Theo tờ Guardian, “cánh tay phải” của Gaddafi, Bashir Saleh đang sống nhởn nhơ ở Nam Phi dù ông ta có tên trong danh sách truy nã của Cảnh sát quốc tế (Interpol) trong khi các quan chức chính phủ Nam Phi xác nhận các nhà điều tra Libya đã “nhờ” giúp thu hồi tiền mặt, vàng và kim cương của Gaddafi đang được 4 ngân hàng và 2 công ty bảo vệ ở Nam Phi cất giữ.
|
Saleh lúc đương thời |
“Tay hòm chìa khóa” của Đại tá
Gaddafi nắm quyền lực ở Libya sau một cuộc đảo chính năm 1969. Quốc gia này có nguồn dầu mỏ dự trữ lớn nhất châu Phi, tài nguyên này đã giúp cho đất nước có nguồn thu ngoại tệ khổng lồ mà lẽ ra người dân được thụ hưởng, nhưng số đô-la Mỹ từ “vàng đen” ấy lại chui vào túi nhà Gaddafi cùng thuộc hạ của ông ta.
Dân Libya nổi dậy chống lại chế độ 40 năm của Gaddafi hồi tháng 2.2011, đến tháng 8 năm ấy thì lật đổ được chế độ độc tài này và ông ta bị bắn chết sau khi bị phát hiện trốn trong ống cống, vào ngày 20.10.2011. Số tài sản của nhà Gaddafi đã tẩu tán ra nước ngoài được ước tính khoảng 80 tỷ USD, và số tiền mặt, vàng và kim cương trị giá 1,4 tỷ USD được cho là đang được cất giấu tại Nam Phi chỉ là một con số nhỏ.
Saleh là cựu chánh văn phòng và được coi là “Tay hòm chìa khóa” của Gaddafi. Do là người nắm giữ quỹ tài sản ước tính 40 tỷ USD của Libya nên Saleh bị Libya truy nã vì tội gian lận sau khi thoát chết và bỏ chạy ra nước ngoài khi cuộc nổi dậy sắp thành công. Interpol đã truy nã ông ta với tên Bashir al-Shrkawi.
Báo giới Nam Phi vào đầu tháng 8 qua nêu Saleh còn được làm khách mời dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANCS) hồi đầu năm 2012 và gần đây dự một hội nghị thượng đỉnh của khối BRIC (các nền kinh tế mới nổi, gồm 5 nước là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) hồi tháng 3.2013, theo tờ Sunday Times - vốn nêu nhiều người dân Libya xem số tài sản của gia đình Gaddafi là tài sản quốc gia nên cần phải thu hồi về nước. Một số thông tin từng chỉ ra rằng trong số đó có 1 tỷ USD là tài sản của Abdullah al-Senussi, cựu chỉ huy tình báo của Gaddafi, đã bị bắt và dẫn độ từ Mauritania về Libya hồi năm ngoái và bị buộc tội chống lại loài người.
|
Nữ nghị sĩ Barnard |
“Nhân vật số 1” bao che tội phạm
Saleh cũng đang bị Libya buộc tội gian lận. Báo trên dẫn các nguồn tin Libya nói có người đã trông thấy Saleh tại khách sạn 5 sao Michelangelo ở Johannesburg và tự do đi lại giữa Nam Phi, Swaziland và Niger. Họ cũng trích đoạn các lá thư của bộ trưởng tư pháp và tài chính Libya đã nhờ đồng cấp Nam Phi giúp tìm kiếm tài sản của Gaddafi “vốn có thể bị chiếm đoạt, hôi của hoặc gửi ở Nam Phi và các nước láng giềng”.
Tờ báo còn nêu các nhà điều tra đã gặp Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Bộ trưởng Tài chính Pravin Gordhan để bàn chuyện “định vị” và thu hồi số tài sản. Người phát ngôn của bộ này xác nhận một đoàn được cho là đại diện Chính phủ Libya đã đến làm việc và khẳng định một số tài sản của Gaddafi và gia đình đã được người của chế độ cũ tẩu tán sang Nam Phi. Ông nói thêm sẽ mất nhiều thời gian để xác minh các nơi có thể cất giấu số tài sản ấy. Sứ quán Libya nói đoàn điều tra được lập để thay mặt nhân dân Libya thu hồi tài sản ở Nam Phi”.
|
Interpol truy nã Saleh |
Trước thông tin này, nữ nghị sĩ Dianne Kohler Barnard thuộc đảng đối lập Liên minh dân chủ (DA) yêu cầu bắt ngay Saleh: “Nếu thông tin là đúng và vì biết rõ lý lịch ông ta, xem ra Nam Phi cố tình che giấu một kẻ bị truy nã. Ông ta làm gì ở đất nước chúng ta trong khi bị truy nã quốc tế? Nếu chúng ta có thông tin tình báo hình sự, hẳn chính phủ phải biết ông ta là ai và bắt ông ta lập tức. Nhưng có lẽ ông ta được ANC bao che, có thể theo chỉ đạo của nhân vật số 1. Làm sao mà một người bị Interpol truy nã lại được bảo vệ?”.
Theo bà, “nhân vật số 1” chính là Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, và bà nói thêm: DA cũng yêu cầu Bộ Hợp tác-quan hệ quốc tế xác nhận hoặc phủ nhận cựu TT Cộng hòa Trung Phi (CAR) Francois Bozize đang tị nạn ở Nam Phi, sau khi rời Cameroon do bị chính phủ CAR truy nã vì tội bắt cóc, giết người và chống lại nhân loại. DA nói Saleh và Bozize đều là đối tượng bị truy nã thì không được phép nhập cảnh Nam Phi: “Phải có hành động khẩn cấp để sửa sai, để thế giới biết Nam Phi sẽ không tự cho phép trở thành chỗ trú ẩn an toàn cho bọn tội phạm quốc tế”.
Người phát ngôn của ANC không bình luận. Người phát ngôn của cảnh sát Nam Phi - thiếu tá Phuti Setati - nói ông không nhận được chỉ đạo nào về vấn đề này: “Tôi không biết những cáo buộc trên nên không thể bình luận”.
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.