Tài xế gây tai nạn khiến 3 người tử vong ở Đà Nẵng có thể bị xử lý thế nào?
Tài xế gây tai nạn khiến 3 người tử vong ở Đà Nẵng có thể bị xử lý thế nào?
Quang Trung
Chủ nhật, ngày 18/12/2022 12:55 PM (GMT+7)
Qua kiểm tra bước đầu, công an xác định tài xế xe bán tải liên quan vụ tai nạn giao thông khiến 3 người tử vong ở TP Đà Nẵng vào đêm 16/12 có kết quả đo nồng độ cồn là 1.288mg/L. Với hành vi này, tài xế có thể bị xử lý thế nào?
Công an quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) cho biết: Ngay trong đêm 16/12, sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 3 người tử vong tại chỗ trên đường Quảng Nam (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), công an quận đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với tài xế xe bán tải Trương Vạn Nhật (27 tuổi, trú huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) để phục vụ công tác điều tra.
Theo cơ quan công an, vào chiều tối 16/12, tại ngã tư đường Quảng Nam (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) giao với đoạn đường không tên xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô bán tải và 2 xe máy. Hậu quả là 3 người trên 2 xe máy tử vong.
Theo lời khai của các nhân chứng, vào thời điểm trên, họ nhìn thấy ô tô bán tải do Trương Vạn Nhật đi theo hướng Bắc - Nam với tốc độ rất nhanh và tông thẳng vào đuôi 2 xe máy đi phía trước, cùng chiều.
Làm việc với Nhật, lực lượng chức năng cho biết người này không thành khẩn khai báo. Kiểm tra nồng độ cồn tài xế cho kết quả vượt quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Đối mặt khung cao nhất của Điều 260
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ tốc độ của tài xế xe bán tải, làm rõ khả năng quan sát và việc giữ khoảng cách với phương tiện đi phía trước trước và tại thời điểm vụ tai nạn xảy ra.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người này không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách với xe phía trước dẫn đến vụ tai nạn, tài xế có thể sẽ bị khởi tố để điều tra về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông được bộ theo Điều 260 Bộ luật hình sự.
Nếu bị chứng minh có tội, với hậu quả làm 3 người chết, tài xế có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 7 năm đến 15năm.
Theo ông Cường, hành vi vi phạm giao thông được bộ dẫn đến hậu quả khiến ba người chết là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, hành vi vi phạm nồng độ cồn cũng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm, căn cứ vào nhân thân người có lỗi và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Nếu bị chứng minh có tội, ngoài trách nhiệm hình sự, tài xế sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại với gia đình nạn nhân.
Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết, tiền công người chăm sóc và tiền bồi thường chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền nghĩa vụ cấp dưỡng với thân nhân mà nạn nhân có nghĩa vụ nuôi dưỡng và bồi thường một khoản tiền tổn thất về tinh thần đối với thân nhân người đã mất.
Vị chuyên gia nêu quan điểm, đây là một trong những vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến nhiều người tử vong và nguyên nhân ban đầu được xác định là do tài xế xe bán tải đã sử dụng rượu bia, vi phạm nồng độ cồn.
Hành vi của người này là rất đáng trách, đáng lên án. Chỉ vì không tuân thủ quy định pháp luật về việc tham gia giao thông đường bộ, vi phạm nồng độ cồn mà khiến nhiều người tử vong, ảnh hưởng đến hạnh phúc của nhiều gia đình, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Bởi vậy các cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.