Tài xế vi phạm nồng độ cồn, bỏ lại xe không chịu nộp phạt sẽ bị xử lý ra sao?
Tài xế vi phạm nồng độ cồn, bỏ lại xe không chịu nộp phạt sẽ bị xử lý ra sao?
Thế Anh
Thứ tư, ngày 24/04/2024 16:41 PM (GMT+7)
Bộ Công an cho biết, người vi phạm nồng độ cồn có hành vi bỏ lại xe không chịu nộp phạt sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 86 của Luật trên cũng nêu rõ, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đó.
Thời gian vừa qua, nhiều ý kiến của người dân bày tỏ thắc mắc về việc thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ rất nhiều phương tiện của người vi phạm.
Qua ghi nhận đã có một số trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã bỏ lại xe, vì giá trị của chiếc xe không bằng mức phạt phải nộp. Hành vi bỏ lại xe khi bị CSGT tạm giữ ảnh hưởng gì đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính sau này? Người vi phạm giao thông không nộp phạt, bỏ lại xe của mình sẽ bị xử lý như thế nào?
Với những nội dung nêu trên, Bộ Công an cho biết, trong tình huống trên, Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày ra quyết định.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Cũng tại Điều 86 của Luật trên cũng nêu rõ, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đó.
Đối với phương tiện hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người liên quan không đến nhận mà không có lý do chính đáng, Bộ Công an dẫn Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ hai lần.
Cụ thể, lần thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.
Sau đó, hết thời hạn một tháng kể từ ngày thông báo lần thứ hai mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận, thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) vừa thông tin kết quả đảm bảo TTATGT, xử lý vi phạm trong Quý I/2024. Trong đó, riêng vi phạm nồng độ cồn chiếm gần 30% vi phạm với 275.130 trường hợp vi phạm.
Cụ thể, trong quý I/2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 1.035.240 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 2.041 tỷ 467 triệu đồng, tước 206.468 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 373.545 phương tiện các loại.
Trên các tuyến đường bộ, lực lượng CSGT đã xử lý 1.024.494 trường hợp, phạt tiền 2.019 tỷ 484 triệu đồng. Trong đó, có 275.130 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 26,8%); 1.587 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,15%); 21.740 trường hợp chở hàng quá tải (chiếm 2,1 %); 245.707 trường hợp vi phạm quy định về tốc độ (chiếm 24%).
Trên lĩnh vực giao thông đường sắt, cảnh sát xử lý 267 trường hợp, phạt tiền 142 triệu đồng. Lĩnh vực giao thông đường thủy xử lý 10.479 trường hợp, phạt tiền 21 tỷ 841 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.