Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá: Cần xem xét tác động từ nhiều phía
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá: Cần xem xét tác động từ nhiều phía
Hoàng Ngân
Thứ hai, ngày 08/07/2024 11:12 AM (GMT+7)
Thiết kế phương thức tăng thuế nào cũng cần dựa trên kinh nghiệm quốc tế song song với việc đảm bảo đạt hiệu quả toàn diện như kiểm soát thuốc lá lậu, tăng thu ngân sách bền vững cho Nhà nước, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế và an sinh xã hội.
Dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính hoàn thiện để trình Chính phủ. Theo đó, Bộ đề xuất áp dụng 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá. Theo đó, thuế hỗn hợp, gồm thuế tương đối, hay còn gọi là thuế theo tỉ lệ phần trăm, sẽ giữ nguyên ở mức 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm từ 2026 đến 2030.
Xem xét một số hệ lụy có thể xảy ra
Theo Bộ Tài chính phân tích, phương án tăng thuế như đề xuất sẽ làm tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá tăng từ 36% (năm 2024) lên 59,4% (2030), việc tiêu thụ các mặt hàng này trở nên đắt hơn, dẫn đến tác dụng ngay lập tức đến giảm sử dụng thuốc lá. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Tài Chính đang đề xuất 2 phương án tăng thuế TTĐB với mức tăng thêm hơn 40% đối với phương án 1 và 100% đối với phương án 2 ngay năm đầu tiên. Sau 5 năm mức thuế TTĐB sẽ tăng thêm 200% cho cả 2 phương án.
Tuy nhiên nếu phân tích ở góc độ toàn diện hơn, điều này sẽ đẩy giá bán thuốc lá hợp pháp tăng sốc, người tiêu dùng sẽ tìm đến nguồn hàng lậu vốn không chịu ảnh hưởng bởi thuế để thay thế. Trên thực tế, lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp sẽ giảm như phân tích của Bộ Tài chính nhưng tổng lượng tiêu dùng thuốc lá vẫn như cũ hoặc thậm chí tăng lên do sự dịch chuyển sang thuốc lá nhập lậu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, khi bổ sung thuế tuyệt đối với mức tăng "sốc" từ năm đầu tiên, không chỉ phân khúc thuốc lá cao cấp mà thuốc lá thấp cấp cũng bị tăng giá đột ngột. Điều này có nghĩa thuốc lá lậu sẽ tấn công thị trường trên mọi phân khúc thay vì chỉ khu trú ở dòng thuốc lá cao cấp như trước đây, khiến mặt trận chống buôn lậu thuốc lá càng trở nên phức tạp và nhiều thách thức.
Cũng theo Bộ Tài chính, khi áp dụng thuế hỗn hợp, dự kiến số thu thuế TTĐB có thể tăng từ 17,6 nghìn tỷ đồng (năm 2022) lên 39,2 nghìn tỷ đồng (năm 2030). Tuy nhiên, với thực tế hàng lậu sẽ xâm chiếm toàn diện thị trường thuốc lá, mức dự thu này sẽ rất khó đạt được, dẫn đến thất thoát nguồn thu thuế từ thuốc lá hợp pháp, ảnh hưởng nặng nề đến ngân sách Nhà nước.
Trong tờ trình, Bộ Tài chính cũng chỉ ra rõ các phương án đề xuất tăng thuế TTĐB với sản phẩm thuốc lá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuốc lá. Mở rộng vấn đề này, các ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho toàn bộ chuỗi giá trị và gây ra các tác động tiêu cực về an sinh xã hội.
Sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm đột ngột do cú sốc thuế có thể tạo ra nguy cơ thất nghiệp đột ngột đối với cả chục nghìn người lao động tại các doanh nghiệp sản xuất và các nhà phân phối, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hàng trăm nghìn nông dân vùng trồng lá thuốc lá cũng như hệ thống điểm bán lẻ trên toàn quốc.
Kinh nghiệm quốc tế về hệ thống thuế hỗn hợp
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy những tác động tiêu cực khi tăng sốc thuế với thuốc lá. Chẳng hạn như tại Ấn Độ, hoạt động buôn bán thuốc lá bất hợp pháp và lậu đang gia tăng và phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua. Sự gia tăng chênh lệch thuế đã khiến Ấn Độ trở thành thị trường thuốc lá bất hợp pháp lớn thứ tư trên thế giới.
Thị trường tổng thể của thuốc lá bất hợp pháp ở Ấn Độ, theo nghiên cứu FICCI Cascade năm 2022 ước tính là ₹ 22.930 crore. Tổng thiệt hại mà Chính phủ ước tính cho năm 2022 do thị trường bất hợp pháp trong ngành công nghiệp thuốc lá là ₹ 13.331 crore, tăng từ ₹ 6.240 crore vào năm 2012, tăng 46%.
Còn Malaysia cũng áp dụng cách tăng thuế đột ngột với mức thuế TTĐB tăng thêm hơn 40% vào năm 2015. Theo Oxford Economics, ngay sau khi Malaysia thực hiện việc tăng thuế trong năm 2015, thị phần thuốc lá lậu năm 2016 tại Malaysia tăng gần 40% so với năm 2015 và đến năm 2020 thị phần thuốc lá lậu đã chiếm 64% thị trường Malaysia.
Tương ứng với việc gia tăng thị phần thuốc lá lậu, thị phần thuốc lá hợp pháp tại Malaysia vào năm 2016 đã giảm ngay lập tức 26%; cho đến năm 2020 đã giảm 42% so với năm 2015. Trong khi đó tổng sản lượng thuốc tiêu thụ tại Malaysia (tính cả thuốc lá hợp pháp và bất hợp pháp) tiếp tục tăng đều khoảng 5%/năm (và chỉ giảm nhẹ vào năm 2020 do tình hình Covid 19). Thất thu thuế TTĐB năm 2018 của Malaysia lên tới 4,8 tỷ RM.
Tại một quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan, Thống đốc Cơ quan Thuốc lá Thái Lan Poomjit Pongpanngam cho biết thuế suất thuốc lá không hợp lý đã làm giảm nguồn thu thuế thuốc lá của Chính phủ khoảng 23 tỷ baht và doanh số bán hàng đã giảm đáng kể.
Kết quả phân tích thực nghiệm về việc tránh thuế thuốc lá ở Thái Lan năm ngoái cho thấy doanh thu thuế thuốc lá lên tới 70 tỷ baht, trong đó doanh thu thuế bị thất thoát do hàng hóa bất hợp pháp ước tính khoảng 23 tỷ baht, tương đương 25% tổng doanh thu thuế thuốc lá. Phân tích cho thấy năm 2023 số lượng thuốc lá lậu đã tăng 22,3% so với năm 2022, và trước đó tăng 15,5% vào năm 2022 so với năm 2021.
Ông nói, doanh thu từ nguồn thu từ thuốc lá hợp pháp sụt giảm đã làm giảm 50% lượng thuốc lá thu mua từ nông dân trong ba năm qua, làm giảm thu nhập của 500.000 nông dân.
Tăng thuế TTĐB với thuốc lá tại Việt Nam: Cần có lộ trình để ngăn chặn những hệ lụy
Hiện nay, các doanh nghiệp nói chung và ngành thuốc lá nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Ngoài thuế TTĐB, ngành thuốc lá phải chịu thêm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ đóng góp bắt buộc vào "Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá" và "Quỹ phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả", đóng phí xử lý chất thải 60 đồng/20 điếu và phí tem điện tử thuốc lá.
Trong khi đó, dù có những nỗ lực rất lớn từ các Bộ ngành và Chính phủ, tình hình buôn lậu vẫn chưa được cải thiện do đặc thù của Việt Nam có đường biên giới dài với các quốc gia láng giềng và sự bất chấp của người bán thuốc lá lậu do lợi nhuận cực cao, và với đề xuất tăng thuế hiện nay của Bộ Tài Chính sẽ làm lợi nhuận từ việc mua bán thuốc lá lậu trở lên hấp dẫn hơn nhiều.
Đề xuất tăng thuế hiện nay của Bộ Tài Chính nhiều khả năng làm cho lợi nhuận trên đầu bao từ việc kinh doanh thuốc lá lậu trở nên vô cùng hấp dẫn. Vì vậy, nếu chính sách thuế TTĐB tạo ra thêm lợi thế cạnh tranh lớn về giá cho thuốc lá lậu, việc ngăn chặn thuốc lá lậu tại Việt Nam và giảm sản lượng tiêu thụ thuốc lá sẽ trở thành mục tiêu khó thực thi.
Chính sách thuế có sự liên hệ rất chặt chẽ các biến động về kinh tế, xã hội do tác động mạnh mẽ và trực tiếp lên các chủ thể liên quan. Bên cạnh việc thất thu cho ngân sách Nhà nước, nếu người tiêu dùng chuyển sang thuốc lá lậu với chất lượng không được kiểm soát sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tăng gánh nặng chi phí y tế cho nhà nước về lâu dài, và khiến cho mục tiêu hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm thuốc lá chất lượng cao, giảm thiểu tác hại thuốc lá sẽ khó lòng đạt được.
Theo các chuyên gia, từ bài học của các nước, chúng ta nên xem xét mức bổ sung thuế tuyệt đối đối với thuốc lá, đồng thời có lộ trình tăng thuế tuyệt đối hợp lí đối với thuốc lá, tránh việc tăng sốc sẽ gây nhiều hệ lụy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.