Tại sao việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam lại thất bại thảm khốc tới vậy?
Tại sao việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam lại thất bại thảm khốc tới vậy?
Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải
Thứ tư, ngày 10/04/2024 11:30 AM (GMT+7)
"Việc cổ phần hóa đã diễn ra chóng vánh và ngay lập tức đã đem lại một hậu quả nặng nề, không thể tưởng tượng nổi đối với Hãng phim truyện Việt Nam" - đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải khẳng định.
Cho đến thời điểm này, bất cứ ai đều có thể thấy rõ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đã là một thất bại, đem lại những hậu quả thảm khốc cả về vật chất lẫn tinh thần cho ngành điện ảnh, các nhà làm phim, các chuyên viên kỹ thuật lành nghề, các cán bộ công nhân viên của Hãng phim truyện Việt Nam. Những hậu quả này có thể chưa được nhìn nhận đầy đủ trong thời điểm này, nhưng trong tương lai, nó sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực tới ngành điện ảnh Việt Nam với biên độ rất lớn.
Quá trình cổ phần hóa được bắt đầu từ khoảng giữa năm 2017, khi Hãng phim truyện Việt Nam vừa thực hiện xong quá trình hợp tác làm phim với đoàn làm phim truyện điện ảnh Tây Ban Nha "Thi Mai" để kỷ niệm 40 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Tây Ban Nha. Bộ phim này có lễ ra mắt tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, và tại Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội, sau đó được phát hành rộng rãi toàn thế giới thông qua nền tảng Netflix. Đây được coi là một tác phẩm rất thành công, với cái nhìn tích cực về con người, thiên nhiên Việt Nam.
Để chọn đối tác làm phim này, đoàn làm phim - đứng đầu là nhà sản xuất Tây Ban Nha Larry Levene đã lựa chọn rất nhiều các đối tác khác nhau, cuối cùng chọn Hãng phim truyện Việt Nam là đối tác chính thức để hợp tác sản xuất. Nói như vậy để thấy rõ: Không chỉ trong quá khứ mà ngay ở thời điểm cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam là đơn vị đang được đánh giá rất cao về mặt chuyên môn điện ảnh với nhiều nghệ sĩ, kỹ thuật viên có tay nghề cao.
Cho đến thời điểm đó những bộ phim do Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện vẫn luôn đạt được những giải thưởng cao tại các liên hoan phim trong nước và cả ở nước ngoài. Để có thể có chủ trương cổ phần hóa nhanh chóng, ai đó đã dựa vào số lỗ của tổng cộng trên 30 tỷ VND trong 10 năm 2004-2014 để kết luận là Hãng phim truyện Việt Nam làm ăn thua lỗ, tuy nhiên họ quên rằng những đề tài được nhà nước giao cho Hãng phim truyện Việt Nam thực hiện đều là những đề tài khó: chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, miền núi hải đảo… cộng với cơ chế phát hành phim bất hợp lý (như đã thể hiện rõ trong việc phát hành phim Đào, Phở và Piano vừa qua: không có chi phí phát hành, có phát hành cũng không có chi phí chia phần trăm cho rạp chiếu, chỉ còn trông chờ vào các hệ thống rạp nhỏ nhiệt tình chiếu… phi lợi nhuận), việc lỗ của các cơ sở làm phim nhà nước cũng không quá khó hiểu.
Dĩ nhiên, tôi biết chắc chắn rằng, các nhà làm phim của Hãng phim truyện Việt Nam để tiến nhanh, thành công cả về mặt doanh thu thì bắt buộc phải đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp làm phim… Thế nhưng, điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được nhanh chóng, thành công trên cơ sở tay nghề chuyên môn cao đã có sẵn của họ.
Từ giữa năm 2017, việc cổ phần hóa đã diễn ra chóng vánh và ngay lập tức đã đem lại một hậu quả nặng nề, không thể tưởng tượng nổi ở thời điểm bắt đầu cổ phần hóa. Cả một hệ thống hạ tầng, nhà cửa, xưởng chuyên môn… xuống cấp, tới mức không thể nhận dạng. Tất cả các phòng làm việc trước: phòng Quay phim, Đạo diễn, phòng Biên tập… bị bỏ hoang, ẩm thấp, mục ruỗng, không thể sử dụng được. Đường đi nội bộ bị trong bóc, có những chỗ bị tràn cả dầu mỡ của nhà hàng bên cạnh. Phòng Giám đốc bị ẩm mốc do không được sử dụng, các giải thưởng danh giá của các liên hoan phim quốc tế và trong nước được cất giữ trong phòng đó bị ẩm, mốc trắng, bong tróc, hỏng, biến dạng… do không được bảo quản. Máy móc đắt tiền như phòng hòa âm, bàn hòa âm, máy quay chắc chắn cũng đã xuống cấp do không được dùng và bảo quản đúng cách.
Một trong những thiệt hại lớn nhất chính là việc 300 bộ phim kinh điển trong kho phim của Hãng đã bị hỏng hoàn toàn vì một lý do không thể tin nổi: hỏng điều hòa mà không được sửa chữa. Đây chính là một trong những thiệt hại nặng nề nhất do những sai lầm của cổ phần hóa. 300 bộ phim này chính là lịch sử của nghệ thuật điện ảnh phim truyện Việt Nam từ thời kỳ đầu cho tới những năm gần đây. Trong đó có những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam đã đạt giải thưởng cao ở các liên hoan phim trong nước và quốc tế: Chung một dòng sông, Nước về Bắc Hưng Hải, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Đường về quê mẹ, Bao giờ cho đến tháng Mười…, cho đến những phim gần đây như Đời cát, Cỏ lau, Thung lũng hoang vắng, Hà Nội 12 ngày đêm… Đây là bản phim gốc hoàn chỉnh, là một trong hai bản phim gốc duy nhất còn lại của mỗi bộ phim.
Không những thế, toàn bộ cán bộ, công nhân viên, nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa đã bị cắt bỏ toàn bộ các quyền lợi chính đáng của mình trong suốt cả 8 năm vừa qua: không lương, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội. Tôi tin chắc việc này đi ngược lại mọi tiêu chí đối xử với người lao động của xã hội ta, một xã hội hướng đến nguyên tắc của dân, do dân và vì dân.
Các chỉ đạo từ phía của Chính phủ
Ngay từ những tháng đầu tiên của cổ phần hóa, báo chí đã vào cuộc rất mạnh mẽ vạch ra những bất cập, sai lầm của quá trình cổ phần hóa này. Chính phủ cũng đã có những động tác rất kịp thời, quyết đoán. Ngay ngày 09/10/2017, chỉ vài tháng sau khi cổ phần hóa, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định thanh tra việc cổ phần hóa Hãng phim. Ngày 05/12/2017, Thanh tra Chính phủ đã trình dự thảo Kết luận thanh tra và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi lấy ý kiến các bộ ngành và các địa phương có liên quan. Ngày 11/09/2018, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho ý kiến chỉ đạo.
Đến ngày 19/9/2018, thông báo Kết luận thanh tra được công khai, trong đó chỉ rõ nhiều sai phạm của quá trình cổ phần hóa, nhấn mạnh việc "nhà đầu tư chiến lược chưa đáp ứng những yêu cầu của một ngành nghề kinh doanh đặc thù, lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh", đồng thời nêu biện pháp nhấn mạnh việc yêu cầu tổ chức thực hiện ngay việc để nhà đầu tư chiến lược xin rút vốn trước thời hạn.
Ngày 02/4/2019, Văn phòng chính phủ gửi thông báo 116/TB- VPCP về Kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về việc xử lý sau thanh tra Hãng phim truyện Việt Nam trong đó nêu rõ yêu cầu: nhà đầu tư chiến lược xin "tự nguyện rút vốn trước thời hạn" và Bộ Văn hóa "hoàn trả lại tiền và nhận lại cổ phần của nhà đầu tư chiến lược". Ngoài ra văn bản nêu rõ Bộ Văn hóa phải "xây dựng phương án củng cố, phát triển Hãng phim truyện Việt Nam sau khi nhà đầu tư chiến lược đã rút vốn, đạt mục đích yêu cầu đề ra". Tuy nhiên sự việc vẫn dậm chân tại chỗ, hoàn toàn không có bất cứ thay đổi nào, đẩy tình trạng hãng phim ngày càng tồi tệ hơn.
Tháng 3/2020, Văn phòng Chính phủ tiếp tục phát đi thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ VHTTDL thực hiện các quy trình, thủ tục để thu hồi số cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. Ngoài ra còn nhấn mạnh: "Trường hợp Tổng công ty Vận tải Thủy không chấp hành thì phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét áp dụng biện pháp cưỡng chế để thực hiện kết luận thanh tra".
Tháng 3/2023, đích thân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp để tìm giải pháp giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Ngày 28/3 phó Thủ tướng Lê Minh Khái ban hành văn bản yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thực hiện hậu cổ phần hóa Hãng phim truyện VN tìm giải pháp giải quyết dứt điểm, báo cáo thủ tướng trước ngày 25/4/2023.
Cho tới ngày 3/1/2024, tại Hội nghị tổng kết công tác của Bộ VHTTDL Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nhắc lại yêu cầu Bộ VHTTDL cùng Chính phủ phải giải quyết dứt điểm vụ việc CPH tại Hãng phim truyện VN, thủ tướng nhắc "phải nhìn thẳng vào sự thực để cùng nhau xử lý".
Như vậy, ai cũng thấy, Chính phủ liên tục có những cuộc họp, những chỉ đạo rất rõ ràng yêu cầu gấp rút giải quyết việc cổ phần hóa bằng cách thu hồi cổ phần đã bán và hoàn trả tiền cho nhà đầu tư. Tuy nhiên điều khó hiểu là sự việc vẫn hoàn toàn không có gì thay đổi, tình hình hãng phim vẫn tiếp tục lao dốc không phanh.
Những câu hỏi đang cần lời giải đáp
Việc không thể giải quyết dứt điểm của những sai lầm của cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam là một vấn đề nhức nhối, khi mà sự thật đã được đông đảo báo chí, công luận nhìn thấy, các nhà làm phim… kêu gọi giải quyết rất rõ ràng, trên nữa là cả chính phủ cũng đã vào cuộc. Vấn đề vẫn để kéo dài, càng kéo dài lại càng đem lại những hậu quả ngày càng nghiêm trọng.
Mới đây là lời phát biểu thẳng thắn của NSND Trà Giang tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Điện ảnh Việt Nam đã làm dư luận nổi sóng khi cô nói rằng: "Hãng phim truyện Việt Nam đã hoang tàn đổ nát tới mức không thể tưởng tượng nổi. Điều quan trọng bây giờ là phải làm cho nghệ sĩ lấy lại được niềm tin. Tôi có cảm giác sự quan tâm của các lãnh đạo đối với văn hóa nói chung và đối với Hãng phim truyện Việt Nam mới chỉ thể hiện trên văn bản, ở các hội nghị, lễ kỷ niệm… chứ chưa có hành động thiết thực". Đó là những phát biểu trung thực, thẳng thắn gây rất nhiều suy nghĩ trong giới làm phim.
Câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Tại sao, giữa Thủ đô Hà Nội, trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước lại để tình trạng như ở Hãng phim truyện Việt Nam diễn ra kéo dài tới 8 năm? Phải chăng có một bức tường vô hình nào đó trước thực trạng này? Đó là câu hỏi đang cần lời giải đáp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.