Sửa đổi Nghị định 65: Hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển

P.V Thứ sáu, ngày 17/02/2023 19:51 PM (GMT+7)
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ.
Bình luận 0

Bộ Tài chính nhận định, sau khi Nghị định số 65 ban hành, thị trường TPDN bị tác động mạnh bởi khó khăn của thị trường tiền tệ và một số vụ việc xử lý hình sự đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. 

Do đó, doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn lực để thanh toán các trái phiếu đến hạn tập trung cao vào năm 2023-2024 và huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, Nghị định số 65 (khoản 6 Điều 1) quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn về thanh khoản như hiện nay, việc ngưng thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đến hết ngày 31/12/2023 theo ý kiến của một số doanh nghiệp có thể duy trì được nhu cầu mua TPDN của các nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính nhưng chưa tích lũy được thời gian 180 ngày để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp của Nghị định số 65.

Do tình hình thị trường có sự thay đổi đáng kể so với bối cảnh khi xây dựng Nghị định số 65 nên tại dự thảo Nghị định đã đề xuất ngưng một số quy định để kịp thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ", hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn, thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn cho nhà đầu tư và tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đề xuất tại dự thảo Nghị định tuân thủ quy định về thẩm quyền và điều kiện ngưng hiệu lực của văn bản tại điểm b khoản 1 Điều 153 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nêu trên. 

Bộ Tài chính báo cáo cụ thể các nội dung đề xuất ngưng thực hiện tại dự thảo Nghị định. Cụ thể, về quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư Chính phủ lấy ý kiến thành viên Chính phủ theo 2 phương án, cụ thể:

Phương án 1: Ngưng thực hiện đến hết ngày 31/12/2023 đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; từ ngày 1/1/2024 sẽ tiếp tục thực hiện các quy định này.

Ưu điểm của phương án này là thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và có thể duy trì cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản thị trường gặp khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư cá nhân rất thận trọng sau các vụ việc vi phạm vừa qua nên số lượng nhà đầu tư có nhu cầu thực tế khả năng không nhiều.

Nhược điểm của phương án này là có thể sẽ có một số lượng nhà đầu tư tiếp tục mua TPDN vì ham lãi suất cao mà không đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, dẫn đến khó thanh lọc, nâng cao chất lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp để giải quyết những rủi ro đã phát sinh trong thời gian vừa qua.

Do đó, để thực hiện chính sách này, dự kiến cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thông tin, tuyên truyền, cảnh báo nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật, đánh giá đầy đủ rủi ro của doanh nghiệp phát hành và trái phiếu trước khi mua, hiểu rõ bản chất của TPDN phát hành riêng lẻ và tự chịu trách nhiệm về rủi ro khi quyết định mua trái phiếu; tăng cường quản lý giám sát thông qua Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến TPDN (tổ chức tư vấn hồ sơ, phân phối, lưu ký trái phiếu) để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quy định của pháp luật phân phối TPDN cho nhà đầu tư cá nhân. Hiệu quả của các giải pháp này phụ thuộc phần lớn vào ý thức của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân...

Phương án 2: Tiếp tục thực hiện quy định tại Nghị định số 65 về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Ưu điểm của phương án này là phù hợp với bản chất của phát hành TPDN riêng lẻ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và mục tiêu khi ban hành Nghị định số 65 là giảm thiểu rủi ro phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu.

Theo đó, bảo đảm tính an toàn và bền vững của cầu đầu tư TPDN, ngăn ngừa phát sinh các vụ việc lừa đảo nhà đầu tư phải xử lý hình sự gây nhiều hệ lụy. Ngoài ra, theo Luật Chứng khoán thì có nhiều cách để xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân. Ngoài xác định bằng danh mục chứng khoán theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP được sửa đổi tại Nghị định số 65, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân còn có thể chứng minh tư cách bằng (i) thu nhập chịu thuế từ 1 tỷ đồng trở lên (sắp đến thời điểm quyết toán thuế hàng năm ngày 31/3); chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Nhược điểm của phương án này là trước mắt nhu cầu mua TPDN của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân có thể giảm.

Thực hiện theo phương án này thì các kịch bản có thể xảy ra khác nhau. Theo đó, kịch bản tiêu cực thì nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, thiếu hiểu biết tiếp tục mua TPDN vì ham lãi suất cao mà không đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu. Khi doanh nghiệp không có khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu thì bộ phận nhà đầu tư này yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước xử lý, tổ chức biểu tình gây mất ổn định trật tự kinh tế, xã hội; hoặc nhà đầu tư cá nhân do mất niềm tin nên dù ngưng hiệu lực thi hành quy định xác định tư cách nhà đầu tư thì nhà đầu tư vẫn không quay trở lại đầu tư vào TPDN mà chuyển sang gửi tiết kiệm ngân hàng, đặc biệt khi lãi suất huy động của ngân hàng có xu hướng tăng, hoặc các kênh đầu tư khác, do đó không giải quyết được khó khăn trong việc huy động vốn trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

Với kịch bản tích cực: Bộ phận nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, thiếu hiểu biết do bị ảnh hưởng bởi các thông tin tiêu cực sẽ không bất chấp rủi ro để mua TPDN mà lựa chọn gửi kênh gửi tiền tiết kiệm ngân hàng an toàn hơn. Đồng thời, bộ phận nhà đầu tư cá nhân có năng lực tài chính, có khả năng đánh giá rủi ro vẫn lựa chọn các trái phiếu tốt để đầu tư và chấp nhận rủi ro như đầu tư vào cổ phiếu và các sản phẩm tài chính rủi ro khác thì có thể tạo thêm cầu đầu tư vào TPDN...

Bên cạnh đó, điểm mới đáng chú ý trong dự thảo mới cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn hoặc hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định pháp luật về phát hành trái phiếu. Việc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Với trái chủ không chấp nhận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu trái chủ vẫn không chấp nhận phương án đàm phán, doanh nghiệp phải trả đầy đủ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho trái chủ theo đúng phương án phát hành đã công bố.

Dự thảo lần này cũng có quy định trong trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền thì có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác.

Việc chuyển đổi này phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành, pháp luật có liên quan và được trái chủ chấp thuận. Doanh nghiệp đồng thời phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Đáng chú ý, dự thảo mới cũng ngưng hiệu lực thi hành với một số quy định tại Nghị định 65 đến hết ngày 31/12/2023. Trong đó có quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, tức chưa nâng chuẩn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm và giảm thời gian phân phối trái phiếu từng đợt xuống còn 30 ngày cũng được ngưng hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023. Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê đến ngày 31/1, thị trường TPDN chưa ghi nhận đợt phát hành nào trong năm 2023. Các đợt phát hành được công bố gần đây hầu hết được phát hành vào tháng 12/2022 với tổng giá trị chào bán 15.880 tỷ đồng. VBMA dự báo áp lực thanh toán sẽ bắt đầu dồn dập trở lại kể từ tháng 5 đến tháng 9 với con số đến hạn vượt hơn 1 tỷ USD. Tổng số dư trái phiếu đáo hạn dự kiến trong năm nay vào khoảng 285.178 tỷ đồng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem