Tai nạn liên hoàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tài xế đứng tranh cãi có liên đới trách nhiệm?

Quang Minh Thứ năm, ngày 11/07/2024 18:27 PM (GMT+7)
Theo luật sư, vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng khiến 2 người chết, nhiều người bị thương, đây là hậu quả rất nghiêm trọng. Bởi vậy nếu kết quả xác minh cho thấy có lỗi của người tham gia giao thông thì những người này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự.
Bình luận 0

Tài xế đứng tranh cãi trên cao tốc bất ngờ gặp nạn

Như Dân Việt đưa tin, khoảng 9h sáng 11/7, tại Km 49+400 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (hướng đi Hà Nội- Hải Phòng) thuộc thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, Hải Dương, xe bán tải do anh Đặng Quốc Hoàng (41 tuổi, quê Hà Tĩnh) điều khiển, chở theo hai người là anh Trịnh Tuấn Anh (34 tuổi, quê Thanh Hóa) và Lê Ngọc Hùng (36 tuổi, quê Nghệ An).

Khi xe ô tô đang di chuyển chậm để tránh chướng ngại vật thì bị xe 16 chỗ do tài xế Quách Văn Lâm (35 tuổi, quê Hòa Bình) điều khiển va chạm nhẹ vào phía sau.

Sau va chạm, tài xế Lâm, anh Tuấn Anh và anh Hùng đang đứng tranh luận trước đầu xe 16 chỗ thì xe 7 chỗ do tài xế Trần Ngọc Thế (quê Thái Bình) đâm mạnh vào phía sau.

Hậu quả tài xế Lâm và anh Trịnh Tuấn Anh tử vong tại chỗ, anh Lâm Ngọc Hùng bị thương nặng, 10 người khác được đưa đến viện kiểm tra thương tích.

Tai nạn liên hoàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tài xế đứng tranh cãi có liên đới trách nhiệm?- Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội- Hải Phòng. Ảnh: OFFB.

Cục Cảnh sát giao thông hiện đang phối hợp cơ quan điều tra huyện Gia Lộc, Hải Dương, Viện kiểm sát tiếp tục điều tra, làm rõ vụ tai nạn.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp- Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, đây là tình huống nguy hiểm, cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi dừng đỗ xe của 2 lái xe trên làn cao tốc và hành vi thiếu chú ý quan sát của lái xe ô tô 7 chỗ. Nếu cơ quan cảnh sát điều tra kết luận có hành vi dừng đỗ xe sai quy định và thiếu chú ý quan sát thì người vi phạm (còn sống) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Trước tiên, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi của 3 tài xế (xe bán tải, xe 16 chỗ và xe 7 chỗ). Việc va chạm giữa xe bán tải và xe 16 chỗ trước đó có khiến 2 xe này không thể di chuyển hay không? Nếu xe không thể tiếp tục di chuyển, buộc phải dừng đỗ thì việc dừng xe có đặt biển cảnh báo nguy hiểm hay không ?

Người gây tai nạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự

Nếu sau va chạm mà xe bán tải và xe 16 chỗ vẫn có khả năng di chuyển mà 2 tài xế vẫn dừng xe trên đường cao tốc (trên làn xe vượt, tốc độ cho phép 120km/h) hoặc xe không thể di chuyển, buộc phải dừng xe mà không có cảnh báo dẫn đến tai nạn thì 2 lái xe này có lỗi, người còn sống sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự, với mức phạt tù thấp nhất là 1 năm, cao nhất là 15 năm tù.

Đối với người điều khiển xe 7 chỗ đâm vào phía sau xe 16 chỗ (đang dừng) cũng có dấu hiệu của hành vi thiếu chú ý quan sát. Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát và giữ khoảng cách với xe phía trước. Nếu phát hiện chướng ngại vật phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất, có thể dừng lại hoặc đánh lái để tránh va chạm. Các xe dừng đỗ xe, gặp sự cố trên đường cao tốc được xác định là "chướng ngại vật".

Tai nạn liên hoàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tài xế đứng tranh cãi có liên đới trách nhiệm?- Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp- Đoàn luật sư TP.Hà Nội). Ảnh nhân vật cung cấp.

Nếu người điều khiển phương tiện xe cơ giới tham gia giao thông mà đâm vào phía sau xe ô tô khác (đang di chuyển hoặc đang dừng khẩn cấp) có thể xác định là lỗi thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách với phương tiện phía trước và người có lỗi còn sống sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, luật sư Cường cho rằng cũng cần xem xét trách nhiệm của 2 người tranh cãi với lái xe 16 chỗ trên làn đường vượt của đường cao tốc. Vị trí 3 người đứng tranh cãi là nơi dành cho xe vượt với tốc độ tối đa 120km/h, không được phép đi bộ. Bởi vậy hành vi đứng tranh cãi trên mặt đường cao tốc, không có cảnh báo gây tai nạn giao thông rất nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

"Trong vụ việc này, ngoài 2 người đã tử vong, những người còn lại, còn sống là những người tham gia giao thông đường bộ có liên quan đến vụ việc này mà có lỗi (dừng đỗ xe sai quy định, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, cản trở giao thông…) thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 bộ luật hình sự" luật sư Cường nêu quan điểm.

Như vậy theo luật sư Cường, với hậu quả chết 2 người và nhiều người bị thương, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản người có lỗi trong vụ tai nạn này còn sống có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 260 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 3-10 năm tù. Ngoài hình phạt tù, người vi phạm trong vụ tai nạn này còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra với các nạn nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem