Cho đến cuối tháng 12.2015, các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước đã tái canh, ghép cải tạo được hơn 61.000ha. Tỉnh Lâm Đồng thực hiện hơn 22.000ha, Đăk Lăk hơn 15.000ha, Đăk Nông hơn 6.000ha, riêng Tổng Công ty Cà phê Việt Nam thực hiện hơn 11.000ha.
Tái canh và ghép cải tạo vườn cà phê là vấn đề lớn đối với cả nông dân lẫn doanh nghiệp, đòi hỏi phải đầu tư kỹ thuật, vốn lớn.
Ảnh minh họa
Để làm tốt việc này, các hộ nông dân và doanh nghiệp trồng cà phê phải nắm vững thông tin các loại giống cà phê cao sản. Riêng với các hộ nông dân, ngành nông nghiệp địa phương phải hướng dẫn họ kỹ thuật cũng như cách thức vay vốn để tái canh và đầu tư.
Trong thời gian qua, Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam đã hỗ trợ gần 20 tấn hạt giống và hơn 560.000 cây cà phê vối lai cao sản TRS1 cho hàng ngàn hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã của 5 tỉnh Tây Nguyên. Riêng Công ty Nestle Việt Nam cho đến cuối năm 2015 cũng đã hỗ trợ 11 triệu cây cà phê giống cho các hộ nông dân khu vực Tây Nguyên - ông Nguyễn Nam Hải- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam cho biết.
Ngân hàng Thế giới cũng có dự án hỗ trợ Bộ NNPTNT Việt Nam và phát triển trồng cà phê. Dự án này sẽ giúp cải thiện canh tác và tập quán canh tác, thúc đẩy kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, với kinh phí là 238 triệu USD. Dự án tập trung vào phát triển cây lúa và cây cà phê. Một phần kinh phí sẽ hỗ trợ cho 62.000 hộ trồng cà phê tại 12 huyện sản xuất cà phê lớn nhất của 5 tỉnh Tây Nguyên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.