Ngày 17/10/2020, khi tôi đang ở Thừa Thiên - Huế tác nghiệp vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 vùi lấp 17 công nhân, 13 cán bộ trong đoàn cứu hộ bị nạn thì nhận hung tin 7 người ở xã Húc, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị bị đất lở vùi chết.
Tôi - một người Quảng Trị - khi đó đau đớn, cầu mong điều tội tệ đừng xảy ra nữa. Người dân Quảng Trị nói riêng, người miền Trung nói chung đã hứng chịu quá nhiều nỗi đau do lũ lụt rồi.
Đến tối cùng ngày, cứ 30 phút, tin báo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Quảng Trị lại gửi vào điện thoại của tôi, thông báo mưa rất lớn, nước sông dâng lên từng phút một. Ở quê nhà, mẹ tôi, người dân quê tôi đang chạy lũ lần thứ 4 chỉ trong 15 ngày. Lúc đó, tôi muốn lao về nhà thật nhanh để giúp gia đình, làng xóm chạy lũ, nhưng Quốc lộ 1A đã bị tắc do nước ngập sâu, lãnh đạo, đồng nghiệp cơ quan cũng khuyên can sáng hôm sau an toàn hãy đi.
Chẳng còn cách nào khác, việc duy nhất tôi có thể làm là liên tục cập nhật mực nước lũ cho người dân các nơi để hối thúc bà con chạy lũ nhanh hơn.
Vừa đi, tôi phải nhìn lên đồi cao xem cây rừng có rung không, có tiếng động bất thường của trận lũ ống nào không… Cảnh giác không thừa, bởi ngay trước đó, 2 đồng nghiệp cùng 10 chiến sĩ bộ đội khi lội bùn qua điểm sạt lở thứ 2 đã suýt mất mạng vì 1 trận lũ ống bất ngờ ập đến.
Lòng nóng như lửa đốt, tôi thao thức chẳng thể nào ngủ được. Đến hơn 1 giờ ngày 18/10, thêm hung tin khiến tôi không cầm được nước mắt: Sạt lở đất đã chôn vùi 22 quân nhân Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 - Bộ Quốc phòng, đóng tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng, Hướng Hoá, Quảng Trị. Lập tức, tôi xin ý kiến lãnh đạo toà soạn, sáng sớm hôm sau về Quảng Trị, thẳng hướng vụ sạt lở thôn Cợp để tác nghiệp, những việc còn lại ở Huế đồng nghiệp sẽ gánh thay. Để đến điểm sạt lở thôn Cợp, tôi và các đồng nghiệp phải đi bộ 3km theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây, vượt qua nhiều điểm sạt lở, trong đó có 4 điểm bị nặng, bùn lầy nhão nhoẹt, lội ngập gần tới hông người lớn.
Đến điểm sạt lở, tôi thấy một mảng núi lớn đã bị toạc ra, sạt xuống vùi lấp 3 căn nhà của Đoàn 337. Ở hiện trường, hàng trăm chiến sĩ quân đội đang cố nén nước mắt, lấy hết sức bình sinh cố đào, tìm kiếm thi thể đồng đội, đồng chí của mình. 2 triệu m3 đất, đá sạt xuống khiến hiện trường vụ lở đất trở thành bình địa, rộng hơn 2ha. Khi lực lượng chức năng đang tìm kiếm, hàng loạt vụ nổ lớn phát ra, đất đá trên núi cao tiếp tục sạt xuống. Những lúc như thế, tiếng kẻng liên hồi lại vang lên, mọi người chạy khỏi hiện trường cho đến khi cảm thấy an toàn mới tiếp tục tìm kiếm.
Bên ngoài, người dân xã Hướng Phùng, thân nhân 22 quân nhân đứng ngồi không yên, đôi mắt đau đáu hướng về nơi tìm kiếm, rồi đảo lên các quả núi xung quanh, giúp quan sát để sớm cảnh báo sạt lở.
Nhìn cảnh lần lượt từng quân nhân được đưa ra khỏi đống bùn đất, thân nhân, người dân, tôi và đồng nghiệp đều quặn thắt lòng, đau đớn, ám ảnh.
Đêm 18/10, sau khi ăn cơm xong, các chiến sĩ bộ đội biên phòng và anh Hồ Văn Thương - Trưởng thôn Cợp nói, nếu núi tiếp tục sạt lở mạnh, căn nhà nơi chúng tôi dự định ở qua đêm có thể bị san phẳng. Khoảng 20 giờ, một tiếng nổ lớn phát ra, đất đá sạt xuống, anh Thương lập tức đưa chúng tôi rời nơi trú ẩn ban đầu, đến nhà anh Hồ Văn Xăng (45 tuổi, trú thôn Cợp), cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 700-800m ở nhờ.
Thật may, nhà anh Xăng có đủ chăn cho tôi và 8 đồng nghiệp đắp tránh lạnh. Chúng tôi lên danh sách 9 người, chụp ảnh chung và ghi rõ nghỉ lại nhà anh Xăng rồi gửi lên nhóm Facebook chung (trong nhóm có đồng nghiệp không đến được hiện trường) để... lỡ khi có chuyện gì thì dễ tìm kiếm.
Một đêm dài với bao lo âu ở nơi đang xảy ra tang tóc rồi cũng qua đi. Hôm sau, tôi tiếp tục cập nhật tin tức quá trình tìm kiếm, gặp những người dân có tấm lòng chân quý, họ đã góp lương thực, giúp nấu cơm, nước tiếp sức cho lực lượng tìm kiếm.
Đến gần 15 giờ ngày 19/10, cuộc tìm kiếm kết thúc khi 22 quân nhân được đưa về với gia đình, đồng đội. Ngày 22/10, tôi đến Trung tâm thi đấu đa năng tỉnh Quảng Trị (TP.Đông Hà) thật sớm để viếng các anh, rồi đưa tin lễ viếng, truy điệu 22 liệt sĩ đã hy sinh. Điều mà đến bây giờ và có lẽ mãi về sau tôi còn ám ảnh là lời hát ru đẫm nước mắt của bà Trương Thị Khuyên – mẹ của liệt sĩ Lê Tuấn Anh (trú Cam Lộ, Quảng Trị): "Con ơi, mẹ ru con ngủ, ơi à con ơi…".
Tin cùng chủ đề: Lễ kỷ niệm 10 năm báo điện tử Dân Việt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.