Tăng giá điện nhưng EVN vẫn lỗ?

An Thanh Thứ sáu, ngày 22/03/2019 06:00 AM (GMT+7)
Giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 vừa được điều chỉnh tăng 8,36%, tương đương 1.864,44 đồng/kW giờ (chưa bao gồm thuế VAT), tăng giá nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn lỗ.
Bình luận 0

img

Thu 20.000 tỷ đồng, nhưng phải chi 21.000 tỷ đồng

Cục trưởng Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, có nhiều yếu tố tác động tăng giá điện, trong đó quan trọng nhất là giá nguyên liệu đầu vào. Năm 2019, chúng ta chính thức thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với than làm giá than tăng.

Từ ngày 5.1, giá than bán cho sản xuất điện đã tăng từ 2,61 đến 7,67% tùy loại, làm tăng chi phí phát điện năm 2019 lên khoảng 3.000 tỷ đồng. Tới đây, giá than cũng sẽ được tiếp tục điều chỉnh bước hai đồng thời với giá điện. Cụ thể, giá than của Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ tăng 3,77% và than Đông Bắc tăng khoảng 5%, khiến chi phí phát điện năm nay ước tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng.

Mặt khác, do than trong nước không đủ, một số nhà máy điện than sẽ phải sử dụng trộn than nhập khẩu. Tương tự với giá khí, cũng từ ngày 20.3, giá khí bán cho nhà máy điện trong bao tiêu sẽ được chuyển sang bán với giá thị trường. Điều này cũng khiến cho chi phí sản xuất điện năm 2019 dự kiến sẽ tăng hơn 5.800 tỷ đồng so năm trước. Cộng thêm nhiều chi phí của ngành điện hiện được tính bằng ngoại tệ như vốn vay nước ngoài, giá khí trả bằng USD, từ đó, theo tính toán, việc trượt tỷ giá sẽ tăng khoảng 1,36%.

Như vậy, theo tính toán EVN phải chi trả chi phí đầu vào tăng thêm gồm than 7.000 tỉ đồng, chênh lệch giá khí bao tiêu gần 6.000 tỉ đồng, chênh lệch tỉ giá là 3.825 tỉ đồng cùng các khoản khác... với tổng số tiền lên tới 21.000 tỉ đồng. Theo đó, lần tăng giá điện này EVN thu thêm 20.000 tỷ đồng nhưng sẽ chi 21.000 tỷ đồng, tính ra…vẫn lỗ.

EVN chưa thể bù lỗ

EVN hiện có 3 tổng công ty phát điện (GENCO 1, 2, 3) thuộc lĩnh vực sản xuất điện năng, 5 tổng công ty điện lực kinh doanh điện năng đến khách hàng là Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC),Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN HANOI), Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN HCMC).

Phụ trách lĩnh vực truyền tải điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện nay là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT), được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 4 công ty truyền tải (Công ty Truyền tải 1, 2, 3, 4) và 3 Ban quản lý dự án (Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, Trung, Nam). 

img

Đến nay, các khoản chi phí liên quan đến sản xuất kinh doanh điện bao gồm các thành phần chủ yếu là: Chi phí khâu phát điện; Chi phí khâu truyền tải điện; Chi phí khâu phân phối; Chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành; Bù giá cho các huyện, xã đảo.

Tưởng như đợt tăng giá điện này đã giúp EVN “cắt lỗ”.

Tính tới năm 2017, doanh thu bán điện và thu nhập từ một số hoạt động liên quan khác của EVN đạt 294.069 tỷ đồng. Sau khi trừ đi tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện trong năm là 291.278,46 tỷ đồng, EVN báo lãi 2.792,08 tỷ đồng. Nhưng đó là đang treo gác các chi phí liên quan đến chênh lệch tỷ giá. Khoản chi phí này, tính đến năm 2016, đã lũy kế lên tới 9.795 tỷ đồng, gấp tới gần 5 lần kết quả sản xuất kinh doanh điện trong kỳ mà EVN đã đạt được (năm 2017 số liệu này chưa được công bố).

Theo báo cáo của EVN thì họ đang lỗ, lâu nay chúng ta dùng giải pháp tăng giá điện lên để bù lỗ nhưng nhiều lần rồi tới nay vẫn chưa bù được. EVN vay ngoại tệ để mua sắm; máy móc, than, dầu khí từ quốc tế thì phải theo giá quốc tế. Nhà nước phải điều chỉnh giá vừa đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp vừa đảm bảo lợi ích người dân. Dù là nguyên nhân khách quan, thì với số tiền lớn như vậy cũng phải phân bổ theo từng thời kỳ, để điều chỉnh bù giá cho hợp lý.

Nếu không kiểm soát được chi phí hợp lý thì vừa tăng giá lần này, lại đối mặt với tăng giá đợt tiếp theo. Mà việc tăng giá điện sẽ gây tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời, hợp lý nhằm hạn chế tác động tiêu cực, kiểm soát tốt lạm phát, tạo điều kiện để kinh tế tiếp tục phát triển bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem