Tản mạn bóng chuyền: Làm sao đổi màu huy chương tại SEA Games 32?

Nguyễn Lưu Thứ hai, ngày 30/05/2022 11:10 AM (GMT+7)
SEA Games 31 vừa kết thúc cũng là lúc ta có thể bình tĩnh để nhìn nhận lại từng vấn đề trong thành tích thể thao của nước chủ nhà, cả ưu điểm và nhược điểm, mục đích là để cùng chuẩn bị tốt hơn cho thời gian trước mắt, khi mà SEA Games 32 được diễn ra tại Campuchia đã gõ cửa.
Bình luận 0

Bóng chuyền là nội dung Olympic, rất được yêu chuộng, nghĩa là chỉ sau bóng đá trong các môn bóng. Bóng chuyền Việt Nam (BCVN) cũng thăng trầm, trăn trở trên đường phát triển và bài viết này chỉ là nét chấm phá qua suy nghĩ của một người yêu mến và biết chơi bóng chuyền từ 60 năm về trước. Thời gian có hạn vì thế người viết sẽ chỉ khoanh vùng theo mốc thời gian khoảng ngót 30 năm trở lại đây.

Từ những kỳ SEA Games

Nếu tôi nhớ không nhầm thì tấm HCB dành cho đội nữ BCVN lần đầu tiên là năm 1997 và đội nam là năm 2007. Trước giải giải vô địch BC nữ ĐNA năm ấy, tôi đã viết một bài trên báo Thể thao "Đội nữ Việt Nam chỉ cần đánh một trận" với hàm ý chúng ta hãy cố vượt để qua đội nữ Indonesia là sẽ có HCB vì Thái Lan chắc chắn sẽ nhất. Tôi không quên trước đó, nữ Thái Lan sang Việt Nam dự Cúp Mùa Xuân tại nhà thi đấu quân đội với tay chuyền hai Prim Intawong cùng HLV Thẩm Phú Mân với câu nói đáng nhớ "Tôi dạy đạo đức cho học trò".

Tản mạn bóng chuyền - Ảnh 1.

Bóng chuyền nam Việt Nam đã chơi rất nỗ lực tại SEA Games 31. Ảnh: Báo Quốc Tế

Họ đã tỏ rõ đẳng cấp rất cao rồi. Và HLV Nguyễn Mạnh Hùng đã giúp cho đội ta thắng Indonesia 3/1 để giành HCB. Tuy nhiên, tấm HCB chính thức trong khuôn khổ SEA Games thì chỉ có tại Kuala Lumpur sau trận thắng lịch sử trước Philippines vào năm 2001 với bộ 6 Thanh Hoa, Hương Giang, Trần Hiền, Lê Hiền, Kim Huệ, Đặng Thị Hồng và Libero Hương Lan. Tấm HCB ấy xem như đã được mặc định dành cho nữ BCVN dù vẫn có những trồi sụt thăng trầm, từng có cả lời khen và sự hờn dỗi.

Còn đội nam, tại SEA Games 2007 chúng ta đã thắng Thái Lan 3-0 rồi sau đó thua đậm đội Indonesia, nhận tấm HCB đầu tiên và đó cũng là kỳ SEA Games đáng nhớ của tôi với biệt danh "Oanh tạc cơ" đã đặt cho Ngô Văn Kiều. HLV Hùng "sếu" quả là người mát tay nhất trong các HLV của BCVN, chỉ 2 danh hiệu này, Nguyễn Mạnh Hùng sẽ được lịch sử BCVN ghi nhận.

Nếu với đội nữ, thời điểm này ta xem tấm HCB là sự mặc định tại khu vực thì với đội nam lại chưa chắc. Nên nhớ, Thái Lan năm nay đã không còn là Thái Lan hùng mạnh (trong ranking của FIVB họ vẫn xếp cao nhất Đông Nam Á) và đã thua cả 2 đội nam Campuchia và Việt Nam.

Một thoáng chuyên môn

Hơn 20 năm trước, BCVN bắt đầu chịu ảnh hưởng của nhiều lối chơi khác nhau. Bắt đầu là những quả đánh nhanh sau đầu ở số 2 và "món võ" ấy được xem là thời thượng. Hàng loạt chân dài Việt Nam đã kịp kết duyên với miếng đánh này: Kim Huệ, Ngọc Hoa, Trà Giang, Thu Hòa, Phạm Trang, Bé Tư, Tuyết Hoa, Kiều Trinh…đến nỗi có lần tập trung lên đội tuyển có đến 5 phụ công!

Tản mạn bóng chuyền - Ảnh 2.

Bóng chuyền nữ Việt Nam tiếp tục giành HCB tại SEA Games 31. Ảnh: Người Lao Động

Giới chuyên môn đã cảnh báo là chuyện này sẽ phá sản nếu đối phương có một dàn chắn khủng và người viết cũng vài lần lên tiếng nêu rõ mấy nguyên nhân vì sao kiến trúc sư Kiatipong đã xây dựng đội nữ chuyên lấy lối đánh từ sau vạch 3m và sự biến hóa ở khu giữa lưới làm vũ khí chính để chinh phục. Họ có chiều cao trung bình kém BCVN 1,5 cm, họ chỉ dùng 1 phụ công chủ yếu là Pleumjit (5) và hết sức phát huy các mũi chủ công Onuma, Vilawan, Malika.

Tại giải châu Á năm 2009 tổ chức ở cung thể thao Quần Ngựa, Hà Nội, Thái Lan thắng 3-1 trước nữ Trung Quốc vừa kết thúc Olympic Bắc Kinh rồi lấy HCV và xếp trên cả Nhật Bản, Hàn Quốc…, đồng thời Onuma đã nhận danh hiệu dành cho chủ công hay nhất giải. Năm nay, bộ 6 huyền thoại của Thái Lan đã nghỉ, nhưng trên bảng xếp hạng của FIVB vẫn cao ngất ngưởng.

Với phái mày râu, đã có một thời, xu hướng thích đánh giãn biên trở nên rất phổ biến, tại nhiều CLB trong nước xuất hiện những mũi đánh giãn biên trở nên quen biết như Hảo, Lễ (Seaprodex), Văn, Quang (Thể công), Sơn (Vĩnh Long), Kiếm (QĐ4), Tùng (TANB)…trong đó nhiều cú đánh chưa là giãn biên mà mới chỉ là trung biên. Trong các đội nam của BCVN lại tồn tại cái "gót A-sin" to tướng là kém bước 1, còn kém hơn cả đội nữ, đến nỗi tại SEA Games Indonesia, quân ta phải triệu chủ công Hoàng của Long An vào vai phụ để vô sân lo bước 1 cho đồng đội. Còn mỗi khi lên danh sách, liên đoàn luôn phải lưu ý đến những mũi đánh nào có khả năng bước 1, ví dụ như Thành Hạc.

SEA Games 31

Kết quả thi đấu với 2 HCB của nam và nữ có vẻ làm hài lòng chúng ta. Tuy thế, nếu chịu khó nghiêm túc xem xét từng vấn đề sẽ thấy BCVN còn rất nhiều cái phải làm và phải rút kinh nghiệm sau 2 tấm HCB này.

Hãy nói về đội nữ. Giành HCB là đáng khen, nhưng diện mạo của đội tại trận chung kết đã bộc lộ nhiều nỗi lo. Lối đánh bế tắc, cách dùng người khó hiểu và tâm lý bạc nhược nên chúng ta đã bị thua đậm.

Tản mạn bóng chuyền - Ảnh 3.

Bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn thua kém Thái Lan về đẳng cấp. Ảnh: SEA Games 31

Về nhân sự, đối chuyền Bích Tuyền còn cần được rèn giũa thật nhiều, Nguyệt Anh đánh tốt ở CLB song chưa phù hợp cấp đội tuyển, Nguyễn Thị Uyên có nét song cũng nhiều lần "dại bóng" còn Kim Liên xem ra không bắt kịp đồng đội nữa rồi.

Không hiểu sao mà từ hiệp 2, các tay đánh Việt Nam chơi như người mất hồn, trên màn ảnh nhỏ thấy Bích Thủy, Nguyễn Thị Trinh ngơ ngác nhìn nhau mà thấy thương. Đơn điệu quá, cả trận không có lấy một cú lao ngắn nào, tôi không hiểu nổi.

Đội nam là chuyện dài. Chúng ta đã chấp nhận một HLV có trình độ quá bình thường song chủ quan, nêu quan điểm sẽ vô địch, trong khi mà thực tế lại khác hẳn. Hình như người ta chỉ ưa cao và mạnh, quá thích nhảy phát và đánh sau vạch 3m mà nói vui thì bảo "chiến đấu mà họ chỉ lo đại bác rồi quên hẳn súng ngắn".

Bước 1 rất tiến bộ còn những tay đánh trẻ như Quản Trọng Nghĩa, Quốc Duy là đáng khen nhưng cũng như đội nữ, chúng ta còn quá ít thành công bằng những miếng đánh nhỏ, tinh tế, không có lao ngắn, không biết phát bay, phí sức đến mức bỏ chắn, vài cầu thủ bị trúng đòn gây choáng phải khiêng ra như Trực, Hoàn. Nếu nữ Thái Lan đã vượt qua nữ BCVN một cái đầu thì nam Indonesia cũng y như thế.

Tôi đặc biệt lưu ý với họ, tại SEA Games này, nam Indonesia kết hợp cả lối đánh tầm cao và lối đánh tầm thấp, ngoài khả năng tấn công sau vạch 3m, những cú đánh tầm thấp của Rivan (12) từng được xem như "cú đánh một tiếng" (bóng chạm tay gần như cùng lúc bóng chạm sàn) và đóng ngay xuống chân số 4 bên sân kia, thường khiến dàn chắn đối phương bị treo, tuy thế HLV ta chưa hề có phản xạ để cải thiện tình hình. Thua Indonesia đến hơn chục điểm ở cả hai hiệp sau đã làm buồn lòng nhiều người hâm mộ.

Rèn quân trước SEA Games 32

Nói theo lối cổ thì như thế, với thể thao đỉnh cao cũng có thể là như thế. Các HLV của chúng ta nhiều người từng là những cầu thủ giỏi. Họ đã rất cố gắng nhưng không phải lúc nào cũng đạt được điều mong muốn, vì nhiều lý do khác nhau.

Điều dễ thấy, vẫn tồn tại ở môi trường thể thao xứ ta là chủ nghĩa kinh nghiệm: Nhìn trò là biết thày. Với bóng chuyền, thời gian tập không bóng là quá ít so với yêu cầu. Vì thế điểm yếu thể lực nên là số một, khả năng xoay trở chậm là số hai và cốt tử là tư duy trên sân. Một ví dụ dễ thấy, trong khi một libero Việt Nam thường nhanh nhẹn khi cứu bóng, ngã xoài hay lăn lộn (rất được ngợi khen) thì libero Thái Lan hay Nhật rất ít khi ngã, nhưng họ đã biết phán đoán đúng hướng bóng khi đối phương sắp ra đòn để di chuyển tới chỗ cần.

Tản mạn bóng chuyền - Ảnh 4.

Bóng chuyền nam cần phải cố gắng vượt bậc nếu muốn chơi sòng phẳng với Indonesia. Ảnh: Người Lao Động

Xem các trận đấu tại giải VĐQG, có lẽ suất libero của đội nữ nên chọn Thanh Liên và Lyly là ổn. Tôi không hiểu vì sao đội nữ mất hẳn cú lao ngắn rất lợi hại, dù trước đây hai HLV giỏi là Phạm Văn Long và Nguyễn Tuấn Kiệt từng xử lý thành công với đội tuyển? Từ đây sẽ gợi ra vấn đề lựa chọn thuyền trưởng cho hai đội tuyển.

Vụ việc của Từ Thanh Thuận ở đội nam, nên được rút ra bài học về dùng người, nếu không nhìn thấy chủ nhà SEA Games 32 là Campuchia cũng thắng Thái Lan tại SEA Games 31 và năm tới, chắc gì Thái Lan vẫn đem đội hình rệu rạo đến đó? Hai đội nữ Malaysia và nhất là Indonesia chắc chắn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để cho lần tái đấu BCVN tại SEA Games tới, hứa hẹn không quá dễ dàng như vừa qua. Vì thế, rất cần thiết là một hội thảo kỹ lưỡng về chuyên môn, tập trung cho 2 đội tuyển và sau đó, nói như Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 Trần Đức Phấn tại lễ mừng công tấm HCV môn bóng bàn thì chúng ta phải nhanh chóng và nghiêm túc có danh sách đội tuyển rồi tập và tập. Trong thành công, BCVN còn nhiều việc phải làm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem