Tấm lòng vàng của y sĩ Vàng

Lê San Thứ ba, ngày 18/11/2014 08:09 AM (GMT+7)
Tính tới nay đã 37 năm, y sĩ Cao Thịnh Vàng (người dân tộc Tày) gắn bó với Trạm Y tế xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Ngần ấy năm bằng tâm huyết và nghị lực, y sĩ Vàng đã làm thay đổi hoàn toàn ý thức chăm sóc sức khoẻ của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. 
Bình luận 0

Đuổi tập tục lạc hậu

Đôn Phong là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bạch Thông, đồng bào DTTS chiếm hơn 90% dân số, trong đó chủ yếu là người Dao, sống ở nhiều thôn bản rải rác (thôn xa nhất cách trung tâm xã gần 20km). Sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất này nên y sĩ Vàng hiểu đồng bào mình còn chịu nhiều thiệt thòi như thế nào. Cuối năm 1977, sau khi ra trường, y sĩ Vàng nhận công tác tại xã Đôn Phong. Trạm y tế lúc này còn chưa có, phải mượn tạm phòng UBND xã, anh Vàng cũng là y sĩ duy nhất, cùng 1 nữ hộ sinh.

img
Y sĩ Cao Thịnh Vàng thăm khám sức khoẻ cho người dân xã Đôn Phong. Ảnh: Thịnh Tráng

 

“Lúc ấy đời sống còn nghèo nàn, xã chưa có cán bộ y tế để chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Bà con ở đây lại chủ yếu là người DTTS, nhận thức hạn chế, còn nhiều tập tục lạc hậu, khi đau ốm toàn cậy nhờ cúng bái. Đa số bệnh mà người dân bấy giờ mắc phải là sốt rét và phụ khoa…” – anh Vàng cho hay. Khi ấy, anh Vàng đến tận nhà để thăm khám và phát thuốc cho bà con Lúc nào, người ta cũng thấy anh Vàng ôm theo một túi đầy vừa quần áo, vừa thuốc men, đi bộ tới từng thôn bản.

Anh Vàng chia sẻ: “Nhiều lần đi bộ 4 – 5 tiếng là chuyện thường. Ngày đầu bà con còn chưa tin, vừa kêu mình tới nhà, vừa gọi thầy cúng. Mình cũng không vội phản bác họ, cứ để họ cúng và vẫn khám bệnh, cấp thuốc như bình thường. Dần dần rồi bà con cũng nhận ra là uống thuốc hiệu quả hơn lại ít tốn kém. Từ đó, có bệnh, bà con lại đến gọi y sĩ”.

Trong thời gian làm ở trạm xá xã, anh Vàng gặp không biết bao nhiêu tình huống phải bật khóc. Thiếu thuốc men, không đủ trang thiết bị dụng cụ y tế, tài liệu chuyên môn ít ỏi, không có người để tư vấn hướng dẫn, gặp phải những ca khó, anh Vàng phải tự xử lý. “Mới đây, chị Triệu Thị Phạm ở thôn Lũng Lầu được chẩn đoán là thai ngang, chỉ định lên bệnh viện tỉnh, nhưng lại chủ quan không đi. Đến khi chị đau đẻ thì không kịp đưa đi bệnh viện, mình và nữ hộ sinh phải liều đỡ đẻ. Lúc đứa trẻ ra ngoài, mẹ tròn con vuông thì mình mừng rơi nước mắt” – anh Vàng kể.

Trạm y tế vùng cao đạt chuẩn quốc gia

Đến tận năm 2010, nhờ hỗ trợ của một dự án phi chính phủ, Trạm Y tế xã Đôn Phong được xây dựng khang trang với 8 phòng điều trị và 9 phòng làm việc. Cơ sở vật chất tốt hơn, anh Vàng tiến hành tiếp nhận và triển khai các chương trình y tế rộng khắp đưa y tế đến từng người dân. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Đôn Phong đã được triển khai đến tận các bản làng xa xôi hẻo lánh. Kết quả, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi trong xã được tiêm chủng đầy đủ hàng năm đạt từ 95 - 98%; trên 71% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và 91,5% người dân được dùng nước hợp vệ sinh...

Là trạm trưởng, ngoài khám chữa bệnh ở trạm, anh Vàng vẫn giữ thói quen thường xuyên xuống các bản vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vận động người dân giữ vệ sinh môi trường gia đình, làng bản; làm thay đổi và duy trì hành vi có lợi cho sức khoẻ, làm cho đường làng ngõ xóm ngày càng sạch sẽ.

Từ con số không, đến nay Trạm Y tế xã Đôn Phong đã trở thành trạm y tế chuẩn quốc gia và đạt tiêu chí về trạm y tế thân thiện do Sở Y tế Bắc Kạn đề ra. Cũng vì thế, người dân ngày càng tin tưởng hơn vào đội ngũ y, bác sĩ của trạm.

Y sĩ Cao Thịnh Vàng đã được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân năm 2005; năm 2011 được Bộ tặng bằng khen về công tác tiêm chủng mở rộng. Anh là 1 trong 56 gương điển hình được biểu dương trong chương trình Nghĩa tình Tây Bắc, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Ban chỉ đạo Tây Bắc. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem