Thu Hà (P/V TTXVN Tại Paris)
Thứ tư, ngày 04/01/2023 09:01 AM (GMT+7)
Dự báo về tốc độ phát triển kinh tế của Ấn Độ từ nay đến năm 2030, tạp chí Pháp Le Point của Pháp cho rằng quốc gia Nam Á này sẽ tiến lên vị trí thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Dự báo về tốc độ phát triển kinh tế của Ấn Độ từ nay đến năm 2030, tạp chí Pháp Le Point của Pháp cho rằng quốc gia Nam Á này sẽ tiến lên vị trí thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu,Ấn Độlà một ngoại lệ đáng mừng. Trong khi Mỹ và châu Âu bị đe dọa bởi suy thoái và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Ấn Độ sẽ tăng 6,8% trong năm nay và tiếp tục tăng 6% vào năm 2023.
Nếu như cách đây 30 năm, Ấn Độ chỉ đứng ở vị trí thứ 15 trong bảng xếp hạng các cường quốc kinh tế, thì mới đây, Ấn Độ đã chiếm mất vị trí thứ 5 của Vương quốc Anh trong bảng xếp hạng này. Theo dự báo, tỷ trọng của nền kinh tế Ấn Độ sẽ vượt qua Đức từ năm 2027, và Nhật Bản từ năm 2029, để vươn lên vị trí thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc.
Một lực lượng lao động rẻ và được đào tạo rất tốt
Ấn Độ được hưởng lợi trước hết từ thế mạnh nhân khẩu học của mình. Dân số của nước này đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1950. Theo Liên hợp quốc (LHQ), tới giữa năm 2023 dân số của Ấn Độ sẽ là 1,43 tỷ dân, và nước này sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh, trên cả Trung Quốc và sẽ duy trì vị trí như vậy trong suốt thế kỷ này.
Dân số của Ấn Độ dự kiến sẽ đạt đỉnh 1,7 tỷ vào năm 2060, trước khi giảm dần xuống còn 1,53 tỷ vào năm 2100 và sẽ gấp đôi dân số Trung Quốc ở thời điểm đó. Sự tương phản về nhân khẩu học đang nổi bật giữa hai quốc gia châu Á khổng lồ này. Độ tuổi trung bình tại Ấn Độ là 27,6 tuổi, trong khi tại Trung Quốc là 37,9 tuổi và đến năm 2050, 30% người Trung Quốc sẽ trên 65 tuổi trong khi tỷ lệ này sẽ chỉ là 15% đối với dân số Ấn Độ.
Ấn Độ có mọi cơ hội để trong những thập kỷ tới, thay thế Trung Quốc, trở thành nguồn cung lao động lớn nhất của thế giới. Một lực lượng lao động rất rẻ, với mức lương thấp chỉ tương đương 1/5 so với ở Trung Quốc, nhưng ngày càng được đào tạo và giáo dục tốt hơn. Tỷ lệ biết chữ của thanh niên Ấn Độ tuổi từ 15 đến 24 đã tăng từ 62% trong năm 1991 lên 92% ở thời điểm hiện nay.
Các chỉ số khác cũng rất hấp dẫn, nước này có 1,5 triệu kỹ sư tốt nghiệp hàng năm từ các trường đại học lớn và đại học tổng hợp ở Ấn Độ. Trong số đó, tỷ lệ phụ nữ đặc biệt cao (43%), trong khi ở Pháp chỉ có 25%. Trong số này cũng có khoảng 20.000 sinh viên tốt nghiệp ưu tú từ 23 Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), một biểu tượng cho sự xuất sắc về khoa học của đất nước này.
Sundar Pichai, Giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ Alphabet xuất thân từ IIT, tương tự như Tổng Giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ máy tính IBM - Arvind Krishna, Giám đốc điều hành và Chủ tịch của công ty an ninh mạng Palo Alto Networks - Nikesh Arora, hoặc cựu tổng giám đốc của mạng xã hội Twitter - Parag Agrawal.
Nhận thức được những thế mạnh về trình độ công nghệ của Ấn Độ, gần đây tập đoàn công nghệ Apple đã quyết định chuyển một phần lớn dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh iPhone sang đất nước này.
Đây được coi là một thành công mang tính biểu tượng của Thủ tướng Narendra Modi, người đã phát động chiến lược "Make in India" vào mùa Thu năm 2014, nhằm mục đích tự do hóa nền kinh tế để thu hút đầu tư công nghiệp nước ngoài và truất ngôi "công xưởng thế giới" của Trung Quốc. Với tham vọng cuối cùng là đưa Ấn Độ trở lại thời kỳ vĩ đại trong quá khứ, điều đã giúp nước này trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới trong nhiều thế kỷ.
Các hạn chế vẫn còn rất lớn
Tuy có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng nền kinh tế Ấn Độ cũng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trước tiên là bộ máy nhà nước quan liêu cồng kềnh, tốc độ đô thị hóa thấp (65% dân số ở nông thôn, trong khi ở Trung Quốc chỉ là 37%), sự kém phát triển của cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt..., và cuối cùng là tỷ lệ nghèo khổ, dù đã giảm đi rất nhiều (tỷ lệ nghèo cùng cực đã giảm từ 57% trong năm 1983 xuống còn 10% hiện nay).
Những hạn chế này vẫn luôn là một căn bệnh đặc hữu của Ấn Độ. Gây sốc hơn nữa là sự bất bình đẳng đang trở nên ngày càng lớn - hiện đã cao hơn so với thời kỳ còn là thuộc địa của Anh - có nghĩa là 100 người Ấn Độ giàu có nhất nắm giữ của cải bằng 600 triệu người Ấn Độ nghèo nhất.
Một điều an ủi là 1,4 tỷ người Ấn Độ hiện nay, chiếm gần 1/5 cư dân trên hành tinh, không hề quan tâm đến những ảo tưởng về sự suy tàn của phương Tây. Họ chỉ muốn thúc đẩy GDP tăng nhanh để có được cuộc sống tốt hơn và một nền kinh tế - dù có thể không hoàn hảo và còn nhiều bất bình đẳng - nhưng cũng đang được củng cố để trở thành động lực của nền kinh tế thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.