“Xin chịu chết”Bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, theo dự thảo thông tư mới, sẽ có 19 loại thuốc bị giảm mức chi trả từ 100% xuống còn 50%. Đây là các thuốc nằm trong nhóm điều trị ung thư và viêm khớp dạng thấp. Theo bà Hương, thuốc điều trị ung thư chiếm chi phí rất lớn trong tiền chi trả BHYT, đe dọa vỡ quỹ, vì thế cần phải hạn chế.
Cụ thể, có 13 thuốc khác đang được thanh toán 100% nhưng bị hạn chế giới hạn chi trả xuống còn 50%. Ví dụ như thuốc Erlotinib dạng uống điều trị ung thư phổi có chi phí hơn 40 triệu đồng/tháng điều trị. Thuốc Gefitinib uống điều trị ung thư phổi cũng chi phí hơn 36 triệu đồng/tháng. Thuốc Sorafenib điều trị ung thư tế bào chi phí tới 118 triệu đồng/tháng… Một số thuốc khác bị giảm chi trả xuống còn 30% như Peginterferon dạng tiêm chi phí khoảng 100 triệu đồng/đợt điều trị 6 tháng.
Bệnh nhân đang chờ hóa trị tại Bệnh viện K T.Ư.
Ngoài ra, còn 4 loại thuốc điều trị ung thư mới đưa vào trong danh mục cũng bị hạn chế chi trả 50%. Như Cetuximad truyền tĩnh mạch dùng để chữa ung thư đại trực tràng di căn và ung thư tế bào vẩy vùng đầu cổ, có chi phí tới 600 triệu đồng cho một liệu trình điều trị 8 tuần; thuốc Transtuzumab truyền tĩnh mạch dùng để điều trị ung thư vú giai đoạn sớm, ung thư dạ dày giai đoạn tiến xa/di căn, chi phí từ 200-800 triệu đồng/năm tùy theo liệu trình điều trị. Như vậy tính ra, các bệnh nhân sẽ phải tự móc tiền túi hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng cho một đợt điều trị tùy bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) đang điều trị di căn ung thư vú tại Bệnh viện K T.Ư, khi nghe thông tin về việc một số loại thuốc điều trị ung thư sẽ bị BHYT giảm chi trả xuống 50% đã rơm rớm nước mắt. Bà cho biết, tuy bà thuộc diện nghèo, được bảo hiểm chi trả tới 95% nhưng 2 năm điều trị ung thư cũng đã tiêu tốn hơn 200 triệu đồng, gia đình đã khánh kiệt. “Giờ tiền ăn của tôi còn phải tằn tiện, kiếm đâu ra 15-20 triệu tiền thuốc mỗi tháng bây giờ. Nếu vậy thì tôi chỉ đành chịu chết” – bà Hải chia sẻ.
Đảm bảo đủ thuốc Đứng trước lo ngại về những khó khăn của người bị ung thư, bà Hương cho biết, nhóm thuốc điều trị ung thư do BHYT thanh toán có tới 57 loại, đảm bảo điều trị cho bệnh nhân, vẫn được thanh toán 100%. Những thuốc đề nghị hạ mức thanh toán không phải là thuốc phổ thông mà là những thuốc mới, BHYT đưa vào là muốn tạo điều kiện cho người dân được cập nhật sử dụng các thuốc mới. Ngoài ra, các thuốc ít sử dụng cũng được hạn chế chi trả.
Dự thảo Danh mục thuốc bảo hiểm y tế mới sẽ dự kiến loại bỏ 106 hoạt chất và 139 thuốc, bao gồm những thuốc hiệu quả điều trị không rõ ràng, thuốc hỗn hợp vitamin dạng phối hợp đa thành phần không phải dạng truyền thống... Như vậy, dự kiến danh mục thuốc thanh toán BHYT sẽ còn khoảng 833 hoạt chất và hơn 1.000 thuốc.
|
Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết, chi phí cho các thuốc ung thư do BHYT chi trả trong năm 2013 chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng số tiền thuốc mà BHYT chi trả. Không ít bệnh nhân đã điều trị trong vòng 1-2 tháng, tiêu tốn tới 300-600 triệu đồng nhưng cũng tử vong.
Lại có thuốc chi phí rất lớn nhưng hiệu quả điều trị không phù hợp. Do đó, cần phải có những cân nhắc, điều chỉnh để Quỹ BHYT không bị thâm hụt. Tuy nhiên, Hội đồng y khoa đã có những cân nhắc thận trọng để chỉ giảm mức thanh toán 50% đối với những loại thuốc ít sử dụng, không hiệu quả chứ không hạn chế thuốc cũng như cơ hội điều trị của những người bị bệnh hiểm nghèo.
Theo bà Hương, dự thảo thông tư cũng tăng danh mục thuốc giới hạn chỉ định từ 6 loại lên 34 loại với các quy định bệnh nào được chỉ định dùng thuốc, mức thanh toán bao nhiêu… “Điều này sẽ giúp ngành y tế tăng cường kiểm soát việc sử dụng thuốc, hạn chế lạm dụng” – bà Hương cho biết.
Diệu Linh (Diệu Linh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.