Tăng lãi suất huy động, ổn định lãi vay: Ngân hàng nói về gì kế hoạch lợi nhuận 2022?

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 23/09/2022 19:46 PM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng, quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến cho tỷ lệ thu nhập lãi thuần toàn ngành thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngân hàng thương mại vẫn tự tin hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Bình luận 0

Kể từ 23/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, trong đó lãi suất tái cấp vốn tăng từ mức 4,0% lên 5,0%, lãi suất tái chiết khấu tăng từ mức 2,5% lên 3,5%, trần lãi suất cho vay qua đêm và thanh toán bù trừ tăng từ 5,0% lên 6,0%.

Cùng với đó, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4,0% lên 5,0%.

Ngân hàng thương mại tăng lãi suất, nhưng "quyết" ổn định lãi vay

Ngay lập tức, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động khi quyết định của NHNN có hiệu lực.

Tại KienlongBank, nhà băng này tăng lãi suất huy động tiền gửi với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, mức lãi suất được điều chỉnh từ 0,3-1%/năm. Theo đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng lên tới 5%/năm.

Đối với với kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng (từ 1 tháng đến 5 tháng), mức lãi suất huy động sau điều chỉnh tăng kịch trần lên đến 5%/năm so với mức 4%/năm ở chu kỳ trước.

Đáng chú ý hơn, với các khoản tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng, KienlongBank cũng điều chỉnh tăng 0,3 điểm %, nâng mức lãi suất lên đến 0,5 điểm %.

Tăng lãi suất huy động, ổn định lãi vay: Ngân hàng nói về kế hoạch lợi nhuận 2022? - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động khi quyết định của NHNN có hiệu lực. (Ảnh: KLB)

Tương tự, khách hàng gửi tiết kiệm tại ACB kỳ hạn 1 – 3 tháng cũng sẽ nhận lãi suất tiết kiệm tối đa 5%/năm, áp dụng cho gói "Tài Lộc", lĩnh lãi cuối kỳ.

Không chỉ tại các kỳ hạn ngắn, lãi suất huy động các kỳ hạn dài trên 6 tháng cũng được ACB đồng loạt điều chỉnh tăng từ 0,3 – 0,5 điểm %.

Trong đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất của ACB hiện ở mức 7,2%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng tại sản phẩm "Chọn sống mới, trọn chất tôi", lĩnh lãi cuối kỳ.

Ngân hàng Bản Việt cũng đồng loạt tăng lãi suất các kỳ hạn dưới 1 tháng lên mức trần 0,5%/năm và lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 5%/năm, từ mức 0,2%/năm và 3,9%/năm trước đó.

Hay như tại SHB cũng vừa công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 23/9 với các kỳ hạn dưới 1 tháng được điều chỉnh lên mức tối đa 0,5%/năm. Lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đều tăng 0,8 – 0,9 điểm % so với trước đó lên dao động trong khoảng 4,4 – 4,8%/năm. Lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn dài hơn cũng đồng loạt tăng thêm 0,4 - 0,5 điểm % so với trước đó.

Tại "ông lớn" Vietcombank, chia sẻ với PV, bà Phùng Thị Hải Yến – Phó Tổng Giám đốc VietcomBank cho biết, quyết định của NHNN ở thời điểm này rất phù hợp, phản ánh đúng với diễn biến thị trường và chính sách điều hành lãi suất của NHNN.

Ngay sau khi có nhận được quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN, Vietcombank triển khai ngay các giải pháp để thực hiện rà soát các loại lãi suất huy động vốn, để đảm bảo chính sách lãi suất của Vietcombank phù hợp chính sách của NHNN, phù hợp với diễn biến thị trường và kế hoạch kinh doanh của Vietcombank. Từ đó, đảm bảo nguồn vốn để cung ứng cho hoạt động tín dụng, phát triển nền kinh tế.

Mặc dù tăng trần lãi suất huy động, song bà Yến cho biết từ đầu năm đến nay và tiếp tục thời gian tới Vietcombank vẫn tiếp tục chính sách là triển khai đồng loạt các giải pháp để hỗ trợ cho việc bình ổn lãi suất cho vay.

Tăng lãi suất huy động, ổn định lãi vay: Kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng có "phá sản"?

Theo quan điểm Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất điều hành lần đầu tiền kể từ năm 2020 sau động thái tăng lãi suất của Fed, và cho rằng điều này là cần thiết và sẽ giúp hạn chế áp lực lên tiền đồng.

Tuy nhiên, công ty này nêu: việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại.

Tại phiên họp ngày 22/9, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng lãi suất điều hành và lãi suất huy động, nhưng lại yêu cầu cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

"Do đó, chúng tôi cho rằng NIM toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới. Tuy nhiên tác động sẽ không giống nhau cho từng ngân hàng", Yuanta nhận định.

Tăng lãi suất huy động, ổn định lãi vay: Ngân hàng nói về kế hoạch lợi nhuận 2022? - Ảnh 3.

Ngân hàng cắt giảm lãi chi phí, giữ được biên sinh lời cho hoạt động kinh doanh, đảm bảo cho kế hoạch kinh doanh năm 2022. (Ảnh: VCB)

Trước ý kiến cho rằng, tăng lãi suất huy động nhưng ngân hàng vẫn ổn định lãi suất cho vay, điều này sẽ khiến cho biên lợi nhuận bị thu hẹp, từ đó ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của ngân hàng năm 2022.

Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, kế hoạch kinh doanh của Vietcombank đã được NHNN giao từ đầu năm và ĐHĐCĐ cũng đã ban hành nghị quyết về vấn đề này. Do đó, với biến động của thị trường trong việc rà soát lãi suất huy động nhưng cam kết ổn định lãi suất cho vay, Vietcombank sẽ thực hiện loạt giải pháp, ví dụ đưa lên hàng hoạt dịch vụ lên kênh số nhằm tiết kiệm chi phí cho người dân, ngân hàng.

Đồng thời, triển khai cắt giảm chi phí hoạt động và cơ cấu nguồn vốn huy động cách tối ưu nhất để giữ được biên sinh lời cho hoạt động kinh doanh, đảm bảo cho kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Cũng theo tiết lộ của Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, nhu cầu vốn tăng cao vào cuối năm đây là xu hướng hàng năm của các ngân hàng thương mại.

"Với dự liệu ngay từ đầu năm, cùng với chính sách của NHNN về huy động vốn và lãi suất và chính sách về nới room tín dụng cho một số ngành thương mại, Vietcombank đủ ngân sách để hỗ trợ cho các mục đích cho vay, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên, cũng như sản xuất kinh doanh để ổn định đời sống kinh tế", bà Yến nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem