"Sức khỏe" 5 tập đoàn, tổng công ty nông nghiệp trước khi về lại Bộ: Ông lớn Vinacafe kinh doanh ra sao?

Nguyễn Phương Thứ bảy, ngày 28/12/2024 09:18 AM (GMT+7)
Ông Đặng Hồng Tuấn - Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết năm 2024, tổng sản lượng sản xuất kinh doanh của Vinacafe đạt 80.495 tấn. Các chỉ tiêu tài chính năm 2024 đều vượt so với thực hiện năm 2023 và ước tính lợi nhuận tăng trưởng 24% so với cùng kỳ.
Bình luận 0

5 tập đoàn, tổng công ty được sắp xếp từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được bàn giao về lại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, gồm: Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).

Tình hình kinh doanh của 5 doanh nghiệp này ra sao trước khi được giao về Bộ chuyên ngành quản lý? Dân Việt xin được "điểm mặt" từng doanh nghiệp.

Bài 2: Vinacafe tiếp tục duy trì được kết quả sản xuất, kinh doanh có lãi 

Năm 2024, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) tiếp tục duy trì được kết quả sản xuất, kinh doanh có lãi của năm 2023 sau nhiều năm liên tiếp ở trong tình trạng thua lỗ, doanh thu hợp nhất ước đạt 2,252 nghìn tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch năm và bằng 103% so với cùng kỳ năm trước.

Vinacafe - Các chỉ tiêu tài chính năm 2024 đều vượt, ước lợi nhuận tăng trưởng 24% 

Năm 2024, Vinacafe thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong điều kiện giá cà phê tăng cao mang lại cơ hội lớn cho ngành cà phê nói chung và Tổng công ty nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự thuận lợi của giá cà phê tăng cao thì năm 2024, do tác động của biến đổi khí hậu, khu vực Tây Nguyên trải qua giai đoạn nắng nóng kéo dài làm tăng chi phí tưới nước, đặc biệt là các tỉnh Gia Lai và Kon Tum thiếu hụt nguồn nước tưới, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, đặc biệt là vườn cây cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2024, Vinacafe tiếp tục duy trì được kết quả sản xuất, kinh doanh có lãi của năm 2023 sau nhiều năm liên tiếp ở trong tình trạng thua lỗ, doanh thu hợp nhất ước đạt 2,252 nghìn tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch năm và bằng 103% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đặng Hồng Tuấn - Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết năm 2024, tổng sản lượng sản xuất kinh doanh của Vinacafe đạt 80.495 tấn. Các chỉ tiêu tài chính năm 2024 đều vượt so với thực hiện năm 2023, Vinacafe tiếp tục hoạt động hiệu quả và ước tính lợi nhuận tăng trưởng 24% so với cùng kỳ.

"Sức khỏe" 5 tập đoàn, tổng công ty ngành nông nghiệp trước khi về lại Bộ: Ước lợi nhuận Vinacafe tăng trưởng 24% - Ảnh 1.

Ông Đặng Hồng Tuấn - Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).

Về đề án tái cơ cấu Vinacafe đến hết năm 2025, ngay từ đầu năm 2024, Vinacafe đã nghiêm túc thực hiện, đến nay cơ bản đã gần như hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra. Năm 2024, Tổng công ty đã đẩy mạnh hoạt động thương mại, cải tiến thương hiệu Vinacafe và bộ nhận diện nhân hiệu mới "VIETNAMCOFFEE", tung sản phẩm mới mang nhãn hiệu "VIETNAMCOFFEE" ra thị trường. Đồng thời, đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu "VIETNAMCOFFEE" ở 50 quốc gia, trong đó có các quốc gia lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Úc và Trung Quốc. Vinacafe đã tiêu thụ 525 tấn cà phê chế biến sâu (cà phê hòa tan và cà phê rang xay) năm nay.

