Tái cơ cấu kinh tế Nhà nước thế nào để hiệu quả?

Thu Trần Thứ sáu, ngày 17/05/2019 15:57 PM (GMT+7)
Trong một ngành kinh tế nếu tồn tại cả 2 thành phần tư nhân và nhà nước, thì ai cũng biết các đơn vị kinh tế tư nhân rất vất vả để tồn tại và phát triển.
Bình luận 0

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Trung ương 10 tại Hà Nội vào ngày 16/5 vừa qua, trong nhiều vấn đề cần bàn bạc thảo luận, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có đặt vấn đề: “Nhà nước cũng thế, không phải nhà nước tất cả cái gì đều tốt. Kinh tế nhà nước có mặt tốt, nhưng vừa qua có rất nhiều thất thoát. Nhưng từ chỗ thất thoát như thế mà dẫn đến coi nhẹ kinh tế nhà nước, chuyển tất cả sang tư nhân thì có đúng không?... Tôi nói ví dụ những vấn đề như vậy có cần bàn không? Lần này tôi nói mang tầm chiến lược là như thế”.

Khi chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp qua kinh tế thị trường, việc xác định giữ lại một tỷ lệ nhất định các đơn vị kinh tế nhà nước là vì 2 nhiệm vụ, nhiệm vụ thứ nhất là để “điều tiết” nền kinh tế, nhiệm vụ thứ hai là để “bảo hiểm” không cho xảy ra những sự cố về năng lượng, về nhiên liệu, về lương thực…

Nói một cách công bằng thì trong 2 lĩnh vực xăng dầu và điện, kinh tế nhà nước có giữ được sự ổn định về giá. 

img

Nhưng trong khi có chút công lao “điều tiết”, thì như ngành điện, việc Tập đoàn điện lực Việt Nam – đơn vị kinh tế nhà nước hiện đang độc quyền sản xuất, kinh doanh điện đã đưa Việt Nam rơi vào nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh năng lượng. Trong khi nhiều nước trên thế giới dư thừa điện vì họ phát huy được sức mạnh của kinh tế tư nhân thì Việt Nam lại rơi vào cơn khủng hoảng thiếu điện. Đó là chưa kể đến việc thay vì phát triển các loại năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời thì ngành điện Việt Nam ngày nay đang lún sâu vào nhiệt điện than, một hướng phát triển quá nguy hiểm cho môi trường.

Ngành hàng không, trong một thời gian dài độc quyền khiến nó không thể phát triển buộc phải tư nhân hóa một phần để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Mặc dầu hiện nay chỉ mới tư nhân hóa một phần nhỏ là cho phép thành lập các hãng hàng không tư nhân và một số đơn vị dịch vụ tư nhân, còn lại toàn bộ cơ sở hạ tầng bay vẫn do nhà nước nắm giữ, nhưng chỉ riêng điều đó cũng đã làm cho hàng không Việt Nam khởi sắc. Tôi giả sử nếu cho đến nay Việt Nam vẫn chưa cho phép các hãng Jetstar, Vietjet tham gia vận chuyển hành khách thì chắc chắc Việt Nam đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn đường hàng không rồi.

Ngành đường sắt, do nhà nước độc quyền hoàn toàn nên hầu như không phát triển, khiến giao thông đè lên vai ngành đường bộ gây nên nhiều hệ luỵ do quá tải.

 img

Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế

Trong một ngành kinh tế nếu tồn tại cả 2 thành phần tư nhân và nhà nước, thì ai cũng biết các đơn vị kinh tế tư nhân rất vất vả để tồn tại và phát triển.

Tôi lấy thí dụ trong ngành viễn thông. Các đơn vị tư nhân hoàn toàn bị loại khỏi cuộc chơi khi đụng phải các đơn vị kinh tế nhà nước như Vinaphone, Mobifone hay Viettel...

Chính vì thế theo các nhà nghiên cứu của trường Harvard Kennedy, khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam do bị lép vế nên có xu hướng hoặc là co lại hoặc là chuyển thành các doanh nghiệp thân hữu với các đơn vị kinh tế nhà nước, các định chế ngân hàng, các quan chức chính quyền để tìm kiếm ưu thế cạnh tranh.

Một ví dụ điển hình là việc móc nối giữa Tập đoàn Tân Thuận và Tập đoàn Quốc Cường – Gia Lai vừa qua để tuồn đất giá rẻ ra thị trường địa ốc, gây lũng đoạn thị trường. 

Đó là những biến tướng nguy hiểm cho nền kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem