Choáng ngợp với “biệt thự” gỗ
Những ngày đầu tháng 5.2012, chúng tôi từ Tam Kỳ ngược lên Nam Giang đi tìm những ngôi nhà sàn gỗ bạc tỷ như lời đồn tại đây. Anh Pnước Pim - Phó Công an xã Tà Pơơ, khẳng định đây không phải là lời đồn, và đồng ý dẫn đường cho chúng tôi thâm nhập vào thế giới này.
|
Ngôi nhà của gia đình Zơrâm Cóc đang được dựng lên với số lượng gỗ quy mô như một xưởng cưa. |
Sau hơn 1 giờ đồng hồ, vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo, đồi núi cao ngút, vừa đến đầu thôn 2, chúng tôi đã thấy choáng ngợp bởi nơi này như một đại công trường. Những ngôi nhà gỗ hoành tráng được dựng lên, đặc biệt là ngôi nhà mà theo người dân là của...
Bí thư xã Tà Pơơ. Nhà này 2 tầng được làm toàn bằng gỗ quý, đang cửa đóng im ỉm. Theo anh Pnước Pim: “Do chưa coi được ngày tốt để dọn về ở nên chủ nhà vẫn đóng cửa”. Tiếp vài bước nữa, cũng một ngôi nhà 2 tầng đang trong giai đoạn thi công, qua tìm hiểu được biết nhà này là của... mẹ Bí thư xã Tà Pơơ.
Càng đi sâu vào trong làng, cảnh tượng người dân đua nhau làm nhà sàn gỗ càng nhiều. Cả thôn 2 này trở thành một công trường cưa xẻ gỗ. Chúng tôi tấp vào một ngôi nhà có thể nói là to nhất, đẹp nhất ở vùng này, đó là nhà của anh A Lăng Biên. Lúc này, anh Biên đã đi rẫy, chỉ còn vợ ở nhà.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Bí thư xã Tà Pơơ là người ở thôn 2. Chuyện người dân đua nhau đốn gỗ làm nhà như vậy, tất nhiên là ông biết, nhưng sở dĩ ông khó ngăn cản họ vì chính ông cũng làm như họ. Biết đâu, vì ông làm như vậy mà đồng bào “học tập” theo?
Nữ chủ nhân ngôi nhà cho biết: “Nhà mình đã làm xong và vợ chồng mình đã chuyển về ở được vài ngày rồi. Ở nhà mới thích lắm. Nhưng tiền công làm nhà cao quá, đến bây giờ ngôi nhà này đã “ăn” hết của vợ chồng mình hơn 700 triệu đồng, chưa tính tiền gỗ, vì gỗ ở trên rừng, vợ chồng mình chỉ có việc đốn rồi thuê người vận chuyển về cưa ra thôi”.
Khi chúng tôi hỏi: Gia đình mình nhận tiền đền bù của thủy điện được bao nhiêu? Chị này cho biết: Nhà mình nhận được có 800 triệu đồng. “Sao không gửi ngân hàng lấy lãi nuôi con ăn học mà làm nhà hết, sau này lấy gì sống?”.
Chị trả lời thẳng thừng: “Mình cũng muốn gởi tiết kiệm lắm, nhưng chồng mình không cho. Ổng nói tiền của mình mình tiêu chứ mắc gì phải đưa cho ngân hàng họ tiêu. Bây chừ mình đổi đời rồi, mình ưng làm chi mình làm...”. Nhìn ngôi nhà gỗ 2 tầng khang trang của vợ chồng anh Biên, ai nấy phải trầm trồ khen đẹp. Nếu như ngôi nhà này được dựng dưới đồng bằng, ước tính giá trị cả chục tỷ đồng.
Nhà càng to, rừng càng mỏng
Rời ngôi nhà của vợ chồng anh Biên, chúng tôi được Pnước Pim dẫn đến ngôi nhà của anh Alăng Chốc (30 tuổi). Tại đây chúng tôi mới biết đồng bào thiểu số nơi đây ăn chơi chẳng thua gì đồng bằng.
Phá rừng do chê gỗ hỗ trợ kém (!?)
Ông Tơ Ngôl Kía - Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ - cho biết: Do nằm trong quy hoạch xây dựng Thủy điện Sông Bung 4, nên tất cả 4 thôn của xã đều bị ảnh hưởng. Trong đó, tổng số tiền người dân thôn 2 được đền bù, hỗ trợ đến thời điểm này là trên 100 tỷ đồng. Các hộ được đền bù nhiều nhất là hộ ông Zơrâm Tình 4 tỷ đồng, đại gia đình ông Ploong Dương trên 8 tỷ đồng… Với số tiền trên, người dân không biết làm gì nên mới đua nhau xây nhà. Nhiều trường hợp bà con chê nguồn gỗ được hỗ trợ kém nên đã tự ý vào rừng khai thác gỗ về làm nhà. Loại gỗ đang được bà con chọn làm nhà gồm táu, giổi, gõ, xoan đào... Theo quy định mỗi nhà chỉ được 10m3, nhưng có nhà làm đến gần 50m3, gây nên sự lãng phí và dẫn đến tình trạng xâm hại rừng. Trước sự việc, trên chúng tôi đã nhiều lần họp dân để tuyên truyền, tuy nhiên tuyên truyền xong trở về người dân lại tự ý đốn hạ cây rừng. Vì đường vào đó xa nên chúng tôi khó quản lý được.
Vừa gặp chúng tôi, anh Chốc vui mừng kể: “Nhà mình mới hoàn thiện ngày hôm qua, đang coi ngày để dọn về ở. Tiền đền bù hỗ trợ được bao nhiêu, vợ chồng mình dồn hết vào làm căn nhà này”. Bên trong ngôi nhà, những nét hoa văn được chạm khắc tinh xảo tỏ rõ “đại gia” này khá “biết chơi”.
“Ngôi nhà này của em chưa tính tiền vật liệu, chỉ riêng tiền công cho thợ đã trên 600 triệu đồng đó anh”. Nghe Chốc nói vậy, tôi nhẩm tính, nếu cộng tất cả vật liệu gỗ quý này và các khoản phí khác, ngôi nhà này chắc chắn trên 1 tỷ đồng.
Dọc theo đoạn đường chưa được 1km của thôn 2 nhưng không khí làm nhà như đang vào mùa “hội”. Ở địa phương, thợ không đủ để đáp ứng nên các hộ dân ở đây phải thuê từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế vào làm. Hàng chục ngôi nhà đã hoàn thành, còn lại đa số đang trong giai đoạn xây dựng.
Có lẽ choáng nhất đối với chúng tôi là ngôi nhà đang xây dựng của gia đình Zơrâm Cóc (21 tuổi). Tại đây, một tốp thợ đang hối hả thực hiện các công đoạn chế tác gỗ để kịp dựng nhà theo yêu cầu của gia chủ.
Bà con địa phương kháo nhau rằng nhà của gia đình Zơrâm Cóc xây to nhất, đẹp nhất và cũng tốn kém nhất trong khu tái định cư, ước tính số tiền làm nhà phải đến hàng tỷ đồng. Riêng khối lượng gỗ được Cóc cho tập kết về nơi đây đã trên 50m3.
Cóc cho biết: “Hằng ngày, gia đình giao nhiệm vụ cho mình ra “công trường” trông coi, đôn đốc thợ làm việc để kịp dựng nhà. Số tiền đầu tư làm nhà bao nhiêu chưa thể tính toán cụ thể được. Mình chỉ mong căn nhà sớm được dựng như dự tính thì mới yên cái bụng. Có tiền thì mình mạnh dạn làm nhà cho to, cho đẹp chứ để tiền nằm trong túi tiêu riết rồi cũng hết”.
Theo người dân địa phương, toàn bộ gỗ làm nhà tại thôn 2 được lấy từ rừng tự nhiên tại địa phương. Đây quả là một cuộc tàn sát rừng do chính tay những người dân địa phương gây nên.
Trương Hồng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.