Theo đó, xung quanh việc tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975 gây xôn xao dư luận thời gian qua, theo ông Đào Đăng Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) cho biết, vừa qua Cục NTBD đã có quyết định gửi các Sở VHTTDL các tỉnh thành về việc thu hồi 5 ca khúc trước năm 1975.
"Việc thu hồi là do Sở VHTT TP HCM đề xuất, ban đầu là 10 bài nhưng sau khi rà soát chúng tôi đã quyết định tạm dừng 5 bài. Mặc dù chúng ta đã tham gia công ước Berne và Việt Nam đã bắt đầu thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ từ năm 2004 nhưng trong quá trình thực hiện thì đây không phải là vấn đề giải quyết trong một sớm một chiều. Đặc biệt, các bài hát này sáng tác trước năm 1975 đã được biểu diễn từ rất lâu, nhưng chưa có đơn vị nào đứng ra đại diện xin cấp phép. Hiện nay, đã có 2.500 ca khúc sáng tác trước năm 1975 đã được Cục NTBD cấp phép và đăng tải trên trang web của Cục NTBD"- ông Hoàn cho biết. Đặc biệt, theo lý giải của ông Đỗ Đăng Hoàn thì với trường hợp 5 ca khúc bị lưu hành là do vấn đề bản quyền.
Bên cạnh đó, trước câu hỏi về vấn đề có hay không cơ chế “xin cho” trong việc cấp phép các ca khúc, theo ông Hoàn, thì đây là điều hoàn toàn không đúng. Cục NTBD cấp phép các ca khúc hoàn toàn theo đúng các quy định của pháp luật. Việc cấp phép cho một ca khúc là do tác phẩm đó tốt chứ hoàn toàn không căn cứ vào ai là tác giả.
Ngoài ra, trước thông tin đại diện các tác giả, gia đình các tác giả phản hồi về việc tạm dừng các ca khúc theo ông Hoàn thì: "do gia đình các tác giả nói chứ hoàn toàn chưa thế khẳng định đây là ý kiến chính thức từ các tác giả, nhạc sĩ sáng tác các ca khúc". Thế nhưng, trước câu hỏi về việc có hay không việc xác thực trước ý kiến của gia đình các tác giả về sự việc thì dường như cách giải quyết của Cục NTBD là khá cứng nhắc.
Nhạc sĩ Châu Kỳ- tác giả ca khúc "Con đường xưa em đi"
Cụ thể, ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục NTBD lập luận: "Chúng tôi chỉ tạm dừng chứ không cấm. Đối với việc thu hồi chúng tôi thực hiện theo Nghị định. Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan Cục NTBD không có trách nhiệm xử lý vấn đề đó".
Còn việc có sửa đổi quy định hay không để tránh những tranh cãi trong việc cấp phép các tác phẩm theo ông Tuấn thì hiện nay về phía Cục NTBD vẫn thường xuyên tổ chức công tác phổ biến thì qua đó tiếp nhận ý kiến góp ý để hoàn thiện hơn. Cục NTBD sẽ tiếp thu ý kiến này để có thể tổng hợp đánh giá trong việc sửa văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, theo đại diện Cục NTBD, Cục cũng đề nghị mọi người cung cấp các tài liệu qua cổng dịch vụ công của Bộ VHTTDL. Thực tế, chính những người làm quản lý nghệ biểu diễn cũng không nắm được hết tất cả các ca khúc. “Hiện nay, một đơn vị quản lý như Cục NTBD chỉ thông qua các chương trình biểu diễn hoặc hội Nhạc sĩ Việt Nam mới biết bài hát mới” -ông Tuấn cho hay.
Thông qua giải thích của 2 vị Phó Cục trưởng Cục NTBD, có thể thấy công tác cấp phép biểu diễn cho các ca khúc hiện nay có quá nhiều khâu rắc rối, khó hiểu. Thoạt đầu khi tạm dừng cấp phép ca khúc, Cục cho biết phải có các tác giả hoặc đại diện gia đình lên tiếng, đến khi gia đình các tác giả lên tiếng thì Cục lại phản hồi rằng: "Do gia đình các tác giả nói chứ hoàn toàn chưa thế khẳng định đây là ý kiến chính thức từ các tác giả, nhạc sĩ sáng tác các ca khúc".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.