Tăng học phí từ 1-7: Nhiều gia đình khó kham nổi

Thứ hai, ngày 17/05/2010 06:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo Nghị định 49 của Chính phủ ban hành hôm 14-5, từ 1 - 7 sẽ áp dụng mức học phí mới cho tất cả các cấp học. Riêng học phí mức cao nhất ở đại học công lập tăng lên 340.000 đồng/tháng và sẽ tăng dần theo từng năm.
Bình luận 0
img
Tăng học phí, nhiều gia đình ở nông thôn sẽ khổ hơn khí "theo" con vào đại học.

Mặc dù việc tăng học phí đã có lộ trình, nhưng nhiều phụ huynh, học sinh vẫn lo ngại vì chưa kịp chuẩn bị sẵn sàng cho một đợt tăng học phí mới...

Giật mình vì học phí tăng

Nghị định 49/2010 quy định cụ thể về về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ nay đến năm học 2014-2015.

Theo đó, trong năm học 2010-2011, y dược sẽ là nhóm ngành có mức học phí cao nhất: 340.000 đồng/tháng; nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật là 310.000 đồng/tháng. Khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông lâm, thuỷ sản sẽ có mức học phí thấp nhất là 290.000 đồng/tháng.

Nghị định 49/2010 của Chính phủ quy định 9 đối tượng được miễn học phí, trong đó có học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa, bị tàn tật, khuyết tật..., học sinh có cha mẹ thường trú tại các xã khó khăn. Những đối tượng này còn được hỗ trợ trực tiếp 70.000 đồng/tháng để mua sách vở, đồ dùng trong thời gian không quá 9 tháng mỗi năm học. Học sinh tiểu học và sinh viên sư phạm cũng được miễn học phí.

Đến năm học 2014 - 2015 mức học phí đại học sẽ từ 550.000 - 800.000 đồng/tháng. Học phí hệ Trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ lần lượt bằng 70%, 80%, 150% và 250% mức thu này.

Trước thông tin tăng học phí, chị Tịch Thị Hoa (thôn 8, Tam Linh, xã Nga Thắng, Nga Sơn, Thanh Hoá) lo ngại không nuôi nổi cô con gái đang chuẩn bị thi vào Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương nếu cháu đỗ. Khi con chị làm hồ sơ cũng chỉ là theo sở thích, hầu như không để ý đến việc trường đó có công khai học phí trên trang web hay không.

“Tôi giật mình khi biết học phí của ngành y dược thuộc diện cao nhất và sẽ tăng lên 800.000 đồng/tháng - chị nói. So với thu nhập hàng tháng của vợ chồng tôi (gần 2 triệu đồng) thì học phí cho con đã hết một nửa. Nếu cộng cả tiền ăn, học của con thì có lẽ vợ chồng tôi và 2 đứa em nhịn miệng cho nó đi học”.

Tăng tiền, có tăng chất lượng?

Theo khảo sát của NTNN, nhiều bậc cha mẹ cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, giá cả rất nhiều thứ tăng thì “học phí tăng cũng có thể chấp nhận được”. Tuy nhiên, điều mà họ băn khoăn nhất là liệu học phí tăng, chất lượng dạy và học có tăng như mong muốn?

Ông Lê Huy Phát - Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam cho biết: “Việc tăng học phí đã có lộ trình từ trước, bây giờ các trường chỉ thực hiện từng bước theo quy định của bộ. Trường cũng đã thực hiện công khai mức học phí trong năm học mới trên mạng trước kỳ tuyển sinh, các thí sinh có thể tham khảo và lượng sức mình khi gửi hồ sơ dự thi”.

Trước câu hỏi liệu học phí tăng có tăng chất lượng đào tạo, ông Phát không trả lời thẳng mà chỉ ngập ngừng: “Học phí tăng, chúng tôi cũng đã có kế hoạch sửa sang trường lớp, mua sắm trang thiết bị. Ngoài học phí ra các em sẽ không phải đóng bất kỳ một khoản nào khác”.

Ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD - ĐT) thì khẳng định: Tăng học phí nhằm giúp các trường có thêm kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập. Bộ cũng đã yêu cầu phải công khai chất lượng đào tạo của trường học.

“Nếu trường nào không đảm bảo chất lượng mà thu học phí cao sẽ phải điều chỉnh lại hoặc bị đình chỉ hoạt động”- ông Nguyễn Văn Ngữ nói.

Từ một khía cạnh khác, ông Huỳnh Văn Hoa - Giám đốc Sở GD - ĐT TP.Đà Nẵng cho biết: “Tăng học phí theo lộ trình là hợp lý và góp phần đảm bảo được chất lượng dạy, học. Tuy nhiên phải có cơ chế tuyên truyền sâu rộng và công khai đến người dân để họ chuẩn bị tâm lý và có sự lựa chọn, không để cứ mỗi lần nói tăng học phí là cả phụ huynh và học sinh đều phải kêu trời”.

* Việc tăng học phí đại học và cao đẳng là việc cực chẳng đã phải làm. Hiện nay, mức đầu tư của nhà nước cho 1 sinh viên/năm chỉ dao động từ 2-3 triệu đồng. Nhiều sinh viên than vãn với chúng tôi rằng, trước đây 1 sinh viên được mổ 1 con ếch làm thí nghiệm; đến nay 5 em mới được mổ 1 con; 20-30 em mổ chung một con chó. Với mức thu học phí hiện nay khoảng 2-3 triệu đồng/em/năm để chi trả cho lương giáo viên, xây dựng, dụng cụ học tập như hiện nay là rất khó khăn.

Vì vậy, nếu không tăng học phí thì không có cách nào khác. Tăng học phí bậc đại học sẽ có điều kiện để miễn, giảm học phí ở bậc phổ thông. Việc tăng học phí tới đây sẽ tác động lớn đến sinh viên nông thôn. Vì vậy, theo tôi Chính phủ cần nghiên cứu để tăng mức trợ cấp xã hội và cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên. Nếu cho vay 800.000 đồng/tháng, sau khi nộp học phí, học sinh sinh viên vẫn chưa thể đủ sống được. Ngoài ra, học bổng cho học sinh, sinh viên cũng nên được tăng lên.

* "Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, dù các cháu đi học được giảm học phí nhưng hiện chúng tôi vẫn phải chu cấp cho 3 cháu đi học là 2,5 triệu đồng/tháng. Vợ chồng tôi đã phải vay vốn hỗ trợ sinh viên của nhà nước, vay mượn tiền của họ hàng. Giờ học phí tăng thêm 30-40%, tôi phải chi thêm 100.000-200.000 đồng/tháng cho mỗi đứa, thực sự là vất vả quá. Đề nghị nhà nước nghiên cứu cho vay thêm hoặc hỗ trợ đối tượng học sinh cận nghèo”.

* "Là sinh viên ở quê Quảng Bình ra học, mặc dù đã rất tiết kiệm nhưng mỗi tháng tôi cũng phải chi tiêu và đóng tiền học hết gần 2 triệu đồng. Giờ tiền học phí lại tăng, gia đình tôi chắc khó kham nổi, vì ở nhà bố mẹ chỉ làm nông nghiệp, lại còn em nhỏ đi học".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem