|
Tâm lý sính ngoại là một nguyên nhân đẩy giá sữa tăng. |
Thi nhau tăng giá
Tại các cửa hàng sữa trên phố Hàng Buồm (Hà Nội), nhiều mặt hàng đã đồng loạt thông báo tăng giá. Dumex, Friesland tăng 10% cho 17 loại sữa bột, Friesland Campina Việt Nam tăng giá 6% cho một số sản phẩm sữa nước, giá sữa XO các loại của hãng Nam Yang (Hàn Quốc) tăng 7- 8%...
Chị Nguyễn Minh Phương ở 238 phố Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Đầu năm giá sữa đã tăng một lần rồi, nay lại tăng lên thêm mấy chục ngàn một hộp, cứ nghĩ tới 2 đứa bé 2 tuổi và 5 tuổi mỗi tuần ăn hết hơn 1 hộp sữa XO 800gr tôi thấy chóng cả mặt. Cứ đà tăng giá như thế này, khéo chỉ con nhà giàu mới có sữa dùng".
Theo Bộ Công Thương, sản lượng sữa bột 6 tháng đầu năm 2010 ước đạt 25,5 nghìn tấn, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2009. Tuy nhiên, giá sữa trong nước vẫn có xu hướng tăng liên tục từ đầu năm.
Mặc dù Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu UBND các địa phương tổ chức thực hiện những biện pháp bình ổn giá sữa và chỉ đạo kiểm tra ngay doanh nghiệp sữa và đại lý trên địa bàn nhưng sữa ngoại vẫn “đến hẹn lại tăng giá”.
Chủ đại lý sữa ở 15 Hàng Giày (Hà Nội) cho biết, mức tăng giá mạnh nhất ở dòng sữa bột ngoại. Sữa XO có giá khoảng 320.000 đồng/hộp 800gr nay giá mới là 369.000 đồng/hộp. Tương tự, Dumex1 có giá mới 334.000 đồng/hộp 800gr, Milex1 356.000 đồng/hộp 900gr...
Theo các chủ đại lý, giá sữa ngoại tăng là do giá nguyên liệu tăng và tỷ giá ngoại tệ thời gian qua tăng, cộng thêm tâm lý "sính" ngoại làm cho giá sữa tiếp tục tăng lên.
Hôm qua, một số cửa hàng sữa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thông báo nhiều hãng sữa bột ngoại nhập tăng giá từ 5-8%. Công ty TNHH Dược phẩm 3A, nhà phân phối mặt hàng sữa Abbott (Hoa Kỳ) vừa thông báo tăng giá 8% đối với 7 sản phẩm sữa của hãng là Similac IQ 400g, Similac IQ 900g, Similac Gain IQ 400g, Similac Gain IQ 900 g, Gain Plus IQ 400g, Gain Plus IQ 900g, Gain Plus IQ 1,7kg.
Trao đổi với NTNN, một số chuyên gia kinh tế nhận định, việc tăng giá sữa sẽ rất lớn đến những người phải sử dụng nhiều sản phẩm này như: Trẻ em, phụ nữ, người già, người bệnh... do đó nhà nước cần có biện pháp mạnh để can thiệp bình ổn giá sữa.
Cơ quan quản lý bất lực?
TS.Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho biết: "Trong nửa đầu năm 2010, mặc dù giá cả đã có sự chững lại nhưng hàng tháng đều có những mặt hàng sữa tăng giá, với mức tăng trung bình khoảng từ 10%. Tính từ đầu năm đến nay, các mặt hàng sữa nội đã tăng khoảng 17-20%.
Chúng ta quy định đối với doanh nghiệp có 50% vốn sở hữu nhà nước trở lên ở trong vốn điều lệ phải đăng ký giá. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh sữa đều không có tỷ lệ sở hữu nhà nước ở trong vốn điều lệ cao như vậy nên họ không đăng ký giá. Như vậy chúng ta không thể kiểm soát giá sữa.
Ông Nguyễn Tiến Thoả - Cục trưởng Cục Quản lý giá
Theo tôi, việc giá sữa tăng là do 2 yếu tố, một là giá thế giới có tăng ít nhiều, và tỉ giá ngoại tệ tăng. Ngoài ra, trong quan hệ cung - cầu, lượng cung sữa chỉ đáp ứng khoảng 25-30% tổng cầu, vì thế thị trường sữa nội phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, nhất là những nhà phân phối là rất lớn”.
Ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, tính trong vòng 5 năm trở lại đây, hầu như quý nào trong năm cũng có đợt tăng giá sữa. Dường như các cơ quan quản lý đang "ngủ quên", coi như tình hình đã ổn rồi nên không chú trọng. Dù là mặt hàng nằm trong đợt bình ổn giá của Bộ Tài chính nhưng sữa ngoại vẫn tăng giá bất chấp các biện pháp của cơ quan chức năng.
"Các cơ quan quản lý nhà nước phải liên tục tăng cường kiểm tra, giám sát các yếu tố hình thành giá để bình ổn mặt hàng này. Nếu không, quyền lợi người tiêu dùng vẫn sẽ bị xâm phạm" - ông Phan nói.
Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.