Đường lên núi Cấm bị phong tỏa khiến đời sống của hơn 700 hộ dân với gần 2.500 nhân khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Việt Tân - Trưởng ấp Vồ Đầu (xã An Hảo) nói: “Mấy ngày nay, một số người đã đổ xô mua gom hàng hóa rồi bán ra với giá cao gấp 2-3 lần. Thường ngày, gạo thường có giá từ 400.000- 500.000 đồng/bao, nay tăng lên 800.000 đồng/bao, giá các mặt hàng xăng, thực phẩm, nước uống đều đắt đỏ”.
Trước thực trạng này, ông Ngô Hồng Yến - Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, đã chỉ đạo các ngành và UBND xã An Hảo phải tiến hành kiểm tra ngay việc hàng hóa, lương thực thiếu và bị tăng giá. Nếu hộ nào cố tình đầu cơ, găm hàng tăng giá thì sẽ bị phạt. Đồng thời, buộc phải bán hàng đúng giá cho người dân. Trong trường hợp thiếu nhu yếu phẩm thì huyện sẽ tổ chức đưa hàng hóa, thực phẩm lên núi phục vụ người dân ngay…
Bên cạnh đó là thống kê lại những em học sinh, thầy cô đang theo học và giảng dạy tại những trường phổ thông dưới núi để bố trí nơi ở dưới chân núi trong kỳ thi cuối năm, không để họ lên xuống núi Cấm trong thời gian thi công thông đường.
Sau vụ tai nạn, Sở TNMT tỉnh An Giang cùng với UBND huyện Tịnh Biên, Công ty CP PTDL An Giang đã khảo sát tại vị trí tảng đá rơi và những khu vực có nguy cơ sạt lở tiếp theo. Tại khu vực sạt lở vẫn còn còn 5 tảng đá “mồ côi”, đường kính 2 - 6m. Ngoài ra còn nhiều tảng đá nhỏ hơn nằm rải rác trên đường lăn của tảng đá lớn gây tai nạn và một số tảng đá còn vướng lại tại một gốc cây. Trong mấy ngày qua, Công ty TNHH Hữu Duẩn đã huy động lực lượng chẻ những tảng đá bị rơi xuống đường. Dự kiến phải đến ngày 25.5, tuyến đường trên mới có thể thông xe.
Hồng Cẩm - Thoại Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.