Điều này cho thấy sự phát triển bền vững và định hướng đúng đắn, cùng với sự chỉ đạo chiến lược linh hoạt đã giúp Vinacafe dần lấy lại được vị thế của mình trên thị trường. Đây cũng là bước chuyển mình quan trọng so với việc chỉ xuất khẩu cà phê nhân xanh trước đây, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Việt Nam của Vinacafe trên thị trường quốc tế.

Về công tác nhân sự, Vinacafe dang trong quá trình kiện toàn bộ máy lãnh đạo. Đầu năm 2024, Tổng công ty đã được chỉ định và bổ sung Thành viên phụ trách Hội đồng Thành viên. Tháng 9/2024, Tổng công ty cũng đã bổ sung 1 vị trí Phó Tổng giám đốc. Những kết quả này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự lãnh đạo và phát triển bền vững của Vinacafe trong thời gian tới.

Giá tăng, xuất khẩu cà phê vượt mốc 5 tỷ USD, cơ hội lớn Vinacafe có tận dụng được?

Cho đến nay, ngành nghề kinh doanh chính của Vinacafe là trồng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu cà phê, hồ tiêu, điều, cao su, lương thực, nông sản và các loại cây công nghiệp khác; công nghiệp chế biến gồm: Cà phê, chè, cao su, ca cao, tiêu, điều, đường, mật, nông sản, thực phẩm. 

Năng lực sản xuất của Vinacafe, theo báo cáo đến đầu năm nay gồm: 41.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Năng lực chế biến: 52.000 tấn cà phê nhân, 25.000 tấn gạo. Vinacafe có 46 đơn vị thành viên, bao gồm 11 công ty/đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ; 27 Công ty TNHH một thành viên do Công ty mẹ sở hữu, 3 công ty cổ phần có cổ phần chi phối của Công ty mẹ và 5 công ty cổ phần liên kết; gần 30.000 lao động tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi trồng, chế biến.

Mặc dù lượng tiêu thụ cà phê trong nước đang tăng, nhưng xuất khẩu vẫn là nguồn thu nhập chính cho ngành sản xuất cà phê Việt Nam và của Vinacafe. Năm 2024, giá cà phê có mức tăng trung bình trên 50% đã giúp kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD. Giá cà phê tăng cũng giúp cho Vinacafe thoát khỏi tình trạng thua lỗ nhiều năm liên tiếp.

"Sức khỏe" 5 tập đoàn, tổng công ty ngành nông nghiệp trước khi về lại Bộ: Ước lợi nhuận Vinacafe tăng trưởng 24% - Ảnh 2.

Giá cà phê tăng cũng giúp cho Vinacafe thoát khỏi tình trạng thua lỗ nhiều năm liên tiếp.

Vinacafe cho biết, năm 2024 là một năm đặc biệt với ngành hàng cà phê và lần đầu tiên, giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới. Giá cà phê Robusta xuất khẩu cao hơn giá cà phê Arabica và đây là điều chưa từng xảy ra.

Từ đầu năm đến nay, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng liên tục. Tháng 1, giá cà phê xuất khẩu chỉ trên 3.000 USD/tấn, đến tháng 10 vọt lên 5.855 USD/tấn.

Như vậy, chỉ trong 10 tháng, giá mặt hàng này đã tăng trên 90%. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 11 tháng năm 2024 ước đạt 4.037 USD/tấn, tăng 56,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhờ đó, xuất khẩu cà phê 11 tháng năm 2024 đạt gần 1,2 triệu tấn với kim ngạch 4,84 tỷ USD; tuy giảm 15,4% về khối lượng nhưng giá trị xuất khẩu tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023. 

Dù vậy, năm 2025 - Vinacafe vẫn nhìn nhận - sẽ là năm khó khăn toàn diện đối với ngành và với Vinacafe, cả về lĩnh vực sản xuất cũng như kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và ngành cà phê, lúa gạo trên toàn thế giới.

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025, Vinacafe dự kiến phấn đấu tiếp tục kinh doanh có lãi và khắc phục các chỉ tiêu, kết quả kinh doanh còn yếu kém, thua lỗ từ các năm trước để lại.

Để thực hiện mục tiêu, Vinacafe đề xuất Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ có cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết tồn tại về tài chính, quản lý sử dụng đất đai của Tổng Công ty.

Về phần mình, Vinacafe sẽ xem xét giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể đến từng công ty thành viên; khuyến khích và có biện pháp trồng xen canh các cây trồng thích hợp trong thời gian kiến thiết cơ bản nhằm tăng thu nhập trên diện tích canh tác.

Vinacafe cũng chủ động tìm kiếm đối tác để hợp tác phát triển, sản xuất áp dụng công nghệ cao; ưu tiên đầu tư cho trồng tái canh vườn cây cà phê; nghiên cứu phát triển và mở rộng các thị trường tiềm năng, ổn định đầu mối kinh doanh xuất khẩu cà phê bao gồm cả chế biến sâu và cà phê nhân xanh tại Công ty mẹ.

Tháng 12/2024, Vietnam Coffee - thương hiệu chủ lực của Vinacafe, đã chính thức xuất khẩu container đầu tiên các sản phẩm cà phê chế biến sâu, bao gồm cà phê hạt rang, cà phê rang xay và cà phê hòa tan, ra thị trường quốc tế. Đây là cột mốc lịch sử, khẳng định chất lượng vượt trội và khát vọng vươn xa của thương hiệu cà phê mang đậm bản sắc Việt.

Các sản phẩm cà phê chế biến sâu của Vietnam Coffee được sản xuất từ những hạt cà phê sạch, tuyển chọn kỹ lưỡng tại Tây Nguyên. Sự kiện xuất khẩu lần này không chỉ là một hoạt động thương mại mà còn là bước tiến chiến lược, minh chứng cho năng lực cạnh tranh và khả năng đáp ứng của Vietnam Coffee đối với tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

Việc xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu thuộc nhãn hiệu Vietnam Coffee không chỉ gia tăng giá trị kinh tế, mà còn khẳng định sự chuyển mình của Vinacafe, giảm dần phụ thuộc vào xuất khẩu cà phê nguyên liệu. Đây cũng là thành quả từ nỗ lực đầu tư vào công nghệ chế biến và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt của Vinacafe.

Với Vietnam Coffee, Vinacafe đặt mục tiêu mở rộng xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, gia tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu trong tổng doanh thu xuất khẩu.

Sẽ tiếp tục thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp

Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) mới công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Trên bảng cân đối kế toán này, tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vinacafe đạt 2.886 tỷ đồng, giảm gần 57 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tổng Công ty đang trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 428 tỷ đồng và dự phòng phải thu dài hạn khó đòi 13 tỷ đồng. Nợ phải trả là 2.414 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ vay ở mức 874 tỷ đồng. Vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2009: 1.150 tỷ đồng.

Được biết, về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn, tồn tại qua nhiều thời kỳ sắp xếp, đổi mới; tuy nhiên, Vinacafe đã triển khai tái cơ cấu thành công tại Công ty cổ phần Vinacafe miền Bắc và từng bước tái cơ cấu tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê Đà Lạt.

Vinacafe sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, đánh giá toàn diện về tài chính, kết quả và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc biệt là giám sát về tài sản, hàng hóa sản phẩm, công nợ, chi phí; hạch toán các khoản thu nhập theo đúng quy định của pháp luật; khẩn trương, quyết liệt trong xây dựng, triển khai phương án tái cơ cấu phù hợp, cải thiện hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên. Đặc biệt là quan tâm về công tác thu hồi công nợ, quản lý đất đai, quản lý tổ chức sản xuất; xử lý nghiêm khắc các trường hợp buông lỏng quản lý đối với đất đai, quản lý vườn cây, tổ chức thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Kế hoạch 141/KH-BCĐTKNQ18 của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 18/2017/NQ-TW, 19 tập đoàn và tổng công ty Nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước (Siêu Ủy ban) sẽ được sắp xếp trở lại các bộ chuyên ngành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) quản lý 5 doanh nghiệp: Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Vietnam Rubber Group) Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).







Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem