Những ngày qua, nhiều người tại TP.HCM khó bắt được xe ôm công nghệ, đặc biệt là taxi công nghệ, thời gian chờ để có được xe khá lâu, hoặc phải đặt liên tiếp nhiều lần mới có tài xế nhận chuyến.
Theo giải thích của nhiều tài xế, do giá xăng tăng liên tục, nhiều người đã quyết định tạm đóng ứng dụng, hoặc tạm nghỉ việc. Họ chờ đợi thêm hỗ trợ từ phía hãng để phần nào bù đắp được giá xăng tăng.
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, nhiều hãng xe công nghệ đánh giá giá xăng tăng ảnh hưởng trực tiếp tới đội ngũ tài xế, do đặc thù công việc phải chạy liên tục trên đường để đón khách và giao hàng. Thời gian qua, giá xăng liên tục tăng sau mỗi đợt điều chỉnh, càng khiến tài xế gặp khó.
Trước mắt, để giải quyết phần nào khó khăn của tài xế, theo đại diện các hãng xe, họ đang áp dụng một hoặc cùng lúc nhiều chương trình hỗ trợ tài xế.
"Sức ép giá xăng tăng khiến hoạt động của đối tác tài xế gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, ứng dụng gọi xe không thể tăng giá cước ngay lập tức theo giá xăng vì sẽ ảnh hưởng đến khách hàng", ông Nguyễn Việt Linh - Giám đốc Truyền thông hãng gọi xe Be nhận định.
Tuy nhiên, ông cho biết thêm, hãng quyết định duy trì giữ mức giảm chiết khấu dịch vụ beCar lên đến 10% tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Trước đó, Be đã thực hiện chương trình này để hỗ trợ tài xế trước tình hình giá xăng tăng. Chương trình cũ dự kiến kéo dài đến 16/6, nhưng do tình hình giá xăng vẫn leo thang nên hãng quyết định duy trì, hỗ trợ bác tài yên tâm chạy xe.
"Đồng thời, chúng tôi cũng tiếp tục bổ sung nâng cao các chương trình thưởng hỗ trợ doanh thu cho tài xế Be nói chung", ông Linh thông tin thêm.
Tăng doanh thu, tặng phiếu xăng cho tài xế xe công nghệ
Đại diện Gojek cho biết hãng đang áp dụng chương trình tăng doanh thu thêm tối đa 7% cho tài xế GoCar, dựa trên hiệu suất chạy của tài xế trong 1 tuần.
Giải thích kỹ hơn, theo vị này, hiệu suất hoạt động của tài xế trong 1 tuần được đánh giá dựa trên số chuyến đi hoàn thành và thời gian hoạt động. Tài xế sẽ được xếp hạng và nhận được mức ưu đãi tương ứng là 3%, 5% hoặc 7% doanh thu.
"Nếu đạt được 1 trong 3 mức ưu đãi, sau khi có doanh thu tổng kết của tuần tiếp theo, chúng tôi sẽ chuyển trực tiếp tiền ưu đãi vào ví tài xế trong vòng 7 ngày", đại diện Gojek cho biết.
Còn với tài xế xe hai bánh, hãng áp dụng chương trình tính ưu đãi theo từng mức điểm. Tại TP.HCM, nếu tài xế có tổng điểm tích lũy là 60 điểm thì được đảm bảo tổng doanh thu là 360.000 đồng, nếu đạt 95 điểm sẽ nhận được doanh thu 620.000 đồng và ở mức điểm cao nhất là 110 thì sẽ có được doanh thu 800.000 đồng.
Gojek cũng đang tặng phiếu xăng điện tử cho các tài xế 2 bánh và 4 bánh có hiệu suất hoạt động tốt. Trong mỗi đợt xếp hạng (3 tháng/lần), Gojek sẽ gửi tặng tài xế phiếu xăng điện tử có giá trị tương ứng với mức hạng đối tác tài xế đạt được. Mức ưu đãi này sẽ được duy trì trong 3 tháng tiếp theo, cho đến kỳ xét duyệt xếp hạng kế tiếp.
Đại diện Grab thông tin hãng vừa dành ra khoản ngân sách 6,3 tỷ đồng để triển khai các chương trình hỗ trợ tài xế.
Từ nay đến ngày 10/7, Grab sẽ tặng phiếu xăng miễn phí cho tài xế 4 bánh đạt thứ hạng vàng và bạch kim tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ, Kiên Giang, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu; và tài xế 2 bánh đạt thứ hạng vàng và bạch kim tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ.
Ngoài ra, hãng cũng cho biết đang tích cực hợp tác với hệ thống Saigon Petro dành tặng ưu đãi giảm giá thay nhớt không giới hạn cho toàn bộ tài xế ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Khánh Hòa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.