Lăng Ông Nam Hải - Gành Hào (nằm ở thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) là thiết chế văn hóa thuộc tín ngưỡng dân gian của ngư dân ở địa phương, được khai lập từ rất xa xưa.
Tại Lăng ông Nam Hải (Bạc Liêu) đang lưu giữ bộ da cá nhám voi (hay cá mập Voi, tên gọi dân gian là da cá Ông) đạt kỷ lục Việt Nam. Năm 2003, được địa phương lập lại để thờ thần Nam Hải (tức cá Ông Voi).
Cổng vào Lăng ông Nam Hải (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu).
Lăng Ông Nam Hải - Gành Hào thờ thủy tổ ngư nghiệp. Đồng thời, cũng chính là thủy tổ chung của các ngư dân biển Đông Hải - Bạc Liêu.
Ngư dân tôn thờ thần Nam Hải bởi họ tin rằng khi trời giông bão, sóng to gió lớn, bao giờ cá Ông cũng giúp đỡ ngư dân thoát nạn nơi biển cả mênh mông.
Nơi đây còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa rất quý giá, với hơn 20 bộ xương cá Ông được ngư dân đem vào lăng Ông để thờ.
Lăng Ông Nam Hải được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng phân cấp lễ hội cấp huyện, Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải diễn ra từ ngày 9 - 11/3 âm lịch hàng năm.
Ngày 18/5/2010, ngư dân thị trấn Gành Hào phát hiện 1 cá nhám Voi “lụy” ngoài biển khơi. Cá này dài 9,7m, vòng bụng trên 5m, nặng khoảng 13 tấn.
Sau đó, Viện Hải dương học Nha Trang ướp hóa chất bảo quản, xử lý lấy da nhồi bông, trưng bày ngay tại Lăng Ông Nam Hải.
Tháng 4/2013, bộ da cá Ông này được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập lớn nhất Việt Nam.
Truyền thuyết về cá Ông: Trên đường xuôi về Nam bôn tẩu, chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn rượt đuổi. Bất ngờ có cơn bão lớn ập đến, thuyền của chúa Nguyễn bị tròng trành, sắp đắm. Bỗng đâu ở dưới nước xuất hiện cá Ông đỡ thuyền chúa Nguyễn đưa vào bờ.
Sau khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long nhớ ơn cứu giá liền phong cho cá Ông tước vị “Nam Hải Cự Tộc, Ngọc Lân Thượng Đẳng Thần” và truyền dụ cho các làng chài mà thuyền rồng xưa từng cập bến lặp lăng, dựng miếu để phụng thờ.
Đến đời vua Thiệu Trị sắc phong cho cá Ông tước: “Đông Hải Động Đình Quân Xích Lân Trung Đẳng Thần”.
Phần xương đầu cá Ông đang được lưu giữ tại Lăng ông Nam Hải.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.