Súng trường AK kết hợp phóng lựu: Đột phá nhưng...bị đình chỉ

Thứ năm, ngày 15/02/2018 15:30 PM (GMT+7)
Tương tự như khẩu súng trường công nghệ cao XM-25 của Mỹ hay K11 của Hàn Quốc, AK 80.002 cũng có hai nòng cạnh nhau với một cơ cấu cò duy nhất.
Bình luận 0

Ý tưởng về việc chế tạo phiên bản súng trường tấn công AK được kết hợp với nòng phóng lựu và sử dụng một cơ cấu cò duy nhất đã manh nha từ thập niên 1970, chịu trách nhiệm thiết kế vũ khí trên là nhóm kỹ sư thuộc Viện nghiên cứu TsNIITochMash bao gồm: Yu.V. Minaev, V.I. Chelikin và G.A. Yanov.

Khẩu súng này được định danh là AK 80.002, nó có kết cấu hai nòng rất độc đáo trong đó nòng bên phải tương tự như AK-74, bắn đạn cỡ 5,45 x 39 mm, trong khi nòng bên trái bắn đạn lựu cỡ 12,7 mm.

Do hai nòng đặt cạnh nhau nên dĩ nhiên AK 80.002 cũng yêu cầu hai hộp tiếp đạn phải bố trí tương tự.

Vũ khí mới nhận kỳ vọng sẽ giúp người lính sở hữu hỏa lực vượt trội đối phương trên chiến trường.

img

Súng trường tấn công kết hợp AK 80.002

Khẩu AK 80.002 hoạt động dựa trên nguyên tắc trích khí dài tương tự như dòng súng AK-47 truyền thống, tuy nhiên nó sử dụng bộ khóa nòng kép với hai thoi đẩy (piston) hoạt động độc lập để tương thích với cơ cấu đặc biệt.

Cơ số đạn của AK 80.002 bao gồm 30 viên cho nòng súng trường tấn công và 10 viên cho nòng phóng lựu, chứa trong hai hộp tiếp đạn riêng biệt. Nhiều chi tiết của AK 80.002 được lấy từ AK-74, giúp đơn giản hóa cũng như tiết kiệm chi phí trong quá trình nghiên cứu phát triển.

Phần bên phải khẩu AK 80.002 về cơ bản giống AK-74, có 2 chế độ bắn liên thanh và phát một, nhưng độ ổn định khi bắn liên thanh cao hơn.

Các thông số về đạn 12,7 mm của nòng bên cạnh hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết.

img

Cấu tạo và khóa nòng kép đặc biệt của khẩu AK 80.002

Thông số cơ bản của súng trường tấn công kết hợp AK 80.002 bao gồm chiều dài 1.000 mm với nòng dài 450 mm, trọng lượng 4,9 kg, tầm bắn tối đa ghi trên thước ngắm là 1.000 m tương tự những người anh em AK khác.

AK 80.002 mặc dù là một thiết kế độc đáo, đi trước thời đại nhưng so với khẩu XM-25 hay K11 ngày nay thì dễ nhận thấy vũ khí Liên Xô đơn giản hơn nhiều, nó không có khả năng bắn đạn được lập trình chế độ nổ, ngoài ra uy lực của loại lựu 12,7 mm cũng bị cho là quá nhỏ.

Dự án chế tạo súng trường tấn công kết hợp AK 80.002 bị đình chỉ vào năm 1979, tuy rằng không thành công những nó đã thể hiện tư duy đột phá của các kỹ sư quân sự Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.  

Tùng Dương (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem