Sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công: Nhằm hạn chế tồn tại, trục lợi chính sách

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 27/10/2019 11:04 AM (GMT+7)
Để hoàn thiện hơn nữa Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh người có công) sửa đổi, sáng qua (25/10) Bộ LĐTBXH đã tổ chức họp lấy ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo.
Bình luận 0

Giải quyết một số vấn đề còn ý kiến khác biệt 

Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 29/8/1994, từ đó tới nay Pháp lệnh đã được sửa đổi nhiều lần và đổi tên thành  Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Hiện công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đang bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.

img

Buổi họp lấy ý kiến Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi 

Chính vì vậy, việc sửa đổi toàn diện lần này để thay thế Pháp lệnh hiện hành nhằm tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Pháp lệnh, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Theo Ban soạn thảo hiện nội dung Dự thảo Pháp lệnh có một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, gồm: Bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học;  Công nhận liệt sĩ đối với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát; Đề nghị xem xét mở rộng đối tượng người có công với cách mạng là người hoạt động kháng chiến nhưng chưa đủ thời gian được tặng Huân chương, Huy chương; Xem xét mở rộng đối tượng là người bị địch bắt tù, đày do tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;  Thực hiện trợ cấp một lần thay cho trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40%; Không tiếp tục công nhận xem xét bệnh binh mới là người có công.

Thay mặt Ban soạn thảo, ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, tất cả những vấn đề còn ý kiến khác biệt trên sẽ được lấy ý kiến phân tích để lựa chọn phương án cuối cùng. 

Hạn chế tình trạng cả làng, cả xã "chạy" chế độ chất độc hóa học

Ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) cho biết, trong quá trình lấy ý kiến soạn thảo dự án Pháp lệnh, các nội dung sửa đổi nhận được sự đồng thuận của hầu hết các Bộ, Ban, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các Hội, các địa phương, chuyên gia và nhân dân. Hiện tại Bộ LĐTBXH đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến dự thảo ở rất nhiều tỉnh thành phố. 

Phát biểu trong buổi họp lấy ý kiến góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Tiến Tùng – Thanh tra Bộ LĐTBXH cho rằng cần phải nhanh chóng sửa đổi pháp lệnh người có công để hạn chế tình trạng một số người trục lợi chính sách. Ông Tùng cho biết, vừa qua Thanh tra bộ đã tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi với người tham gia hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ. Cụ thể, hiện nay Thanh tra Bộ LĐTBXH đã thanh tra hồ sơ đối tượng người tham gia kháng chiến hưởng chế độ chất độc hóa học tại 17 tỉnh, dự kiến đến năm 2021 kết thúc.

Ông Tùng cũng cho biết, qúa trình thanh tra cho thấy, các địa phương nhận thức về vấn đề này chưa được đúng thậm chí điều kiện cần là tham gia vùng bị rải chất độc hóa học còn chưa đủ. “Có những địa phương khi thanh tra, đồng chí Chủ tịch tỉnh còn thốt lên "Nếu cứ xác nhận như thế này thì cả tỉnh tâm thần". Nhiều người đến bệnh viện tâm thần (cấp tỉnh hoặc trung ương) lấy giấy điều trị ngoại trú 1 tuần, sau đó về xác nhận là tâm thần để hưởng chế độ và làm chế độ cho con. Một số cháu gái mới ở độ tuổi 6-10 tuổi nhưng bệnh viện vẫn xác nhận là "ngực lép" hoặc kết luận không có khả năng lao động. Số này thường rơi vào nhóm đối tượng người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40%" – ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết.

Hiện nhóm đối tượng này chiếm tới 70% nhóm đối tượng người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học vì việc xác nhận đối tượng này trước đây rất dễ. Chỉ cần Hội đồng cấp xã xác nhận không khả năng lao động ( với cả trường hợp dưới 15 tuổi), nữ ngực lép là đủ điều kiện hưởng chế độ.

Nêu quan điển của mình ông Tùng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng, cả làng cả xã "chạy" hưởng chế độ chất độc hóa, chúng ta nên thực hiện trợ cấp một lần thay cho trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40%. "Khi tác dụng của việc hưởng không được nhiều nữa dân chúng sẽ không cố tình "đầu tư" để hưởng chất độc hóa học ở các địa phương nữa" – ông Tùng nói.

Tại cuộc họp Phó Cục trưởng Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) Đoàn Quan Hòa đánh giá cao quá trình xây dựng Pháp lệnh của Bộ LĐ-TB&XH, đồng thời góp ý cho một số vấn đề trong dự thảo như: công nhận liệt sĩ với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát. Đồng tình không mở rộng đối tượng người có công với cách mạng là người hoạt động kháng chiến nhưng chưa đủ thời gian được tặng Huân chương, Huy chương…

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao các ý kiến phát biểu đầy trách nhiệm, thể hiện quan điểm rõ ràng của các đại biểu. Các ý kiến sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu, tổng hợp đưa vào dự thảo trình Chính phủ thời gian tới.

Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 29/8/1994 là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội trong việc quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công. Từ đó đến nay, Pháp lệnh đã được sửa đổi qua các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem