Cái chết của nữ sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong khiến cả xóm Thắng Thượng, xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định bàng hoàng.
|
Di ảnh của cô học trò lớp 12 Anh 2, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP Nam Định. |
Tận cùng nỗi đau
Nghe tin có người tới thăm, chị Ninh Thị Hằng, bác gái ruột của Lam (tên nhân vật, đã được đổi – PV) đang lúi húi ở ruộng rau ngoài vườn, tay còn lấm lem đất gạt nước mắt, lục tục dẫn tôi sang nhà thăm gia đình em.
“Vậy là bao công sức của bố mẹ cháu, cả những kỳ vọng vào cháu giờ thành trắng tay” – nước mắt người bác ruột gái nghẹn ngào.
Ngôi nhà nhỏ của anh Dũng, chị Nhàn (tên bố mẹ của em) sáng 2.3 lác đác lại có người sang thăm, thắp cho cô cháu gái nhỏ nén hương đau buồn.
Co ro ngồi trên chiếc ghế nhựa đặt giữa nhà, áo quần xộc xệch, giọng người bố run run khi nói về cô con gái đầu lòng: “Lần cuối cháu nói chuyện với bố, tôi hỏi con có còn tiền không, hay để bố qua đưa cho vài trăm mà tiêu. Cháu bảo thôi, đằng nào cuối tuần này con sẽ về nhà thăm bố mẹ và các em. Nào ngờ, ngày tôi định vào thăm cháu và con tính sẽ về nhà cũng là ngày con mãi mãi ra đi”.
Gần trưa 28.2, anh Dũng đang lái xe khách thuê thì có điện thoại của cô chủ nhiệm lớp 12 Anh 2 gọi báo “con anh ốm lắm, hai vợ chồng phải lên ngay”. Linh tính có chuyện chẳng lành, anh và người em trai đằng nội phóng thẳng lên trường.
Người ta bảo anh đợi ở cổng bảo vệ rồi lần khần mãi mới báo cho anh tin dữ về con. Là người mạnh mẽ vậy mà anh cũng gục ngã, khóc trong tuyệt vọng.
Mẹ em - Chị Hoàng Thị Nhàn - đã ngất khi nghe tin con mất. Chiều cho đến tối mọi người lặng lẽ đưa thi thể em về rồi đưa cháu ra đồng, chị chỉ nằm lặng ở góc giường, khóc nấc vì nhớ thương con. Mùng 7 tháng Giêng con gái chị đi học thì cũng ngày ấy tháng sau con bỏ chị mà đi.
|
Nhiều đêm đang nằm chợt tỉnh giấc, anh Dũng vẫn nghĩ “con chỉ đang nằm ngủ thôi”. |
Con ngoan đã bỏ tôi đi
Biết tin chị mất, cô em Trần Thị Hạnh hiện đang học lớp 8 Trường Chuyên huyện Nghĩa Hưng về thăm chị mấy hôm rồi lại xin bố mẹ lên trường vì sợ chẳng chịu nổi nỗi đau và nước mắt.
Mới 8 tuổi nên cậu em út của Lam tên Trần Minh Hoàng vẫn đôi mắt ngây thơ, thi thoảng lại bấu lấy chân mẹ, nép ở phía sau, len lén nhìn về phía người lạ. Em vẫn còn quá nhỏ để hiểu nỗi mất mát đi một người thân.
Chồng chạy xe khách thuê. Một mình chị Nhàn ở nhà với gần mẫu ruộng và lo cho 3 con ăn học. Người mẹ thuần nông quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Chị chỉ biết tới con trâu, thửa ruộng. Mỗi lần con về thăm nhà, chị gói gém chút quà quê cho con cùng các bạn cùng ăn. Giờ thì chị không còn được đón và tiễn con đi học nữa...
Thôi thì người ta có sữa có đường, chị chỉ ít sắn luộc lấy ở vườn, bỏng nổ bằng đậu tương của nhà cho con. “Tết này cháu bảo đã có bánh chưng, lần sau con về mẹ lại luộc sắn nhé” – người mẹ trẻ sụt sùi nhớ lại.
Thương mẹ vất vả, chị bảo “thi thoảng nó lại gọi về thủ thỉ mẹ làm vừa thôi. Bố đi làm rồi mẹ đừng để nhà trống vắng, tội các em. Sau này con lên ĐH, đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em”.
Từ ngày con đi, anh Dũng gần như không ngủ được. Bức thư con gửi cho gia đình trước khi mất anh vẫn chưa được đọc. Nó làm cho anh phải nghĩ. Nhưng là người bố, gần 20 năm nuôi con, anh tin rằng: “Nhà tôi khó khăn song chưa bao giờ để con lo chuyện tiền bạc. Bố mẹ cũng không nào mắng nhiếc con nặng lời” và cừ trằn trọc mãi lý do vì sao con bỏ anh ra đi.
Kỷ niệm ùa về
Với bố, Lam ít nói chỉ bàn chuyện thi cử, học hành còn với mẹ em tâm sự nhiều hơn. Chị Nhàn nhớ lại: “Hồi lớp 5, mình cho con lên thị trấn, thuê nhà trọ học ở trường năng khiếu của huyện. Con đang ngồi ăn bỗng nhìn ra luống rau ngoài vườn, chợt nhớ về ruộng rau của mẹ mà cháu bật khóc”.
Rồi một lần chị vô tình đọc được nhật ký của con năm lớp 8. “Cháu viết về ruộng lúa, về mẹ về màu xanh quê hương và chỉ ước ao được làm cho quê mình xanh mãi. Cháu thích ăn rau mẹ luộc, con gà mẹ nuôi chứ không thích bon chen ở phố phường”.
Đêm qua, trong lúc chập chờn giấc ngủ, hình ảnh đứa cháu “mới hôm nào còn sang ngủ với mình” lại khiến bà Hoàng Thị Dần (76 tuổi, bà nội của Lam) thức giấc.
Bà bảo anh con trai thứ hai tên Vĩnh mang con lợn tiết kiệm của cháu ra cho bà xem. Hai mẹ con cùng khóc khi đếm trong đó là hơn 300.000đ có cả tiền xu, tiền 500 đồng, 1.000 đồng cháu bỏ vào đó.
Bà Dần tâm sự: “Con bé thương bố mẹ nên sống tiết kiệm. Lần nào về nó cũng dành tiền mua quà cho các em, khi thì cái bánh lúc lại gói bim bim. Nhà tôi nghèo, thấy cháu học giỏi, ông nội mới bảo sẽ thưởng cho con 30 gói mỳ tôm/tháng. Nó cười phấn khởi lắm. Cháu tôi trong trắng, có bao giờ nghĩ tới bon chen đâu. Đến từng hào lẻ tiền bán quán của ông bà nó còn vuốt phẳng phiu để vào hộp cơ mà”.
Giờ con đã mất, người đã nằm yên dưới mộ kia vợ chồng anh Dũng chị Nhàn chẳng muốn khơi chuyện hay đòi hỏi gì ở ai. Nhưng người mẹ trẻ chỉ đau đáu một điều: “Là con gái, dù chỉ một xích mích nhỏ có thể chạm tự ái mà dẫn đến hành động bồng bột, dại khờ”.
Hơn ai hết, anh chị thấu hiểu nỗi đau người ở lại và chỉ mong mọi người cùng nhau nhìn lại chính mình để những chuyện xót xa như thế đừng bao giờ xảy ra.
Không phải vụ án hình sựThông tin từ lãnh đạo CA TP. Nam Định khẳng định, sự việc không phải án hình sự mà là một vụ tự tử của nữ sinh. Qua việc tìm hiểu nội dung hai bức di thư Lam để lại, vị lãnh đạo cũng khẳng định nội dung hai bức thư cũng không oán trách ai điều gì.
Sau khi sự việc xảy ra, đại diện gia đình đã viết đơn trình bày lên cơ quan điều tra để mong được đưa nữ sinh này về mai táng và cũng đồng tình với kết luận điều tra.
Ông Cao Xuân Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP. Nam Định - cho biết ông cũng đã đọc hai lá thứ trên: “Trong thư em gửi có nói mình không có gì sai. Nhưng những điều đó quá nhỏ và không thể là nguyên nhân dẫn tới hành động tìm tới cái chết của em”.
Theo VietNamNet
Vui lòng nhập nội dung bình luận.