Visa Europe, Dow Chemical và Panasonic là các thương hiệu có hình ảnh quảng cáo trên những chiếc taxi hoạt động tại khu phố Oxford của thủ đô London (Anh). Giờ đây, bên cạnh những hình ảnh đó còn có cờ và biểu ngữ của Olympic.
|
Tài trợ cho Olympic chính là một cơ hội vàng cho các doanh nghiệp. Ảnh: Getty Images |
Trong khi đó, McDonald’s và BT lại đăng quảng cáo tại các bốt điện thoại, ngay cạnh đó là những cột đèn có in biểu tượng của ban tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic London (LOCOG).
Thế vận hội 2012 có 11 nhà tài trợ hàng đầu. Mỗi công ty phải bỏ ra khoảng 100 triệu USD để có được hợp đồng tài trợ cho sự kiện này. Ngoài ra, Olympic còn có 44 nhà tài trợ khác. Các doanh nghiệp trên là những đợn vị duy nhất được quyền sử dụng logo hay bất kỳ thương hiệu nào khác gắn với Olympic.
Một nhóm gồm 280 người từ Olympic Delivery Authority – cơ quan phụ trách nghiệm thu các cơ sở hạ tầng của Olympic – cùng một đội bảo vệ thương hiệu của LOCOG đã được thành lập để giám sát việc sử dụng biểu tượng vòng tròn Olympic và những từ ngữ như “Olympics”, “2012”, “huy chương”, “vàng” và thậm chí là cả từ “London”.
Bỏ ra 100 triệu USD để tài trợ cho Olympic, các doanh nghiệp được lợi gì?
Theo Luc Bardon, trưởng nhóm bán hàng và marketing của BP, cái lợi lớn nhất là sự liên kết với một thương hiệu mạnh như Olympic. “Điều quan trọng hơn cả đó là chúng tôi được trở thành một phần của đất nước, trong cuộc sống của các quốc gia và cộng đồng khác.”
Còn Norman Brodie, phụ trách chương trình Cadbury London 2012 của hãng kẹo Cadbury, cho rằng trở thành một phần của Olympic chính là một cơ hội vàng của họ.
David Haigh, Giám đốc điều hành của hãng tư vấn thương hiệu Brand Finance, cho biết: “Các doanh nghiệp sẵn sàng chi ra một khoản tiền lớn để tài trợ cho các môn thể thao, sự kiện, đội tuyển và cá nhân nếu họ tin rằng sẽ hái ra tiền.”
Theo ông, hiện tại, các công ty đang có xu hướng phân tích kỹ càng xem họ sẽ thu về được bao nhiêu nếu tài trợ cho một sự kiện. “Olympic có vẻ là một sự kiện lý tưởng và họ sẽ càng lúc càng kiếm bộn tiền.”
Báo cáo của Brand Finance đánh giá Olympic là thương hiệu đắt giá thứ hai trên thế giới, chỉ sau Apple. Ước tính nó còn đắt giá hơn tất cả các nhà tài trợ lớn của sự kiện này như Samsung, GE và Coca-Cola gộp lại.
Theo đó, thương hiệu Olympic 2012 trị giá 47,6 tỷ USD, tăng 87% so với Olympic Bắc Kinh 2008.
Ngọc Thuý
Theo CNN
Vui lòng nhập nội dung bình luận.