Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Thay đổi thân phận “đối tượng cải tạo” của kinh tế tư nhân

Hoàng Nhật Thứ ba, ngày 20/03/2018 07:06 AM (GMT+7)
Ông Phan Văn Khải nhậm chức Thủ tướng Chính phủ chỉ ít tháng sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, bắt đầu từ tháng 7.1997 ở Thái Lan. Giai đoạn đó, dưới bàn tay chèo lái của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, kinh tế Việt Nam dần vượt qua khủng hoảng, ổn định, tiếp tục tăng trưởng.
Bình luận 0

img

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải 

Lạm phát không bùng phát dù kinh tế trải qua nhiều cú sốc

TS. Lưu Bích Hồ bắt đầu trực tiếp làm việc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khi xây dựng Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991 - 2000. Khi ấy, ông Phan Văn Khải đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổ trưởng tổ biên tập Chiến lược. Còn TS Lưu Bích Hồ đang là Phó Viện trưởng Viện Kế hoạch dài hạn, nay là Viện Chiến lược phát triển.

Trong khoảng thời gian này, TS. Lưu Bích Hồ được phân công nhiệm vụ làm Tổ phó phụ trách công tác tổ chức điều phối và hậu cần cho Tổ biên tập. Tổ phó phụ trách chung là ông Trần Đức Nguyên, người sau này là trợ lý của Thủ tướng Phan Văn Khải, rồi là Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải.

TS. Lưu Bích Hồ là đầu mối kết nối với các chuyên gia nước ngoài, kể cả từ ĐH Harvard (Mỹ) và đã tháp tùng ông Phan Văn Khải đi nhiều nơi để học hỏi về xây dựng phát triển kinh tế thị trường. Sau đó, ông từng làm việc nhiều năm với Thủ tướng Phan Văn Khải, với vai trò là thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng.

img

TS. Lưu Bích Hồ từng có thời gian dài làm việc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Trong ký ức của TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người thận trọng, không bao giờ đưa ra những quyết định vội vàng, cảm tính.

TS. Lưu Bích Hồ chia sẻ: “Ông Phan Văn Khải không bao giờ cho phép làm quá giới hạn, nhất là đối với lĩnh vực tài chính, tiền tệ vì ông hiểu rõ phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, suốt hai nhiệm kỳ của ông, lạm phát không bùng phát dù kinh tế trải qua nhiều cú sốc”.

“Thời gian ông Phan Văn Khải làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, rồi lần lượt trở thành Phó Thủ tướng, Thủ tướng là giai đoạn khởi đầu của quá trình đổi mới, sau khi Việt Nam vừa đi qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX.

Trong thập kỷ 90 ấy, đã xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam. Lúc đó, Việt Nam mới bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ, gia nhập ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế khác được ít năm.

Chúng ta đang có rất nhiều cơ hội phát triển thì cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ tháng 7.1997 ở Thái Lan rồi lan rộng, tạo ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán, trung tâm tiền tệ lớn, và giá cả của những tài sản khác ở một số nước Đông Nam Á, châu Á khác như Indonesia, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia, Lào, Philippines… đã khiến đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị chững lại, phần nào đó hẫng đi”, TS. Lưu Bích Hồ nhớ lại.

img

Tăng trưởng GDP Việt Nam thời kỳ ông Phan Văn Khải là Thủ tướng Chính phủ

Theo thống kê, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang ở mức cao, trên 7%/năm trong giai đoạn 1995 - 1997, thì đến năm 1998 chỉ tăng 5,76%, năm 1999 chỉ tăng 4,77%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký, nếu năm 1995 đạt trên 6,9 tỷ USD, năm 1996 đạt gần 10,2 tỷ USD, thì năm 1997 còn gần 5,6 tỷ USD, năm 1998 còn gần 5,1 tỷ USD, năm 1999 còn gần 2,6 tỷ USD.

Lạm phát nếu năm 1996 ở mức 4,5%, năm 1997 ở mức 3,6%, thì năm 1998 lên mức 9,2%. Giá USD năm 1995 giảm 0,6% thì tới năm 1996 tăng 1,2%, sang năm 1997 tăng 14,2%, năm 1998 tăng 9,6%... Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu năm 1996 ở mức 33,2%, năm 1997 ở mức 26,6%, đến năm 1998 chỉ còn 1,9%.

“Thủ tướng Phan Văn Khải là một người bình dị, thậm chí bình dân. Tuy bề ngoài  không tỏ ra sắc sảo, phong thái không có vẻ hào hoa như các vị Thủ tướng trước và sau mình, nhưng ông thực sự là một Thủ tướng “kỹ trị” nhất, bền bỉ nhất trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế thị trường, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam”, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình kinh tế, Đại học Fulbright Việt Nam.

Nhập khẩu nếu năm 1996 còn tăng 36,6%, thì năm 1997 chỉ còn tăng 4% và năm 1998 giảm 0,8%, năm 1999 chỉ tăng 2,1%.

“Một điều quan trọng trong giai đoạn này là tỷ lệ lạm phát của Việt Nam không tăng với tốc độ phi mã như giai đoạn trước đó. Kinh tế dần ổn định, tiếp tục tăng trưởng chứ không tụt hẳn. Trong khi ở nhiều quốc gia khác, lạm phát tăng với tốc độ chóng mặt. Nhiều đồng tiền khác trong khu vực đã bị phá giá từ 80% đến 250% so với đồng USD.

Theo cá nhân tôi, hai nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Phan Văn Khải, giai đoạn 2001 - 2005 là thành công nhất từ sau năm 1975 tới nay về mặt kinh tế. Giai đoạn sau này từ năm 2007 tới 2015, chúng ta phải lo khắc phục những bất ổn kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP cũng suy giảm, dưới 7%”, TS. Lưu Bích Hồ nói.

Những bước chuyển mình của kinh tế Việt Nam

Trải qua công tác tại Ủy ban Kế hoạch TP.HCM, UBND TP.HCM, rồi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có nhiều cơ hội tiếp xúc và có sự thấu hiểu đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cũng như các vấn đề kinh doanh.

Qua lời kể của của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, thời kỳ Việt Nam mới mở cửa, một vị nghị sĩ của Nhật Bản tên Michio Watanabe – một người rất có cảm tình với Việt Nam, đã sang Việt Nam để đưa nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, lúc đó còn là Chủ tịch UBND TP.HCM đi rất thăm rất nhiều quốc gia nhằm tìm hiểu kinh tế thị trường.

img

Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải rất chú ý tới doanh nghiệp - doanh nhân và môi trường kinh doanh

Còn theo TS. Lưu Bích Hồ, từ năm 1997, khi ông Phan Văn Khải trở thành Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp - doanh nhân và môi trường kinh doanh là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải luôn xác định xây dựng hệ thống pháp luật đưa nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường, là nền tảng quan trọng nhất để đất nước phát triển. Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999, sửa đổi năm 2005 là minh chứng sống động cho quan điểm nhất quán và tầm nhìn của ông.

Việc ban hành Luật Doanh nghiệp năm 1999 và ký quyết định hủy 268 giấy phép con (bằng khoảng 50% tổng số giấy phép) đối với doanh nghiệp của Thủ tướng Phan Văn Khải đã góp phần quan trọng, to lớn, giúp kinh tế tư nhân được giải phóng, khuyến khích sự sáng tạo và sự năng động của người dân.

Ngoài ra, ông cũng đặt nền móng cho cuộc cải cách giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước, bộ, ngành vào nền kinh tế, từng bước hình thành nền kinh tế thị trường, mở rộng quyền tự do cho các doanh nghiệp. Nhờ đó, kinh tế đã có bước phát triển mạnh.

TS. Lưu Bích Hồ nói: “Những điều này tất cả mọi người đều rõ. Nhưng tôi xin nhấn mạnh tư tưởng tháo cởi cho khu vực kinh tế tư nhân của ông Phan Văn Khải có từ khi xây dựng Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991 – 2000. Lúc đó, ông Phan Văn Khải mới là Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng chiến lược nhưng quá trình làm chiến lược do ông Khải phụ trách.

Điều quan trọng nhất là ông Khải đã triển khai chiến lược theo tư tưởng tháo cởi đó, rồi từ đó mới hình thành Luật Doanh nghiệp. Sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 1999 là thành quả từ sự chỉ đạo của nguyên Thủ Thủ tướng Phan Văn khải, sự góp sức của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương, Ban nghiên cứu của Thủ tướng với rất nhiều thành viên như ông Trần Đức Nguyên, ông Trần Xuân Giá, ông Lê Đăng Doanh, bà Phạm Chi Lan, ông Nguyễn Đình Cung…

Trong suốt thời gian này, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải rất chú ý tới những rào cản, khó khăn DN gặp phải là các điều kiện kinh doanh. Sau này, một loạt điều kiện kinh doanh phát sinh trở lại do tâm lý chỉ chú trọng quản lý, không chú ý tới kiến tạo môi trường kinh doanh như hiện tại. Tiếp đó là cơ chế xin – cho”.

Cũng trong nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Việt Nam và Hoa kỳ đã hoàn tất đàm phán và ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA), đánh dấu bước tiến lịch sử trong quá trình bình thường hóa quan hệ hoàn toàn giữa hai nước. Cũng dưới sự lãnh đạo của ông, các bộ, ngành của Việt Nam đã hoàn tất đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO cuối năm 2006, chính thức hoá quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở phạm vi toàn cầu và tạo vị thế mới cho nền kinh tế Việt Nam phát triển trong những năm sau đó.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc chương trình kinh tế, Đại học Fulbright Việt Nam:

Quan điểm của Thủ tướng Phan Văn Khải về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) và song song với nó là quan điểm về vai trò của kinh tế nhà nước (KTNN) đã dần được định hình từ thời ông còn làm Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.

Cách đây tròn 4 năm, Vũ Thành Tự Anh được nghe ông kể : “ […] Chú thì chú bác việc KTNN làm nền tảng từ lâu rồi, từ lúc nhận thức ra, từ lúc ở trong TPHCM. KTNN mà không có hiệu quả thì làm nền tảng cái gì, cứ kiểu đó mà nền tảng thì chết, làm sao dân giàu nước mạnh được. Các ổng không căn cứ vào đó (dân giàu nước mạnh) mà cứ căn cứ vào những lập luận cũ, lỹ thuyết cũ, mô hình cũ, cứ cãi nhau hoài, đến giờ vẫn thế, sửa một số cái nhưng tới cái đó chưa ai dám sửa […]”

Chính nhờ sớm nhận thức về vai trò quyết định của kinh tế tư nhân nên từ hồi phụ trách Tổ biên tập Chiến lược 1991, ông và tổ biên tập đã nhất trí ghi vào dự thảo “Trên con đường đổi mới, nhân vật trung tâm để chấn hưng kinh tế đất nước là các nhà kinh doanh thuộc nhiều tầm cỡ, từ người chủ kinh tế hộ gia đình gắn với thị trường đến người đầu tư và quản lý các doanh nghiệp lớn”. Tiếc là trong quá trình xét duyệt để trình Đại hội Đảng, câu này đã bị sửa thành “Phát triển đội ngũ những nhà kinh doanh giỏi thuộc nhiều tầm cỡ ... ” (xem bài Chiến lược 1991-2000 : Bước đột phá về quan điểm phát triển của Trần Đức Nguyên trong cuốn Nhớ lại và Suy nghĩ). Chính những nhận thức mới mẻ này về KTTN đã trở thành nền tảng của Luật Doanh nghiệp 1999 và 2005 sau này.

Cũng chính dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, khu vực kinh tế tư nhân lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã trở thành “người đối thoại chính sách” với Chính phủ thay cho thân phận “đối tượng cải tạo” mới hơn một thập niên trước đó. Tinh thần đối thoại với doanh nghiệp do Thủ tướng Phan Văn Khải khởi xướng chỉ vài tháng sau khi ông nhậm chức đã không được người kế nhiệm tiếp tục và chỉ được khởi động lại từ tháng 4.2016.

Không chạy theo những công trình kỳ vĩ hay những mục tiêu đầy tham vọng, bằng sự bền bỉ và những quyết sách căn cơ, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng Chính phủ của ông đã xây dựng được một nền tảng kinh tế và vị thế quốc tế chắc chắn và lành mạnh, nếu không nói là chắc chắn và lành mạnh nhất trong lịch sử cận đại của Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem