Sự thay đổi của một bà mẹ: Học cách im lặng, điều cha mẹ phải làm là thức tỉnh thay vì dạy dỗ

Phan Hằng (Theo Aboluowang) Chủ nhật, ngày 31/01/2021 00:55 AM (GMT+7)
Cách để cải thiện tình trạng lười biếng, ngỗ nghịch của con cái không phải là đòn roi hay răn đe mà là sự thấu hiểu, thông cảm của cha mẹ.
Bình luận 0

Có những đứa trẻ chỉ ngồi nghiêm túc học bài khi có bố mẹ ngồi kèm ngay bên cạnh. Lúc đó, chúng tỏ ra rất ngoan ngoãn, nhưng khi bố mẹ nhìn đi chỗ khác, hoặc bận đột xuất, chúng sẽ bỏ ngay cuốn vở xuống và ngồi chơi.

Có vẻ như tình trạng này rất quen thuộc với nhiều gia đình. Nó cũng cho cha mẹ thấy được rằng, điều quan trọng không chỉ là trau dồi thói quen học tập của trẻ, mà còn cần phải đánh thức sự ham học bên trong của chúng.

Sau đây là chia sẻ của một bà mẹ, người đã sớm nhận ra sai lầm trong cách dạy con và tìm ra cách khuyến kích tinh thần học tập của con mình.

img

Học cách im lặng, điều cha mẹ phải làm là thức tỉnh thay vì dạy dỗ. (Ảnh minh họa)

Cũng giống như những bậc cha mẹ của hàng ngàn gia đình bình thường, tôi hy vọng rằng con mình có thể là một đứa trẻ ngoan. Vì vậy, tôi cảm thấy rất lo lắng khi chứng kiến con mình, từ một học sinh ngoan ngoãn trở nên nghịch ngợm, vô kỷ luật. Sự thay đổi này diễn ra ở trường trung học cơ sở. Lúc đó, thằng bé được nhận vào một ngôi trường danh tiếng với điểm số xuất sắc. Tôi rất tự hào về điều đó, nhưng chỉ qua một học kỳ đầu tiên, mọi thứ thay đổi một cách quá đột ngột.

Lúc đầu, thằng bé thường viện cứ mượn điện thoại để tra cứu thông tin, tôi tin tưởng nên đồng ý. Sau đó, tần suất mượn nhiều hơn nên tôi đã nghi ngờ. Có một lần, thằng bé gặp khó khăn khi giải toán nên chạy đến phòng tôi và nói: “Mẹ cho con mượn điện thoại. Con không thể làm bài này được”.

Lần này, tôi không trực tiếp đưa điện thoại mà nói rằng: “Nếu gặp vấn đề không biết, trước tiên con cần suy nghĩ, chứ đừng nghĩ ngay đến việc lên mạng tìm đáp án”.

Sau đó, điểm số kỳ thi giữa kỳ của thằng bé như tàu lượn siêu tốc, rớt thẳng từ vị trí 50 xuống 150 toàn khối. Nhìn khoảng cách như vậy, tôi và chồng đều không thể chấp nhận được. Khi nhận được giấy báo kết quả, chúng tôi không ngừng chỉ trích và nghiêm khắc với con trai mình.

Kể từ ngày đó, điều tôi quan tâm đến con nhất mỗi ngày là:

- Con đã hoàn thành bài tập hôm nay chưa?

- Con đã học thuộc bài chưa?

- Mấy giờ rồi, sao còn chưa ngủ!

- Bài kiểm tra gần đây của con có tiến bộ không hay vẫn thụt lùi?

Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng, hứng thú học tập của con trai tôi ngày càng giảm và ngày nào cũng có vài cuộc “khẩu chiến”.

Vào một ngày cuối tuần, thằng bé nhốt mình trong phòng và chơi game cả ngày. Tôi gọi 3 lần, khi định vào phòng lần thứ 4 thì nó khóa trái cửa. Tôi tức giận hét lớn: “Mở cửa cho mẹ không thì bảo”. Nhưng thằng bé vẫn phớt lờ, thế là tôi đập cửa như người điên. Sau đó, chồng tôi cũng tức giận và bước tới đập cửa, túm áo con trai, định xô xát thì thằng bé khóc lóc: “Bố đánh chết con đi”.

Tôi sợ hãi và vội vàng ngăn cản chồng đang tức giận. Sau đó, chúng tôi thường xuyên cãi nhau với con trai mình, thằng bé cũng học hành sa sút hẳn. Tôi cũng nhờ cô giáo giúp đỡ nhưng tình trạng vẫn không có gì thay đổi.

Khi tuyệt vọng nhất, tôi vô tình tìm thấy một khóa học nói về “khả năng bùng nổ trong học tập của trẻ em”. Hàng loạt vấn đề trong đó đã trực tiếp đánh vào điểm đau của tôi. Khóa học này đã viết rằng: “Nhìn lại quá trình trưởng thành của con mình, với tư cách là cha mẹ, bạn có giáo dục con mình đúng cách không?”

- Bạn có đang lo lắng quá mức không? 

- Bạn có đang đau khổ vì điểm số của con bạn?

- Bạn có hay cằn nhằn con cái về việc sử dụng đồ điện tử không?

- Bạn có đang thúc giục con bạn học mỗi ngày?

Tất cả những câu hỏi này, câu trả lời của tôi là có! Với ý tưởng này, tôi bắt đầu học cách dạy con một cách có hệ thống.

Trong phần đầu tiên của khóa học, tôi hiểu rằng: xây dựng thói quen học tập của trẻ là rất quan trọng, nhưng việc huy động tinh thần học tập của trẻ còn quan trọng hơn. Bởi vì thói quen học tập tốt là kết quả và sự nhiệt tình học tập là động lực vô tận cho sự phát triển của trẻ.

Nhìn lại con mình, tôi thắc mắc tại sao thằng bé lại ít có động lực học tập hơn so với thời tiểu học. Sau đó, tôi nghi ngờ và đổ lỗi mọi thứ lên con trai và tạo áp lực cho nó. Tôi không hiểu được cảm xúc của con mình, khiến thằng bé không còn cảm nhận được việc học là niềm vui mà bây giờ chỉ là nhiệm vụ bố mẹ giao cho.

Cuối cùng, tôi cũng hiểu được rằng, là cha mẹ, điều chúng ta tốt nhất là không can thiệp quá mức vào quyền tự chủ của trẻ.

Vì vậy, bước thay đổi đầu tiên thực sự phải là cha mẹ. Vì vậy, theo những gì giáo viên chuyên môn đã dạy tôi, trước tiên tôi phải ngừng ngay việc thúc giục và động viên tích cực con mình đúng cách.

Có lần, con trai tôi vừa trải qua bài kiểm tra tiếng Anh, lúc nhìn thấy điểm số này, tôi vẫn tá hỏa. Nhưng tôi biết rằng, đánh đập và chửi bới sẽ chỉ phản tác dụng, vì vậy tôi đã xoa dịu cảm xúc và thay đổi cách làm của mình để thằng bé hiểu rằng, điểm số có thể được cải thiện sau này, không sao cả. Sau đó, sự tự tin của thằng bé ngay lập tức được nâng lên.

Ngoài ra, ở góc độ quản lý phụ huynh, khóa học cũng đã cho tôi câu trả lời. Đối với trẻ em, sự tăng trưởng không thể phụ thuộc vào sự phát triển tự do, cũng cần có sự hướng dẫn và tham gia của cha mẹ.

Cuối cùng, sự nhiệt tình học tập của con trai cũng tiến bộ rõ rệt. Có lần, thứ hạng của thằng bé được cải thiện rất nhiều, tôi và chồng rất vui mừng khen ngợi. Sau khi nói chuyện với con trai, chúng tôi nhận ra việc giao tiếp mang lại hiệu quả tuyệt vời. Lần đầu tiên, tôi nghiêm túc hỏi con trai về kế hoạch tương lai của nó và biết được thằng bé muốn trở thành kiến trúc sư.

Tôi bày tỏ sự tôn trọng và ủng hộ lý tưởng của thằng bé, không ngờ ngay sau đó, một tấm poster của nhà thiết kế nổi tiếng Pei I.M được treo trong phòng. Giờ đây, nhìn thấy con chăm chỉ học bài, tôi mới thực sự nhận ra rằng “giáo dục không phải là đổ đầy một xô nước mà là thắp lửa”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem