Bày tỏ quan điểm trên báo chí, ông Bùi Quang Tiến nghiên cứu sinh tại TP.HCM khẳng định, luận văn của ông được thực hiện đúng quy trình. Các giải trình từ trước đến nay của đề luận án đều đã được lưu lại. Việc nghiên cứu đề tài diễn ra trong khoảng thời gian rất dài nên không thể giải thích chỉ một vài câu mà mong những người chưa từng đọc luận văn của ông có thể hiểu được.
Đề tài luận án tiến sĩ gây tranh cãi (ảnh: IT)
Trao đổi trên Soha, ông Tiến cho rằng, trên thế giới, nghệ thuật chữ là nhánh riêng độc lập và là đối tượng của lý luận và lịch sử nghệ thuật. Chính vì vậy, mọi người đừng thấy vấn đề bìa sách là nhỏ. Bìa sách cũng được công nhận như một tác phẩm độc lập ngang bằng tranh vẽ, tượng hoặc ảnh. Họa sĩ thiết kế bìa sách cũng được trao giải.
Nói về ứng dụng thực tế của luận án, ông Tiến cho rằng, luận án có thể làm giáo trình, giáo án giảng dạy. Hiện tại, tại các đơn vị đào tạo về đồ họa, thiết kế mỹ thuật công nghiệp đều có môn nghệ thuật chữ.
Ông Tiến cho rằng, ông tìm hiểu đề tài này vì chưa ai tìm hiểu nó, những phản hồi trên mạng xã hội là do mọi người chưa hiểu vì vậy không có gì đáng trách cả.
Trước đó, trên một số diễn đàn đã đăng tải bức ảnh buổi bảo vệ luận án tiến sĩ của ông Bùi Quang Tiến tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và cho rằng tài nghiên cứu mang tên “Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 - 2015 ở Việt Nam” của ông chưa xứng tầm là một đề tài luận án tiến sĩ.
Trả lời trên Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, để đánh giá chất lượng của một công trình khoa học không nên chỉ để ý đến cái tên của công trình đó mà thực ra phải xem xét hàm lượng khoa học của công trình như thế nào, những phát hiện ra sao, sự áp dụng, ứng dụng vào thực tế như thế nào?...
Cũng theo ông Sơn, hiện Viện này đã cho các hội đồng khoa học họp để đưa ra ý kiến và sẽ có trả lời chính thức trong thời gian sớm nhất trước dư luận và báo cáo lên Bộ GD ĐT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.