Sự trùng hợp đặc biệt giữa 3 Nghệ sĩ Nhân dân có bằng Tiến sĩ - Thạc sĩ, “thần đồng” từ lúc còn bé

Hoàng Tuệ Lâm Thứ ba, ngày 24/09/2024 15:03 PM (GMT+7)
Trong làng nghệ thuật phía Bắc, Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên và Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng đều có rất nhiều sự trùng hợp bất ngờ.
Bình luận 0

Cả 3 nghệ sĩ đều là lãnh đạo chủ chốt của 3 đơn vị nghệ thuật cấp Trung ương: Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan – nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên hiện là Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng hiện là Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đây đều là 3 đơn vị có bề dày truyền thống rất vẻ vang và rất nhiều thành tích trong chặng đường hình thành và phát triển.

Cả 3 nghệ sĩ gắn bó với lĩnh vực mình hoạt động từ lúc còn bé cho đến thời điểm hiện tại. Họ đều ghi nhiều dấu ấn với các tác phẩm nghệ thuật, vai diễn và được phong Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân từ rất sớm.

Đặc biệt, cả 3 nghệ sĩ đều có các công trình nghiên cứu nổi bật về lĩnh vực mình đã gắn bó và được cấp bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ cách đây nhiều năm. Bản thân Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên và Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng cũng tham gia giảng dạy tại các trường đại học; hướng dẫn sinh viên Đại học và học viên Cao học thực hiện nhiều khóa luận, luận văn tốt nghiệp.

Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan

Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan sinh năm 1966 tại Thái Thụy, Thái Bình. Mới 9 tuổi, chị đã nổi danh như một "thần đồng" của làng chèo khi tham gia rất nhiều buổi biểu diễn trong và ngoài tỉnh. Năm 13 tuổi, chị được tỉnh Thái Bình tặng danh hiệu Thanh thiếu niên xuất sắc. Cũng trong năm này, chị trúng tuyển vào Nhà hát Chèo Việt Nam và bắt đầu trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp từ năm 1983. Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan diễn thành công cả vai đào lệch và đào thương. Vai diễn đầu tiên của chị trên sân khấu chuyên nghiệp là vai Đào Huế trong vở "Chu Mãi Thuần", tiếp theo là vai bà Sùng trong vở chèo nổi tiếng "Quan âm Thị Kính". Trong 44 năm gắn bó với Nhà hát Chèo Việt Nam, Thanh Ngoan đã đảm nhận rất nhiều dạng vai. Từ vai nhỏ không hề có thoại tới vai lớn, chị đều yêu và trân trọng.

Sự trùng hợp đặc biệt giữa 3 Nghệ sĩ Nhân dân có học vị Tiến sĩ, là “thần đồng” từ lúc còn bé - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan có 44 năm gắn bó với Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh: NVCC

"Tôi diễn nhiều vai lắm nhưng dù vai lớn hay vai nhỏ cũng đem lại cho tôi nhiều cảm xúc. Trong một kịch bản đã xây dựng nên nhân vật thì dù nhỏ hay lớn cũng đều có số phận. Vì thế, tôi chưa bao giờ xem nhẹ vai nào. Lúc nào tôi cũng nghiên cứu, nỗ lực hết mình để diễn tròn vai… Một vai tôi rất thích là Hoạn Thư trong vở Thúy Kiều, tôi được đóng từ 1990 và đến giờ vẫn nhớ như in từng lời thoại", Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan chia sẻ.

Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan cũng là người đầu tiên đưa ca trù vào chèo với vai chủ quán Hồng Châu trong vở "Hồ Xuân Hương". Bằng sự lao động nghiêm túc, đến hiện tại, Thanh Ngoan đã gặt hái được nhiều thành công xứng đáng. Chị từng đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp các năm 1988, 1990, 1995; Huy chương Vàng Hội thi Tiếng hát Chèo các năm 1981, 1992; Huy chương Vàng Hội thi trích đoạn Chèo hay năm 1993

Giải thưởng Sao Đỏ của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam năm 2000; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2016.

Sự trùng hợp đặc biệt giữa 3 Nghệ sĩ Nhân dân có học vị Tiến sĩ, là “thần đồng” từ lúc còn bé - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cách đây 4 năm. Ảnh: NVCC

Năm 2012, Thanh Ngoan trở thành Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Năm 2019, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Cách đây 4 năm, chị vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học.

Trước đó, vào năm 2007, Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Ngoan đã đảm nhận vai trò đạo diễn tại Nhà hát Chèo Hà Nội. Một số tác phẩm chính chị đã dàn dựng: Trinh phụ hai chồng, chương trình Hát Xẩm, chương trình âm nhạc Năm cung Chèo, Rồng Phượng, Vân dại, Áo khoác da người…

Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên

Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên sinh năm 1971, là "con nhà tông" trong một gia đình có truyền thống gắn bó với nghệ thuật cải lương. Cha của Triệu Trung Kiên là Nghệ sĩ Ưu tú Triệu Quang Vinh - nguyên Trưởng khoa Kịch hát dân tộc trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam, mẹ là nghệ sĩ Lê Mai Phương - đào chánh lừng lẫy một thời của Nhà hát Cải lương Trung ương.

Sự trùng hợp đặc biệt giữa 3 Nghệ sĩ Nhân dân có học vị Tiến sĩ, là “thần đồng” từ lúc còn bé - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên tham gia sân khấu từ năm 7 tuổi. Ảnh: NVCC

Mới 7 tuổi, nghệ sĩ Triệu Trung Kiên đã đĩnh đạc lên sân khấu diễn vai Trần Quốc Toản. Năm 1988, anh theo học lớp Trung cấp diễn viên cải lương. Tốt nghiệp năm 1991, anh về công tác Nhà hát Cải lương Trung ương. Năm 2005, anh tốt nghiệp ngành đạo diễn sân khấu năm 2005.

Ca hay diễn giỏi, tạo ấn tượng ở vai trò diễn viên với những nhân vật như: ông chủ trong Cây đàn huyền thoại, Trịnh Giác Mất trong Tình sử Lộ Đà Giang, trung tá Bắc trong Cổ xưa... Khi chuyển sang làm đạo diễn, Triệu Trung Kiên tiếp tục gây ấn tượng với giải B - Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu toàn quốc 2007, giải bạc Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009 và giải Vàng trong mùa hội diễn năm 2012...

Triệu Trung Kiên đã tham gia viết kịch và dàn dựng thành công nhiều vở diễn sân khấu cho các đoàn nghệ thuật trong cả nước, đặc biệt là sân khấu cải lương khu vực phía Bắc. Thời gian gần đây, Triệu Trung Kiên dàn dựng: Chuyện tình Khau Vai, Dấu ấn giao thời, Đế đô sóng cả, Công chúa Ngọc Hân, Mê cung, Hừng đông, Ni sư Hương Tràng, Mai Hắc Đế, Hừng đông, Thầy Ba Đợi, Huyền thoại gò Rồng ấp và mới đây nhất là Ngàn năm mây trắng - vở kịch hát đầu tiên có sự kết hợp của 4 loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống Việt Nam (cải lương, chèo, xẩm và ca Huế).

Là nghệ sĩ dấn thân cho sân khấu cải lương từ năm 1991 đến nay, nhất là hiện đang giữ cương vị Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung luôn trăn trở với tình trạng cải lương hôm nay.

"Tôi không hứa trước điều gì nhưng chắc chắn không để khán giả thông thái của tôi cảm thấy vô ích khi xem cải lương. Cần tiếp tục tiếp thu tinh hoa sân khấu thế giới để đổi mới và làm giàu cho sân khấu cải lương Việt Nam. Ngoài đào tạo nghệ sĩ cải lương cũng cần có cung cấp niềm đam mê nghệ thuật cải lương cho khán giả. Đưa cải lương đến gần hơn với công chúng bằng chính nỗ lực đổi mới. Và nếu không đổi mới, sân khấu cải lương có tuổi đời cả 1 thế kỷ có thể sẽ vĩnh viễn mất đi trong tâm thức của dân tộc", Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên nói.

Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử sân khấu "Phong cách Cải lương Bắc" năm 2021 do PGS.TS Trần Trí Trắc hướng dẫn.

Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng

Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng sinh năm 1967 tại Hà Nội. Anh từng là một cậu bé nhút nhát và không có sức khỏe. Năm 12 tuổi (năm 1979), anh trúng tuyển cả trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Trung cấp Mỹ thuật. Đứng giữa hai lựa chọn, Tống Toàn Thắng đã chọn xiếc để rèn luyện bản thân và quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng. Từ năm 1983, sau khi tốt nghiệp trường Trung học Xiếc Việt Nam, Tống Toàn Thắng đầu quân cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho đến nay.

Sự trùng hợp đặc biệt giữa 3 Nghệ sĩ Nhân dân có học vị Tiến sĩ, là “thần đồng” từ lúc còn bé - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng dành trọn đời cho nghệ thuật xiếc. Ảnh: NVCC

Anh đã dành 5 năm tuổi trẻ khổ luyện ở trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và nhiều năm đằng đẵng sau này, đổ mồ hôi, công sức, nước mắt và cả máu chỉ để khẳng định mình trong niềm đam mê xiếc.

Dấu ấn đầu tiên phải kể tới buổi biểu diễn thành công 2 tiết mục mới trong chương trình khai mạc Rạp Xiếc Trung ương 12/1991 (Cầu NgôTrích đoạn Thạch Sanh đánh trăn tinh cứu công chúa. Đây là lần đầu anh biểu diễn với trăn trên sân khấu xiếc Việt Nam.

Tiết mục Thạch Sanh cùng Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng lưu diễn nhiều chương trình biểu diễn, liên hoan quốc tế ở Trung Quốc, Thụy Điển, Thái Lan, Mỹ... Anh giữ vị trí Phó trưởng Đoàn xiếc 3 từ năm 2009-2011, trước khi giữ chức Trưởng đoàn vào năm 2012.

Năm 2012, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Từ thời gian này trở đi, anh dần chuyển sang vai trò dàn dựng vở, chương trình. Tháng 11/2017, Tống Toàn Thắng được bổ nhiệm Phó Giám đốc Liên Đoàn Xiếc Việt Nam. Anh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân từ năm 2019.

Năm 2018, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng tiên phong trong việc khắc họa chân dung người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trên sân khấu xiếc. Các vở diễn: Sống mãi Điện Biên, Ký ức Trường Sơn, 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, Vòng tròn bất tử, Huyền thoại mẹ, Vết chân tròn trên cát… khi ra mắt đã gây tiếng vang lớn.

"Tôi là người có cơ hội làm nghề xiếc và được đi lưu diễn ở nhiều quốc gia. Những trải nghiệm đó đã khiến tôi đau đáu về những gì mà mình tích lũy được. Khi học cao học, luận văn của tôi có đề tài "Phương pháp sử dụng chất liệu trò chơi dân gian trong sáng tạo tác phẩm xiếc".

Tôi rất may mắn khi những tiết mục dàn dựng cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam dự thi trên đấu trường xiếc quốc tế đều nhận được giải thưởng. Chính niềm tự hào dân tộc đã cho tôi nghị lực để nghiên cứu việc ứng dụng âm nhạc dân tộc vào các tiết mục xiếc, để khi biểu diễn trước bạn bè năm châu, họ sẽ nhận ra đó là xiếc của Việt Nam", Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem