Tăng viện phí tràn lan: Bệnh viện huyện “khóc ròng”

Thứ ba, ngày 10/05/2011 13:21 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khi các bệnh viện lớn, phòng khám tư ào ào tăng giá thì các bệnh viện tuyến huyện vẫn phải tính theo đơn giá cũ và phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì khám chữa bệnh.
Bình luận 0

Nhu cầu tất yếu

img

Việc tăng viện phí là nên nhưng cần tính tới thời điểm thích hợp.

Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Bá Thước, Thanh Hóa là một trong số ít BV thuộc Sở Y tế Thanh Hóa được xếp loại chuẩn về kỹ thuật lẫn cơ sở vật chất. Hiện BV có 120 giường bệnh, tuy nhiên số lượng bệnh nhân vào lúc cao điểm có thể tăng gấp đôi số giường bệnh hiện có. Bà Trương Thị Mầu - Giám đốc BV Đa khoa Bá Thước cho biết: “Cũng như nhiều BV tuyến huyện khác, chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Thời buổi này khó ai tưởng tượng được giá khám bệnh là 2.000 đồng/lượt, giá giường bệnh là 4.000 đồng/ngày. Khung viện phí thấp trong khi giá cả tăng làm ảnh hưởng đến việc thu chi của BV”. Đấy là chưa kể nhiều khoản thu bị âm thường xuyên khi có các ca phẫu thuật sản. “Một ca mổ sản nếu được thanh toán cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng, nhưng thực tế chi phí lên tới 2,5-3 triệu đồng” – bà Mầu cho biết thêm.

Theo bà Mầu, việc tăng viện phí từ 10 -20 lần cũng là hợp lý. “Với mức tăng này, giá khám bệnh tăng lên là 20.000 đồng/lần, tiền giường tăng lên 40.000 đồng/ngày là hoàn toàn bình thường. Mức tăng này những người có thu nhập trung bình khá có thể chấp nhận được. Riêng hộ nghèo thì được miễn giảm, chỉ phải chi trả 5% viện phí”.

Trong khi chờ Bộ Y tế và Chính phủ có quyết định điều chỉnh một phần viện phí thì các BV tuyến huyện như BV Đa khoa Bá Thước đã tự ban hành quy chế thu thêm tiền dịch vụ hỗ trợ ăn ngủ, vệ sinh của người nhà bệnh nhân, gia tăng các biện pháp tiết kiệm chi tiêu. Dù vậy những khoản thu này cũng không mấy khả quan trong thời buổi kinh tế lạm phát này.

Đồng cảnh ngộ, tuy là BV ở gần trung tâm, nhưng BV Đa khoa quận Hà Đông (Hà Nội) cũng gặp nhiều khó khăn trong điều kiện viện phí eo hẹp. Ông Nguyễn Lâm Thức - Giám đốc BV cho hay, BV phải thực hiện nhiều biện pháp tăng thu để đảm bảo hoạt động, như thực hiện khám ngoài giờ, khám theo yêu cầu… Tuy nhiên, việc bị âm trong một số ca phẫu thuật là không thể tránh khỏi”.

Cần cân nhắc kỹ

Hiện Quỹ Bảo hiểm y tế có kết dư nhưng chưa bền vững, nếu viện phí thay đổi, rất có thể mức đóng bảo hiểm y tế cũng phải thay đổi, mặc dù mức đóng này mới tăng 50% từ 1.1.2010.

Như vậy, dù Bộ Y tế và Chính phủ chưa thông qua thì cả BV công lẫn tư, từ tuyến huyện tới T.Ư cũng đã tìm cách tăng viện phí bằng cách này hay cách khác. Do vậy, việc “chuẩn” hoá viện phí bằng một khung viện phí hợp lý có lẽ là cách “vẹn cả đôi đường” vào thời điểm này. Tuy nhiên, thế nào là “hợp lý” thì vẫn còn nhiều ý kiến.

BS Hoàng Xuân Đại - nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Y tế khuyến cáo: “Việc tăng viện phí là nên, tuy nhiên cần phải tính tới thời điểm thích hợp, kêu gọi sự đồng thuận trong nhân dân. Trong khi lạm phát đang tăng, nhiều mặt hàng thiết yếu tăng mà chúng ta lại tăng viện phí thì có khác gì tát nước theo mưa”.

Không chỉ ông Đại, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế cũng cân nhắc trước bài toán được và mất từ việc tăng viện phí. Ông Nguyễn Đức Hoà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.Hà Nội cho rằng: “Nếu tăng viện phí, trước hết cần phải tính toán điều chỉnh mức thu phí tham gia BHYT để cân đối thu chi. Hơn nữa, việc tăng viện phí phải cân nhắc đến khả năng chi trả của Quỹ BHYT, nếu không sẽ làm gia tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước”.

Bà Trương Thị Mầu thì cho rằng: “Việc tăng viện phí không là bao nhiêu so với việc tăng giá thuốc và vật tư y tế. Viện phí tăng thì bệnh nhân có thể chấp nhận được, tuy nhiên, nên cân nhắc khi tăng các dịch vụ phẫu thuật”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem