Tâm lý thích con trai đã “ngấm sâu vào máu”

Diệu Linh Thứ tư, ngày 24/09/2014 06:56 AM (GMT+7)
Ngày 23.9, trao đổi với báo chí về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết: Tỷ số số mất cân bằng giới tính tại Việt Nam đang ngày càng cao, cho dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề này...
Bình luận 0

Khó vận động

Theo ông Phạm Năng An - Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số (Tổng cục Dân số -Kế hoạch hóa gia đình), sau vài năm kìm hãm được tốc độ MCBGTKS vào năm 2008-2010 với mức tăng vừa phải, đến năm 2013, tỷ lệ này lại gia tăng nhanh từ 0,8-1 điểm mỗi năm. Năm 2013, tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) là 113,8 bé trai/100 bé gái. Còn 6 tháng đầu năm 2014, tỷ số này đã nhích lên hơn 114/100 - vượt qua chỉ tiêu đề ra vào năm 2015 (khống chế tỷ số MCBGTKS dưới 112/100).

Đặc biệt, số các thành phố có tỷ số MCBGTKS cao (vượt quá tỷ số 106/100) ngày càng gia tăng. Nếu năm 1999 chỉ có 28 tỉnh, thành phố thì năm 2013 là 35 tỉnh, còn hiện nay đã lên tới 40 tỉnh, thành phố. Một số tỉnh có tỷ số GTKS đặc biệt cao như Hưng Yên (130,7/100), Hải Dương (120,2%), Bắc Ninh (119,4%)….

Vấn đề MCBGTKS của Việt Nam cũng có nhiều đặc điểm khác biệt so với các nước trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc. Tại các nước, MCBGTKS chỉ xảy ra ở nhóm phụ nữ có trình độ thấp, kinh tế khó khăn, vùng nông thôn và các lần sinh thứ 2, thứ 3. Nhưng ở Việt Nam, tình trạng này xảy ra ở khắp các vùng miền, từ thành thị đến nông thôn.

MCBGTKS cũng xảy ra ngay ở lần sinh thứ nhất (115,2/100), lần sinh thứ 2 lại thấp hơn (110,1/100). Các gia đình khá giả cũng cố đẻ con trai chẳng kém gì nhà nghèo. Phụ nữ có trình độ cao lại “khao khát” sinh con trai hơn cả.

“Điều này cho thấy, tâm lý ưa thích con trai đã ngấm sâu vào máu, trở thành hệ giá trị “thâm căn cố đế” trong suy nghĩ của người Việt, cho dù trình độ nhận thức của họ có cao đến đâu. Đồng thời, khi phụ nữ có học thức, có tiền thì càng làm tăng nguy cơ họ ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để lựa chọn giới tính thai nhi. Công cuộc vận động, tuyên truyền để thay đổi nhận thức, định kiến của người dân lại càng khó khăn hơn” – ông Tân nhận định.

Lúng túng ngăn chặn

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định, nếu không có các giải pháp quyết liệt hơn để “ghìm cương” tốc độ MCBGTKS thì “kịch bản” xấu nhất là đến năm 2050, Việt Nam sẽ thừa 2,3-4,3 triệu “chú rể”.

“Tại một số xã ở đồng bằng sông Hồng, có xã tỷ số giới tính lên đến 150 bé trai/100 bé gái. Như vậy, trong tương lai, số lượng “chú rể” sẽ gấp 1,5 lần “cô dâu”, sẽ kiếm đâu được phụ nữ để kết đôi” - Thứ trưởng Tiến nhận định. Hậu quả là nhiều nam giới sẽ lâm vào cảnh phạm pháp, cô đơn, trầm cảm, còn phụ nữ sẽ chịu nguy cơ bị cưỡng bức, buôn bán, mất bình đẳng giới, ly hôn...



Ông Phạm Năng An 
  Tỷ lệ phụ nữ độ tuổi 15-49 biết giới tính thai nhi từ năm 2006-2012 đã tăng từ 63,8% lên 81,3% nhờ công nghệ siêu âm... 
Theo ông Tân, nhiều bộ, ngành đã vào cuộc để vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu về hiểm nguy nếu xã hội thiếu “cô dâu” nghiêm trọng. Tuy nhiên, để phá bỏ những “bức tường” tư tưởng “trọng nam khinh nữ” như hiện nay cần một thời gian dài.

“Ngoài sự phối hợp đồng bộ, cam kết mạnh mẽ ở các bộ ngành, các địa phương thì lãnh đạo cũng phải làm gương. Nhưng đáng tiếc là nhiều lãnh đạo địa phương vẫn còn lén lút gửi vợ đi chỗ khác để cố sinh con thứ 3 là con trai, đẻ con rồi lại nhận con nuôi...” – ông Tân chia sẻ.

 

Thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã tiến hành nhiều cuộc thanh kiểm tra để phát hiện ra các cơ sở vi phạm trong việc “lộ” giới tính thai nhi. Nhưng cả 5-7 năm cũng chỉ mới phát hiện được 5 trường hợp (1 ở Hà Nội, 2 ở Hưng Yên, 2 ở Kiên Giang). Theo ông Tân, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cùng đã trình Dự thảo Ðề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020 với nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn việc áp dụng công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi (siêu âm, xét nghiệm máu, uống thuốc...).

“Muốn bắt quả tang lựa chọn giới tính thai nhi phải có bằng chứng. Do đó, chúng tôi kiến nghị cả công an vào cuộc, đồng thời bố trí hệ thống giám sát bằng camera công khai quá trình khám thai – các giải pháp mạnh mẽ hơn để hạn chế điều này” – ông Tân nhấn mạnh. Theo ông, cho dù nhiều người cho rằng việc kiểm soát này có tính khả thi không cao, thực hiện khó nhưng nếu thả lỏng, buông xuôi thì hậu quả còn nặng nề hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem