Phạm vi điều chỉnh được đưa ra trong dự thảo Pháp lệnh là các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức cá nhân cư trú, nhập cảnh, quá cảnh và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Dự thảo Pháp lệnh quy định chi tiết việc sử dụng, cấp phép, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; việc vận chuyển, điều kiện được nổ súng… trong hoạt động của các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng.
|
Công an tiếp nhận vũ khí do người dân giao nộp. |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình cho rằng, phạm vi điều chỉnh như dự thảo là quá rộng. Ông Bình đề nghị pháp lệnh này chỉ điều chỉnh các loại vũ khí trang bị cho cá nhân (loại vũ khí mà nếu lọt vào tay tội phạm và những phần tử xấu để hoạt động phi pháp thì có thể gây nguy hại cho xã hội).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng pháp lệnh này không nên quản lý việc sử dụng vũ khí trong quân đội, công an mà chỉ nên quy định về vũ khí quân dụng trôi nổi, súng thể thao, các vũ khí thô sơ và vật liệu nổ ở các doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng, pháp lệnh chỉ nên điều chỉnh việc quản lý vũ khí cá nhân, không nên điều chỉnh việc quản lý vũ khí trong công an và quân đội. “Mục tiêu của pháp lệnh là đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong thời bình, chứ không phải là tình huống khẩn cấp để tác chiến phòng thủ” – ông Sơn nói.
Phó Chủ tịch QH đánh giá, pháp lệnh này có tính chất đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, tính mạng từng người nên phải được gấp rút hoàn thiện và sớm được ban hành nhưng chất lượng phải vẫn đảm bảo.
Tờ trình của Chính phủ cho thấy, trong 12 năm qua cả nước xảy ra 4.535 vụ, làm 1.737 người chết và 2.352 người bị thương. Trong đó: Dùng vũ khí, vật liệu nổ gây án là 1.165 vụ làm 356 người chết, 697 người bị thương; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép là 450 vụ, làm chết 109 người, bị thương 137 người.
Một số lượng súng hơi, công cụ hỗ trợ đã được một số tổ chức, cá nhân mua và sử dụng hợp pháp trước khi Nhà nước có chủ trương quản lý vẫn còn tồn tại. Đặc biệt súng săn tự chế của đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, song do phong tục, tập quán nên không thu hồi được.
Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.