Tái cơ cấu nông nghiệp: Trông cậy ở nông dân chuyên nghiệp!

Nam Tùng Sơn Thứ hai, ngày 21/03/2016 13:15 PM (GMT+7)
Mặc dù Vĩnh Phúc đang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, song nông nghiệp không những không bị tách rời mà còn được tỉnh đặc biệt chú ý.
Bình luận 0

Xung quanh vấn đề này, PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Phong - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc.

img

Ông Nguyễn Tiến Phong - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông có thể đánh giá một cách khái quát về nền nông nghiệp ở Vĩnh Phúc hiện nay?

- Trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã phát triển công nghiệp rất nhanh, năm 2015 tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 62,12%, dịch vụ 28,11% và nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn 9,77%. Dù vậy, nông nghiệp vẫn giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, trong đó chăn nuôi chiếm 52,2%, trồng trọt 40,8%.

Tỉnh đã và đang hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Lúa chất lượng cao ở Vĩnh Tường, Yên Lạc; thanh long ruột đỏ ở Lập Thạch; rau su su ở Tam Đảo, đặc biệt là đã hình thành nhiều trang trại, khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn áp dụng kỹ thuật tiên tiến như chăn nuôi bò sữa ở Vĩnh Tường; gà ở Tam Dương, Tam Đảo; lợn ở Lập Thạch, Yên Lạc…

img

Mô hình trồng cà chua  ghép trên gốc cà tím tại Trại Thực nghiệm - Trung tâm Kỹ thuật rau hoa quả Vĩnh Phúc cho năng suất bình quân trên 2 tấn/sào. Ảnh: Thiên Ngân

Áp dụng KHCN cao vào sản xuất không chỉ là “chìa khóa” mà là giải pháp “then chốt” để tạo đột phá TCCNN vì chỉ có như vậy mới tạo được sản phẩm có chất lượng cao, cạnh tranh được trong thị trường, nhất là khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Ông Nguyễn Tiến Phong

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm chưa có thương hiệu trên thị trường, việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp, vấn đề an toàn thực phẩm còn là nỗi lo của người tiêu dùng và gây ô nhiễm môi trường, nhất là chăn nuôi... Đây là những hạn chế, thách thức đối với nền nông nghiệp Vĩnh Phúc, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Vĩnh Phúc đang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp, vậy khi triển khai tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) tỉnh có gặp khó khăn gì không?

- Cùng với việc phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp thì TCCNN đã được tỉnh xác định là một trong những mục tiêu tập trung thực hiện. Do đó, về chủ trương thì hoàn toàn thuận lợi, song khi thực hiện vẫn còn một số khó khăn, như việc lựa chọn cây, con gì, phát triển như thế nào để có thể cạnh tranh với sản phẩm nông nghiệp của các nước tham gia TTP.

Hay ngay trong nước, làm sao để tạo thành chuỗi hàng hóa… cũng là bài toán khó mà ngành nông nghiệp tỉnh đang tìm cách tháo gỡ, bởi đến năm 2020, tỉnh chỉ còn 74.000ha đất nông nghiệp, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 43.000ha, trung bình chỉ 0,3-0,5ha/hộ. Thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp cũng rất khó khăn vì lợi nhuận  thấp, đất DN cần diện tích lớn  song khó đáp ứng. Hộ nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã (HTX) muốn vay vốn để phục vụ sản xuất nông nghiệp song rất khó tiếp cận vì không có đủ điều kiện đảm bảo...

Vậy tỉnh sẽ triển khai TCCNN theo hướng nào để vượt qua những khó khăn trên?

- Từ những khó khăn trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định chỉ có thể triển khai TCCNN theo hướng phát triển các ngành sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có lợi thế, có thị trường. Tập trung ưu tiên hỗ trợ các ngành hàng chủ lực, theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao, hiện đại vào sản xuất. Cụ thể, đối với chăn nuôi, tỉnh sẽ lựa chọn chăn nuôi bò sữa và bò thịt; lợn giống và lợn thịt là ngành hàng chủ lực.

Tập trung phát triển ở vùng trung du, miền núi và vùng bãi ven các sông. Khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại gắn với an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm; sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao, áp dụng quy trình VietGAP. Đối với trồng trọt, tập trung phát triển ngành hàng rau quả, hỗ trợ dồn điền đổi thửa, thuê ruộng đất để tăng quy mô sản xuất và sản xuất theo quy trình VietGAP gắn với chế biến, tiêu thụ. Khuyến khích thành lập các HTX chuyên cây, con như HTX chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn, nuôi trồng thủy sản, sản xuất rau quả… Thu hút DN đầu tư, liên kết với HTX, trang trại, hộ nông dân để sản xuất, chế biến, tiêu thụ…

Có thể khẳng định, áp dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất là “chìa khóa” giúp các tỉnh thành công trong quá trình TCCNN. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Áp dụng KHCN cao vào sản xuất không chỉ là “chìa khóa” mà là giải pháp “then chốt” để tạo đột phá TCCNN vì chỉ có như vậy mới tạo được sản phẩm có chất lượng cao, cạnh tranh được trong thị trường nhất là khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề rất khó khăn của tỉnh, mà là khó khăn chung của ngành nông nghiệp cả nước. Vì đòi hỏi đầu tư rất lớn, trình độ quản lý, lao động hiện tại chưa đáp ứng kịp thời… Để thực hiện được cần có chính sách thu hút DN lớn đầu tư vào nông nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao.

Một trong các khó khăn nữa là để TCCNN bền vững phải tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Tỉnh đã và giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tạo thành chuỗi giá trị đã được các công ty trong chăn nuôi như Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu, Vinamilk, các công ty nước ngoài như Japfa Comfeed Việt Nam, CP… thực hiện mang lại hiệu quả cao cho các đối tượng tham gia.

Tuy nhiên khi sản xuất nông nghiệp quy mô nông hộ vẫn là chủ yếu, sản xuất theo kinh nghiệm, tiềm lực về vốn, trình độ quản trị vừa thiếu, vừa yếu; nhất là “niềm tin” trong hợp tác, tính minh bạch trong phân phối lợi nhuận còn “mù mờ” sẽ khó có thể xây dựng và phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ cho sản phẩm nông nghiệp. Để xây dựng và hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trước hết cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để có các mô hình HTX chuyên cây, chuyên con, đào tạo đội ngũ quản lý HTX, nông dân chuyên nghiệp, tạo liên kết ngang để sản xuất quy mô lớn, cùng giống, cùng quy trình sản xuất và tạo sản phẩm đồng đều.

Trên cơ sở đó, mời gọi DN liên kết tiêu thụ sản phẩm thì khả năng thành công sẽ cao và bền vững. Hiện tỉnh đã có mô hình của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phát Đạt liên kết với 3 trang trại chăn nuôi đạt quy mô 500 lợn nái: Cùng chăn nuôi lợn từ sản xuất giống, nuôi lợn thịt theo quy trình VietGAP, tổ chức giết mổ và mở cửa hàng bán thịt lợn an toàn, trong đó công ty là đầu mối hướng dẫn kỹ thuật và cùng bao tiêu sản phẩm cho các trang trại tham gia theo giá thị trường. Như vậy để có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thì DN cùng đồng hành và là đầu tàu vẫn giữ vai trò quyết định; thiếu DN khó có chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Vậy tỉnh đã có các cơ chế chính sách như thế nào để hỗ trợ thực hiện TCCNN?

- Hội đồng nhân dân và UBND đã ban hành 4 nghị quyết liên quan đến việc hộ trợ sản xuất, TCCNN. Theo đó, hỗ trợ các xã, phường, thị trấn rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, DĐĐT, thuê đất sản xuất nông nghiệp; xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ rau an toàn; xây dựng hạ tầng cho các khu chăn nuôi, thủy sản tập trung ngoài khu dân cư; máy nông nghiệp; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; bảo hiểm cho bò sữa...

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem