Tái cơ cấu nông nghiệp: Thủ tướng đối thoại với ND- Nông dân kiến nghị, Chính phủ vào cuộc

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 06/12/2019 13:00 PM (GMT+7)
Ngày 10/12, tại TP.Cần Thơ, lần thứ hai Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp đối thoại với nông dân về những vấn đề lớn của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, từng bước tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nông dân trong sản xuất. Ở lần đối thoại trước, có nhiều vấn đề nông dân đặt ra đã được các bộ ngành vào cuộc giải quyết ngay sau đó.
Bình luận 0

Chuyển động sau đối thoại

Còn nhớ tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Hải Dương ngày 9/4/2018, nông dân Tô Hiến Thành (Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) chia sẻ, đến thời điểm này ông đã có gần 34 năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Để có được tài sản như hiện nay (ông Thành có trang trại thịt lợn hữu cơ với diện tích 5,6ha, sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm) ông đã thất bại không dưới 4 lần.

“Để duy trì sản xuất, chúng tôi  phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Chính phủ có chính sách gì hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nông nghiệp được không?” - ông Thành đặt câu hỏi.

img

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ nông dân trong buổi đối thoại lần thứ 1 tại Hải Dương. Ảnh: Đ.D

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ NNPTNT xây dựng chương trình thương hiệu nông sản chủ lực; kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các đối tác có liên quan nhằm sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Trong khi đó, nông dân Võ Quan Huy (Long An) lại bày tỏ với Thủ tướng những khó khăn trong tích tụ đất đai để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

“Thủ tướng và Chính phủ sẽ có quyết sách gì để giải quyết vấn đề đất đai cho nông dân trong bối cảnh tích tụ ruộng đất mạnh mẽ, làm thế nào đảm bảo cho nông dân có việc làm, thu nhập ổn định? Ngoài ra, Chính phủ có chính sách gì để những người như chúng tôi thuận lợi trong việc tích tụ ruộng đất mở rộng ruộng đất?” - ông Huy nêu vấn đề.

Ngay sau hội nghị đối thoại, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, cuối tháng 4/2018, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã có buổi làm việc với ông Tô Hiến Thành – Giám đốc HTX Trường Thành tại Bắc Giang, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quan hệ tín dụng giữa ông Thành với các ngân hàng trên địa bàn.

Tại cuộc gặp, lãnh đạo Agribank chi nhánh huyện Hiệp Hòa cho biết ngân hàng đã có quan hệ tín dụng với ông Thành từ năm 2002 đến nay, còn lãnh đạo VietinBank chi nhánh Bắc Giang cho biết, ông Thành có quan hệ vay vốn với Phòng Giao dịch Hiệp Hòa từ năm 2016. Ông Thành được đánh giá là khách hàng tốt, vay, trả nợ đúng hạn và các ngân hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vay vốn của khách hàng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn, đặc biệt là VietinBank và Agribank trên tinh thần hợp tác phối hợp cần rà soát lại tất cả các khoản vay của ông Thành. Các khoản vay nào có thời hạn, lãi suất, mức vốn đầu tư phù hợp thì tiếp tục triển khai, những gì chưa phù hợp thì chủ động điều chỉnh.

Tiếp đó, sau khi xét đề nghị của NHNN Việt Nam về kết quả xử lý kiến nghị của nông dân Tô Hiến Thành (tỉnh Bắc Giang) và Võ Quan Huy (tỉnh Long An), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý kiến nghị của NHNN; khẩn trương có giải pháp phù hợp, tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận tài sản hình thành trên đất nông nghiệp cho người dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Kịp thời gỡ khó...

Đó cũng là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6158/VPCP-QHĐP được ban hành ngay sau hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ nhất.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NNPTNT xây dựng chương trình thương hiệu nông sản chủ lực; kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các đối tác có liên quan nhằm sản xuất các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi trên thị trường; chỉ đạo các cơ sở nghiên cứu trong nước cung cấp đủ nhu cầu về các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và năng suất cao, phù hợp với lợi thế từng vùng miền.

 Phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tập huấn đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa sản phẩm an toàn, vai trò và tác động của kinh tế hợp tác đối với kinh tế hộ gia đình.

Bộ Công Thương chỉ đạo hệ thống thương vụ tại nước ngoài đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đưa hàng hóa nông sản Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại các quốc gia, tổ chức tuần hàng Việt Nam, vận động doanh nghiệp trong nước tham gia trưng bày sản phẩm nông sản giới thiệu tại nước sở tại....

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, để người dân đưa đất vào sử dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn…

Lượng thuốc trừ cỏ được sử dụng tăng chóng mặt

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình, từ năm 2005-2010, lượng thuốc trừ cỏ trên địa bàn tỉnh sử dụng không nhiều, chủ yếu là thuốc trừ cỏ không chọn lọc. Tuy nhiên từ năm 2014 đến nay, lượng thuốc trừ cỏ sử dụng tăng nhanh.

Nếu như năm 2012, lượng thuốc trừ cỏ nông dân toàn tỉnh sử dụng chỉ vào khoảng 9 tấn, thì 5 năm sau, năm 2017 đã tăng lên hơn 2 lần (khoảng 20 tấn). Nguyên nhân là do thiếu hụt nguồn lao động trong nông nghiệp nên phải sử dụng thuốc trừ cỏ để trừ cỏ nhanh, giảm ngày công.

img

 Người dân tại các vùng của TP.Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình sử dụng thuốc trừ cỏ tràn lan.  Ảnh: Đăng Hải

Kết hợp với các ưu điểm như chi phí thấp và tiện lợi mà trừ cỏ bằng thuốc ngày càng được ưu tiên lựa chọn. Ngoài ra, những thay đổi trong phương thức canh tác lúa, chuyển dần từ cấy sang gieo thẳng cũng khiến lượng thuốc trừ cỏ sử dụng ngày một tăng. Nếu như năm 2011, diện tích gieo thẳng toàn tỉnh có hơn 3.000ha (chiếm khoảng 4%) thì đến nay đã là 34.000ha (chiếm 44,2%).

Trong khi đó, quy trình canh tác lúa gieo thẳng bắt buộc phải phun thuốc trừ cỏ. Bà Đinh Thị Thao - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Bình cho biết, vụ mùa, thường xuyên xuất hiện các đợt mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa phải gieo đi gieo lại nhiều lần, đi cùng với đó là số lần sử dụng thuốc trừ cỏ tăng lên.

"Đặc biệt một bộ phận nông dân còn sử dụng thuốc trừ cỏ chưa theo nhãn thuốc, chưa đúng kỹ thuật, còn tăng nồng độ, liều lượng, phun chưa đúng thời điểm dẫn đến phải phun thuốc trừ cỏ nhiều lần, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người phun thuốc, sức khỏe cộng đồng và ô nhiễm môi trường sinh thái"- bà Thao nói.

Để đạt được mục tiêu hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, xanh, sạch để bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh xuất khẩu bà Thao cho hay: Sắp tới, Chi cục cũng siết chặt công tác quản lý việc sử dụng, kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc, không nhập và bán những loại thuốc đã loại khỏi danh mục.

Theo bà Thao, bên cạnh đó, Chi cục cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền tập huấn, nâng cao nhận thức cho người kinh doanh, người sử dụng hiểu rõ về ưu điểm, nhược điểm của thuốc trừ cỏ, về kỹ thuật sử dụng thuốc trừ cỏ an toàn, hiệu quả.

Ngoài ra, Chi cục cũng yêu cầu các địa phương không tiếp tục mở rộng diện tích gieo sạ, đồng thời rà soát lại các diện tích lúa gieo sạ đã có, chỉ những vùng điều tiết được nước mới cho gieo sạ tránh việc phải gieo đi gieo lại nhiều lần, làm tăng số lượt phun thuốc trừ cỏ.

"Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chúng tôi cũng mong người nông dân cũng phải nâng cao kiến thức, ý thức trong việc sử dụng thuốc trừ cỏ, có như vậy những tác hại của thuốc trừ cỏ mới sớm được kiểm soát" - bà Thao khuyến cáo.

Hải Đăng

Quy hoạch nông nghiệp gắn với FTA

Năm 2019, Việt Nam bước vào thời kỳ mới với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Bên cạnh những cơ hội khi các FTA có hiệu lực, ngành nông nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại để tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng mới.

Trong khi đó, nền kinh tế thế giới có nhiều bất ổn cùng cọ xát thương mại và công nghệ giữa các nền kinh tế lớn, kéo theo sự trỗi dậy của xu hướng bảo hộ và gia tăng rào cản thương mại từ các nước xuất nhập khẩu ngày càng cao.

Việc quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức lại sản xuất, phát triển chế biến nông sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở cửa thị trường và khắc phục các hàng rào kỹ thuật trở thành vấn đề cấp thiết đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu trên, hàng loạt vấn đề từ xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, hệ thống logistics, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nâng cấp công nghệ chế biến, hỗ trợ quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm, phát triển hệ thống phân phối nông sản… không chỉ đòi hỏi nỗ lực cao của ngành nông nghiệp mà cần sự đóng góp hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, của doanh nghiệp, của các tác nhân trong cả chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện Bộ NNPTNT và Tổ chức Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã ký kết thỏa thuận thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng và năng lực tuân thủ chất lượng của chuỗi giá trị xoài ở ĐBSCL”.

K.L

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem