Vụ đá lăn đè chết 6 người: Núi Cấm bị băm nát

Thứ hai, ngày 07/05/2012 11:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ tai nạn kinh hoàng do sạt lở đá trên núi Cấm vào sáng 5.5, làm chết 6 người khiến cho dư luận hoài nghi: Việc “xẻ thịt” núi Cấm để ồ ạt phát triển du lịch đã làm ảnh hưởng đến địa chất chân núi?
Bình luận 0

Bắn đá, phá đường

Tính đến sáng 6.5, các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân đá lăn. Riêng đoàn xe 44 chiếc của Công ty Phát triển du lịch An Giang chuyên đưa khách lên xuống núi (dài hơn 6km) đang tạm dừng hoạt động.

img
Hiện trường vụ tai nạn.

Vào thời điểm trên, tài xế Trương Hoàng Tâm chở 6 người (dân Tiền Giang) đi lễ chùa từ trên núi xuống đến đoạn Vồ Cứu Nạn, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang thì bất ngờ từ trên cao, một tảng đá nặng hàng trăm tấn rơi xuống đè bẹp chiếc xe lữ hành.

Sau khi tại nạn xảy ra, nhiều người dân sống xung quanh quả quyết: Nguyên nhân dẫn đến việc đá lăn trên là do khai thác rừng và việc nổ mìn, bắn đá phá đường đã làm ảnh hưởng đến mặt bằng chung của núi.

Nhằm kiểm chứng lời phản ánh của người dân, phóng viên NTNN đã khảo sát và ghi nhận hai bên đường lên đỉnh núi hiện còn dang dở một số tảng đá đã bị bắn vỡ nằm nguy hiểm trên vách núi. Đặc biệt là nhiều cây cối bị tàn phá để nhường chỗ cho những căn nhà mới mọc lên.

Trao đổi với phóng viên sáng 6.5, ông Nguyễn Thành Tâm - Giám đốc Sở GTVT An Giang cho rằng, đến thời điểm này, các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn chưa xác định và đưa ra nguyên nhân tai nạn. Tuy nhiên, cá nhân ông cũng cho rằng việc bắn đá, phá đường cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở...

“Xẻ thịt” núi Cấm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn diện tịch đất trên núi Cấm là do những người dân khai phá làm rẫy hoặc trồng cây ăn trái… Trước năm 1992, dân cư trên núi Cấm thưa thớt. Thế nhưng, từ năm 1999, khi UBND tỉnh An Giang tiến hành quy hoạch chi tiết sử dụng đất Khu du lịch Lâm viên núi Cấm thì trên vùng núi này trở nên nhộn nhịp… Hiện tại mật độ dân số trên núi Cấm tăng một cách chóng mặt với gần 800 hộ và hơn 2.500 nhân khẩu.

Danh sách 6 nạn nhân tử vong:

Trương Hoài Tâm (29 tuổi, lái xe); Võ Hoài Phương (40 tuổi); Nguyễn Văn Nhẹ (32 tuổi); Trần Văn Lèo (32 tuổi); Nguyễn Văn Ngà (60 tuổi); Nguyễn Văn Linh (32 tuổi, chết tại bệnh viện); hai người bị thương là Phạm Minh Tâm (30 tuổi, bị gãy tay) và Nguyễn Văn Đủ (37 tuổi, gãy chân); ngoại trừ tài xế (nhà ở núi Cấm), những du khách đều ở xã Bàng Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Lượng khách đến tham quan núi Cấm đông, các dịch vụ phục vụ cho khách du lịch phát triển. Bên cạnh đó, do sự quản lý lỏng lẻo và yếu kém của chính quyền cơ sở, nhất là những năm 2006 – 2010 một số người đã xây, cất nhà trái phép với hình thức sửa chữa theo hiện trạng (thực chất là không có hiện trạng). Đã có 207 trường hợp xây dựng không phép, trái phép từ năm 2002 trở về đây nhưng đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Ông Nguyễn Thành Quân – Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên cho biết: “Huyện đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ chủ chốt của UBND xã An Hảo. Riêng đối với các cán bộ dính líu đến sai phạm trong công tác quản lý, tham mưu, huyện Tịnh Biên sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý đúng quy định”.

Ông Huỳnh Thế Năng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: “Do khu vực núi Cấm phát triển quá nhanh, từ đó có nhiều vấn đề phát sinh vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem