Tạo đà cho “sức mạnh bản địa”

Thứ bảy, ngày 22/07/2017 09:00 AM (GMT+7)
18 dự án lọt vào vòng chung kết trong cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng và dự án khởi nghiệp tỉnh Bến Tre lần thứ nhất năm 2017 của những bạn trẻ, thật hy hữu đều nằm trong những xu hướng đang “hot”.
Bình luận 0

Đại diện cho xu hướng đưa công nghệ vào tư duy sản phẩm là dự án Sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh của Trần Phúc Hậu và Võ Thị Cẩm Tú, Ủ phân bò Ba Tri bằng phương pháp compost của Lê Quốc Dương và Võ Minh Tâm… Ý tưởng phát triển toàn diện du lịch Việt từ ứng dụng Android “Vietnam Tour” của Trần Thanh Trung, và Huỳnh Quang Lộc lại rất gần với xu hướng đang được thế giới ưa chuộng là Trải nghiệm bản địa tận gốc.

Biến bã mía thành thức ăn tôm

Từ năm 2014 đến nay, tôm bị hội chứng suy gan tuỵ cấp EMS ngày một nhiều vì sử dụng các loại hoá chất, kháng sinh để phòng bệnh. Qua tìm hiểu tình hình đó, rồi nghiên cứu và thử nghiệm trên ao tôm của mình, Trần Phúc Hậu, giám đốc công ty thuỷ sản Đại Thành, nhận thấy bột bã mía áp dụng cho nuôi tôm đạt kết quả tốt, tuy nhiên, anh không tìm được nơi cung cấp sản phẩm bột bã mía chất lượng. Đầu năm 2015, anh quyết tâm tự sản xuất vi sinh bột bã mía, bằng cách kết hợp với các dòng vi sinh vật có lợi giúp phân huỷ tốt chất thải hữu cơ trong đáy ao, hạn chế khí độc như NH3, NO2, lấn át hiệu quả các vi sinh vật bệnh trên tôm nuôi, kích thích tảo có lợi, giúp tôm phát triển và khoẻ mạnh.

img

Trần Phúc Hậu sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Quang Linh, giám đốc đại học Huế, tôm nuôi ăn bột bã mía tác dụng tốt cho đường ruột.

Thời gian đầu các hộ nuôi rất dè dặt trong việc áp dụng. Qua thuyết phục kiên trì, tư vấn ngay tại ao tôm, Hậu đã thuyết phục được các hộ nuôi mạnh dạn áp dụng mô hình phòng bệnh sinh học này, sản lượng bán ra và lượng khách hàng tăng cao sau hai năm qua.

Từ mô hình sản xuất thủ công, anh muốn mở rộng sản xuất, nâng cấp trang thiết bị, đầu tư cải thiện chất lượng sản phẩm và đào tạo đội ngũ nhân viên kỹ thuật, bán hàng, tiếp thị, nghiên cứu các dòng sản phẩm mới… để kịp thời cung ứng cho các hộ nuôi tôm với số vốn khoảng 200 triệu đồng. Kêu gọi đầu tư từ nguồn lực bên ngoài và thông qua cuộc thi này, anh muốn hoàn thiện quy trình công nghệ: từ nguyên liệu bã mía qua công đoạn xay nhuyễn thành bột mịn, trộn đều với dung dịch gồm nước sạch, mật đường, vi sinh nguyên liệu được sục khí oxy để nhân sinh khối vi sinh vật, tạo thành hỗn hợp bột và công đoạn ủ kín trong 72 giờ.

Hậu chia sẻ: “Dự án nuôi tôm bằng bột bã mía của tôi nhằm thay đổi tập quán canh tác lạm dụng hoá chất, kháng sinh vào việc nuôi tôm ở Bến Tre nói riêng và Nam bộ nói chung, phục hồi độ phì của đất trong chăn nuôi tôm, phân huỷ các độc tố tích tụ lâu năm do sản xuất truyền thống, đáp ứng tính bền vững cho nông nghiệp sạch tương lai”.

“Vietnam Tour” trên nền tảng Android

Dự án Phát triển toàn diện du lịch Việt từ ứng dụng Android “Vietnam Tour” của nhóm học sinh lớp 11 toán – tin trường THPT chuyên Bến Tre do Trần Thanh Trung làm trưởng nhóm, lại khai thác hướng hoàn toàn mới, cung cấp thông tin phục vụ nhu cầu du lịch như phương tiện, dịch vụ di chuyển thích hợp tại từng điểm đến, giá cả từng mặt hàng sản phẩm địa phương…

img

Nhóm Android ‘Vietnam tour’

Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn chưa phát huy được hết giá trị của du lịch, chỉ tính đến lợi nhuận ngắn hạn. Dựa vào nền tảng ứng dụng android “Bến Tre Tour” của bạn Huỳnh Quang Lộc, học sinh lớp 11 toán – tin trường THPT chuyên Bến Tre, đạt giải nhất trong kỳ thi phần mềm sáng tạo cấp tỉnh năm 2016, nhóm đã lên ý tưởng phát triển thành ứng dụng “Vietnam Tour”. Nhằm mở rộng quảng bá các khu du lịch, di tích, địa điểm nhà hàng khách sạn tiện lợi, hợp lý theo từng nhu cầu của khách khi đến tham quan, du lịch tại Việt Nam, từ đó tạo đà phát triển cho du lịch cả nước.

Ứng dụng cung cấp đầy đủ các thông tin, địa chỉ khu du lịch, di tích cổ, di tích lịch sử, đền chùa, làng nghề trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Trong tương lai sẽ mở rộng phát triển khắp cả nước. Ứng dụng cũng cung cấp các loại phương tiện, dịch vụ, giá cả từng mặt hàng đặc sản, giúp khách đánh giá chất lượng phục vụ từng nơi đến. Để hoàn thiện sản phẩm, nhóm thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng có nguồn lực cùng lĩnh vực tham gia dự án, huy động đội ngũ nhân sự thành lập nhóm liên kết từ các tỉnh trong cả nước, tìm thêm nhiều đối tác cung cấp thông tin địa phương. Về quảng bá sản phẩm, nhóm tập trung khai thác các trang mạng xã hội, tiếp cận trực tiếp mời sử dụng thử nghiệm đối với hướng dẫn viên du lịch, chủ phương tiện chuyên chở khách trên địa bàn tỉnh, các kênh thông tin đại chúng, kết hợp khảo sát sự hài lòng của khách hàng để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. Khi sản phẩm được sử dụng rộng rãi, sẽ mời các nhà hàng, khách sạn, các tổ chức, cá nhân làm du lịch tham gia chuỗi đảm bảo chất lượng phục vụ tại “Vietnam Tour” toàn quốc.

Hiệu quả đối với xã hội theo Trần Thanh Trung là đưa du lịch Việt Nam đến với bạn bè thế giới, tạo thêm thu nhập cho ngành du lịch, nông nghiệp. Với thang đánh giá chất lượng phục vụ mỗi điểm đến trong hành trình của du khách sẽ giúp các cá nhân, tổ chức làm du lịch từng bước hoàn thiện, xoá dần cạnh tranh không lành mạnh.

Cây thuốc đinh lăng

Dự án Phát triển cây dược liệu đinh lăng của Cao Thanh Hùng và Võ Minh Nhật cũng gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo cuộc thi.

Cây đinh lăng có giá trị cao từ củ, rễ, lá, cành, làm thuốc trị bệnh, bồi bổ sức khoẻ và làm gia vị cho các món ăn. Lá đinh lăng phơi khô lót trải giường cho trẻ em nằm để phòng co giật hay cho vào gối nằm để hút mồ hôi đầu…  Hiện nay, do nguồn vốn còn hạn chế, gia đình Hùng mới chỉ trồng được 3.000 cây trên 1.000m2, trong sáu tháng nữa sẽ cho lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng, so với trồng chuối và trồng dừa cao gấp năm lần. Sau ba năm, lợi nhuận tăng khoảng 100 triệu đồng, năm khai thác thứ 4 và thứ 5 không tốn chi phí tái sản xuất.

Dự định của Hùng là kêu gọi vốn để nâng diện tích canh tác lên 4.000m2 trồng chuyên canh và 6.000m2 trồng xen canh vườn sầu riêng của gia đình. Nếu có nguồn vốn đầu từ khoảng 132,5 triệu đồng, anh sẽ làm rượu đinh lăng. “Chỉ cần bán 120 hũ thì một năm bốn tháng sẽ hoàn vốn”, Hùng cho biết.

Ủ phân bò bằng phương pháp compost

Theo số liệu của cục Thống kê tỉnh Bến Tre, đàn bò của Ba Tri khoảng trên 72.000 con, chiếm 48% tổng số đàn bò toàn tỉnh, sản lượng phân bò rất lớn, ước tính trên 3.000 tấn/tháng. Nhưng hiện nay dân chủ yếu phơi khô phân dưới ánh mặt trời chờ thương lái đến thu gom, giá trị dinh dưỡng thấp, giá bán rất thấp. Đặc biệt mùa mưa không phơi được, phân chất đống gây ô nhiễm trầm trọng.

Để cải thiện chất lượng phân bò thô, tăng hàm lượng dinh dưỡng cho phân, bạn Lê Quốc Dương và Võ Minh Tâm ở xã Bảo Thạnh, Ba Tri, Bến Tre muốn áp dụng kỹ thuật ủ vermi-compost, tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm phân bò Ba Tri. Sử dụng một số loại trùn đất để biến đổi bã thải hữu cơ thành những sản phẩm hữu ích phục vụ nông nghiệp hữu cơ, theo Dương, trùn quế là một trong những giống trùn đã được thuần hoá, nhập nội và đưa vào nuôi công nghiệp, rất ưa thích các loại thức ăn là phân trâu, bò, heo, ngựa…

Chủ động đưa công nghệ vào tư duy sản phẩm, dự án ủ phân bò Ba Tri bằng phương pháp compost ra đời với tổng số vốn cố định khoảng 260 triệu, trong đó bể ủ vermi-compost 400m2, chiếm gần 77% tổng vốn. Khu nhà kho được chia làm hai gồm kho chứa nguyên liệu đầu vào và kho thành phẩm, nơi đóng gói và bảo quản sản phẩm phân compost. Bể ủ được xây thành từng ô 100m2 trên lợp lá. Vốn trang thiết bị khoảng 225 triệu bao gồm thiết bị đóng gói, tủ đông, thiết bị sàn…

Để thuyết phục người dân tin dùng, Dương và Tâm làm thử nghiệm bón phân thành phẩm cho khu trồng rau hữu cơ để làm đối chứng. Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương vùng trồng cây lâu năm, cây ăn quả để thí điểm quảng bá cho sản phẩm. Đặc biệt huyện Chợ Lách là địa phương có vườn cây ăn trái rất lớn, khi sản phẩm phát triển sẽ mở rộng thị trường cho khu vực miền Tây và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Đánh giá về dự án này, ban giám khảo cuộc thi cho rằng đây là ý tưởng tốt, khả thi, có thể kết hợp thêm các phương pháp khác để giảm chi phí, tái tạo chi phí đầu tư như nuôi trùn quê, trồng rau… ý tưởng sẽ tốt hơn nếu hướng tới sản xuất phân hữu cơ công nghệ cao, ép thành bột, thành viên để tiện cho người sử dụng. Như vậy sẽ tạo nên sự khác biệt.

Kim Yến (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem