Móng Cái (Quảng Ninh).
Điểm chung may mắn trong các vụ xe gãy càng, rơi bánh được ghi nhận trên là không có thương vong xảy ra, hầu hết các lái xe kiểm soát được. Tuy nhiên, đây vẫn là sự cố tiềm ẩn rủi ro tai nạn nguy hiểm khi xảy ra ở tuyến giao thông đông đúc, xe chạy tốc độ cao.
Sau hình ảnh xe gãy càng, rơi bánh được chia sẻ mạnh vài ngày qua, vấn đề được nhiều người sở hữu ôtô đang quan tâm là liệu có thể một chiếc xe đang di chuyển có thể đột nhiên càng bị gãy, rụng bánh mà không có tác động của bất cứ lực nào từ bên ngoài hay va chạm?
Trao đổi với kỹ sư ôtô Lê Văn Tạch (chủ gara ôtô Lê Văn Tạch ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: "Thông thường, các trục và mâm bánh xe được thiết kế đủ bền để sử dụng cho nhiều tình huống vận hành, nhiều cấu hình xe khác nhau, không dễ bị gãy hay rụng ở điều kiện sử dụng thông thường".
Tuy nhiên, cặp bánh trước có độ "mẫn cảm" hơn các bánh sau do có liên quan đến hệ thống lái, góc đặt bánh xe khi đánh lái, và vì thế cơ cấu giữ bánh trước cũng "mẫn cảm" hơn bánh sau, kỹ sư Tạch lý giải. Bởi thế, có hai khả năng dẫn đến rụng bánh trước nếu xảy ra va chạm.
Thứ nhất là khi bánh trước lao vào vật cứng vững ở đúng vị trí đang đánh lái (xe không thẳng lái), ví như lao vào "con lươn" cứng ở khúc cua thì khả năng rụng bánh là cao.
Thứ hai là bánh trước bị sập gầm, nói đơn giản là sa vào một hố ga mất nắp (bất kể đang đi nhanh hay chậm), lúc đó gãy các ốc giữ càng chữ A, cũng có thể rụng bánh. "Thực tế là có một số khách hàng đã sập hố ga, rụng bánh, phải thuê xe cứu hộ mang đến chỗ tôi để sửa, nên việc chiếc xe rụng bánh là có, nhưng phải sau một va chạm mạnh vào vị trí hiểm yếu của trục bánh thì mới rụng được. Còn bình thường xe chạy cao tốc trên 100km/giờ mà nổ lốp cũng chưa chắc rụng được bánh", kỹ sư Tạch giải thích.
Ôtô rụng bánh gãy càng không thể vội vàng đánh giá về kĩ thuật
Liên quan tới các vụ va chạm gần đây gây gãy trục bánh trước trên xe ôtô, Theo nhiều chuyên gia cho biết đây chỉ là tai nạn thông thường. Các khách hàng gặp nạn không có trường hợp nào khiếu nại nên không đưa ra câu trả lời nào mang tính kỹ thuật.
Tài xế hoàn toàn có thể nhận thấy được dấu hiệu càng của xe gặp trục trặc hoặc sắp bị gãy do va chạm từ trước. Các dấu hiệu đó bao gồm: lái không cân và thường bị lệch sang một bên, tiếng ồn từ lốp dội lên nhiều hơn... Khi phát hiện, tài xế ngay lập tức phải đưa đến cơ sở sửa chữa để người có chuyên môn kiểm tra, thay thế nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Để tránh gặp phải tình huống gãy càng khi xảy ra tai nạn, nếu tài xế không đánh lái mà đạp phanh hết mức trong các tình huống trước va chạm có thể giảm thiểu nguy cơ hư hỏng cho xe.
Ngoài ra, người lái nên giữ khoảng cách và tốc độ an toàn khi di chuyển. Giữ khoảng cách an toàn với vật cứng - cả hai bên và dưới gầm xe. Tập trung lái xe trên đường, không sử dụng thiết bị di động. Không sử dụng bia, rượu khi lái xe cũng giúp người lái tỉnh táo hơn khi xử lý tình huống bất ngờ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.