Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang (Trưởng phòng nghiên cứu Thái Lan, Myanmar, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).
Ở Thái Lan, Myanmar không có tình trạng như thế, các mặt hàng nông sản của họ sản xuất ra một phần để tiêu thụ trong nước, phần còn lại để xuất khẩu, họ dựa trên sự đặt hàng lâu dài của các nước nhập để quy hoạch vùng sản xuất, tính toán sản lượng, giá cả…, còn người nông dân chỉ cần tập trung sản xuất.
Ở Thái Lan việc sản xuất các mặt hàng nông sản đều có mục đích và chiến lược lâu dài, ví dụ khi họ quy hoạch vùng trồng sắn, đặt mục tiêu xuất khẩu bột sắn thì họ vạch ra chiến lược sản xuất và tổ chức tìm kiếm tiêu thụ ngay, còn nông dân lo trồng sắn làm sao có chất lượng tốt nhất và không lo lắng về đầu ra cũng như giá cả.
Và đến thời điểm này xuất khẩu bột sắn của Thái Lan rất nổi tiếng và nguồn cầu ổn định, Thái Lan còn sang Việt Nam thu mua sắn nguyên liệu để về chế biến xuất khẩu.
Nông dân Thái Lan.
Một điểm nữa mà tôi muốn nói là nông dân Thái Lan không dễ bị lừa như nông dân mình, tôi thực sự không biết tại sao chúng ta lại để kéo dài mãi câu chuyện thương lái Trung Quốc chèn ép, dở trò với nông dân mình. Thực trạng này đã xảy ra nhiều năm trước đây, nay vẫn thế. Nông dân mình vẫn cứ sẩy chân vào cái bẫy mà thương lái Trung Quốc giăng mắc từ lâu.
Mấu chốt câu chuyện là phải trả lời cho được câu hỏi tại sao chúng ta để cho thương lái Trung Quốc có thể vào nước mình, đi qua cả một hệ thống quản lý, kiểm soát đồ sộ từ bộ ngành, rồi lách qua sự quản lý của địa phương và rồi chúng có thể thoải mái tiếp cận trực tiếp với nông dân và giăng bẫy lừa nông dân, không chỉ lừa một lần mà lừa nhiều lần, không chỉ một năm mà nhiều năm trên nhiều mặt hàng khác nhau.
Do đó tôi nói rằng chính lực lượng quản lý trong nước “tiếp tay” cho hành động này, tại sao chúng ta không thể đặt ra nghi vấn đó? Chính sách của mình không chặt chẽ, con người quản lý yếu kém nên hệ quả là nông dân đang than khóc trên chính mảnh ruộng của mình dù được mùa hay mất mùa.
Thái Lan có chính sách về nông nghiệp rất chặt chẽ, nếu ở địa phương nào có sản phẩm đặc trưng có thể phát triển được, xuất khẩu được thì họ định hướng rõ ràng và có chính sách hỗ trợ vùng sản xuất đó, họ tổ chức thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đó rất quy củ, giá cả ổn định. Chính vì vậy không có tình trạng sản xuất ồ ạt, bán ồ ạt và rồi ế ồ ạt như ở Việt Nam.
Ở Lào không có tình trạng này
Tiến sĩ Trương Duy Hòa (Trưởng phòng nghiên cứu Lào, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam).
Theo tôi được biết, ở nước Lào hoàn toàn không xảy ra tình trạng thương lái Trung Quốc vào thu mua các mặt hàng nông sản kiểu lạ đời như thế, cũng không có tình trạng thương lái Trung Quốc ép giá, ăn chặn, bắt chẹt nông dân trong nước. Nông sản của Lào không phải nhiều như Việt Nam, chỉ đủ phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, và nếu có dư thừa thì họ buôn bán trao đổi qua đường tiểu ngạch với các nước láng giềng, và sự trao đổi này diễn ra một cách tự nhiên, thuận mua vừa bán.
Tôi thấy rằng việc thương lái Trung Quốc vào thu mua các sản phẩm như móng trâu, bò, rễ quế, gián, đỉa, lá khoai lang, lá vải thiều khô, lá điều khô… là có chủ đích rõ ràng, mang tính gây hại cho nông nghiệp Việt Nam. Do vậy hơn ai hết người nông dân phải cảnh giác với những chiêu trò đó, họ phải tỉnh táo, bản lĩnh để bảo vệ mình bảo vệ những thành quả mà mình đã tốn rất nhiều công sức mới có được.
Bên cạnh đó, các bộ ban ngành như Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương phải có những chính sách phòng ngừa đồng thời phải tư vấn, hỗ trợ nông dân để họ không vấp phải những sai lầm tương tự thế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.