Tài xế vứt heo chết, bà Tây nhặt rác và nỗi xấu hổ của chúng ta

Trần Ngọc Thọ Thứ ba, ngày 07/06/2016 11:17 AM (GMT+7)
Trong đêm vắng, 1-2 giờ sáng, người dân có tài thánh đến mấy cũng không nghĩ rằng những tiếng rơi “bịch, bịch” kia lại là nỗi khiếp đảm của chuỗi ngày sau đó khi trời nắng lên.
Bình luận 0

Người dân xã Tân Lang, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn mấy ngày qua phải sống trong khổ sở vì bị “khủng bố” bởi mùi hôi thối. Số là, mùi hôi thối này xuất phát từ chục con lợn chết do thương lái vứt bỏ từ trên xe xuống trên đường xuất khẩu sang Trung Quốc. Và thật đen đủi cho những hộ dân nào sống sát con đường mà số xe chở lợn này đi ngang qua.

Trong đêm vắng, 1-2 giờ sáng, người dân có tài thánh đến mấy cũng không nghĩ rằng những tiếng rơi “bịch, bịch” kia lại là nỗi khiếp đảm của chuỗi ngày sau đó khi trời nắng lên. Và thậm chí nếu các ngành chức năng không vào cuộc xử lý gấp và đúng quy trình về phòng chống dịch thì số heo này lại là mầm bệnh gây hoạ cho chăn nuôi địa phương, cho cả vật nuôi lẫn người tiếp xúc, đến lúc ấy thiệt hại thật khó lường.

img

Những con heo chết bốc mùi hôi thối được tài xế vứt xuống đường tại địa phận xã Tân Lang, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh I.T

Nếu như chuyện vứt heo chết là chuyện mới xảy ra thì với người dân thành phố, chuyện những xe ben “rình” người dân đi ngủ rồi bất ngờ đổ ụp toàn bộ đất đá, phế liệu xây dựng xuống giữa đường, xuống vỉa hè, xuống bất cứ đâu vắng người rồi bỏ chạy lại là chuyện xảy ra “như cơm bữa”.

Tôi có người thân, nhà trong ngõ nhưng cách đây mấy năm, Hà Nội có dự án mở đường thế là nghiễm nhiên thành nhà mặt tiền. Chưa kịp mừng thì một buổi sáng khi cả nhà đang ngon giấc thì bất ngờ thấy tiếng “rầm rầm” như động đất. Cả nhà tỉnh giấc. Các thành viên trong gia đình đi kiểm tra trong nhà thì thấy mọi sự vẫn bình yên nên an tâm ngủ tiếp.

Thế rồi, sáng ra, mọi người trong nhà không ai mở được cửa để đi làm cả. Đến khi gọi điện cầu cứu cho người thân thì ôi thôi, hàng chục mét khối đất đá, phế liệu cao ngang 1 tầng nhà đã án ngữ trước cửa nhà, bịt chặt, lấp kín lối ra vào cửa chính. Cả nhà sau đó đã phải cầu cứu công ty vệ sinh môi trường, công ty vệ sinh môi trường phải huy động cả máy xúc đến thu dọn mất mấy tiếng đồng hồ mới xong. Quá lo lắng, cả nhà lập tức cho lắp đặt hệ thống camera an ninh quan sát rồi thay nhau ngồi “canh” vào ban đêm suốt tuần liền.

Rồi ngày hôm qua, trên đường đi làm, tôi bắt gặp một gia đình gồm đôi vợ chồng còn rất trẻ ăn vận rất sành điệu chạy trên một chiếc xe Honda Sh mới coóng, phía trước là cậu con trai một tay đang vịn vào đầu xe, một tay cầm hộp sữa hút “chùn chụt”.

“Rột rột rột... Mẹ vứt hộ con hộp sữa” - tiếng cậu bé vang lên.

Tín hiệu đèn xanh vừa sáng, chiếc xe SH lao nhanh về phía trước, người mẹ trẻ xinh như hotgirl cầm ngay vỏ sữa, ném thẳng xuống đường trong khi cách đó chưa tới 15m là chiếc thùng rác hình chú chim cánh cụt màu xanh đang há mồm đợi chờ những bọc rác.

img

Bà Julia (quốc tịch Ireland) xắn tay dọn rác tại biển Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận). Ảnh T.N

Hành động của người mẹ trẻ bình thường đến độ cả dòng người dừng đèn đỏ không một ai mảy may quan tâm, chú ý. Đám đông vẫn đi như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Và rồi sau đó, tôi chỉ kịp nhìn thấy một bác công nhân vệ sinh đường phố gần đấy chạy vội ra nhặt vỏ hộp sữa tươi chưa uống hết cho vào xe rác gần đó, ngán ngẩm lắc đầu.

Và rồi hôm kia, tại bãi biển Mũi Né - Phan Thiết, báo chí thông tin, cả một đoàn người nào những ông Tây bà Tây đã miệt mài thu gom, vớt được hàng trăm tấn rác. Hàng trăm tấn rác này chủ yếu do người dân lân cận thải ra biển.

Đọc thông tin này, tôi thấy buồn. Vì sòng phẳng ra, việc đừng xả rác là việc của chúng ta và việc dọn rác nếu chẳng may đã xả cũng là việc của chính chúng ta chứ không phải là việc của ai khác, và nhất định rằng không phải việc của những ông Tây bà Tây tốt bụng và đáng mến kia tới xứ sở này du lịch rồi phải oằn mình dưới nắng nóng 40 độ C vớt từng bọc rác, nhặt từng túi nilon…

Nói thật, nhìn thấy những hình ảnh trên, tôi cảm thấy xấu hổ. Xấu hổ vì chúng ta đang sống quá thờ ơ và vô trách nhiệm với môi trường sống với tương lai của chính mình cũng như con em mình.

Thế đấy, người xả rác cứ vô tư xả rác, người vứt heo chết cứ thoải mái vứt heo, người đổ trộm đất đá cứ thế đổ trộm, kệ cho việc thu dọn, hậu quả và xử lý ra sao vì đây được xem là việc của người khác.

Và nguy hiểm hơn, nếu những hành vi vứt heo chết, đổ đất đá hay xả rác như trên vẫn không bị lên án một cách mạnh mẽ và truy nguyên thủ phạm để xử lý thì đừng hỏi tại sao nhiều việc bất thường khác lại được xem là bình thường và các cơ quan quản lý trong thời gian qua phải chạy theo xử lý hậu quả thay vì đón đầu, ngăn chặn.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem