Chiến lược “Make in Vietnam” - Bệ phóng cho sự phát triển kinh tế số

Nguyễn Thịnh Thứ tư, ngày 29/01/2025 08:50 AM (GMT+7)
Chiến lược “Make in Vietnam” không chỉ tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước mà còn đặt nền móng cho mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Bình luận 0

Kinh tế số Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019" do Google, Temasek và Bain thực hiện, kinh tế số Việt Nam đã tăng từ khoảng 3 tỷ USD năm 2015 lên 12 tỷ USD năm 2019, và dự kiến đạt 43 tỷ USD vào năm 2025.

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam có xu hướng tăng trưởng trong giai đoạn 2020-2023. Năm 2020, tỷ trọng này là 12,66%; năm 2021 là 12,87%; năm 2022 là 14,26%; và năm 2023 là 14,68%. 

Năm 2020, thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng 46% lên 7 tỷ USD và dự báo sẽ tăng 34% lên 29 tỷ USD vào năm 2025. 

Chiến lược “Make in Vietnam” - Bệ phóng cho sự phát triển kinh tế số - Ảnh 1.

PGS.TS. Trần Minh Tuấn nhận định về kinh tế số.

Theo mục tiêu, đến năm 2025, kinh tế số đạt tỷ trọng 20% GDP. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP.

"Theo định hướng, đến năm 2025, kinh tế số ngành lĩnh vực đạt tối thiểu 50% kinh tế số cả nước. Điều này cho thấy vai trò của kinh tế số ngành lĩnh vực đóng góp ngày càng nhiều vào kinh tế số. Đặc biệt, thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực", PGS.TS. Trần Minh Tuấn nhấn mạnh.

Để đạt được các mục tiêu này, cần tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, và phát triển các ngành, lĩnh vực dựa trên ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Trong đó, chiến lược "Make in Vietnam" đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của kinh tế số Việt Nam, thể hiện qua một số thành tựu nổi bật. 

Về tăng trưởng doanh nghiệp công nghệ số, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có 73.788 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, tăng 10,12% so với năm 2023. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2024 đạt xấp xỉ 158 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm trước. 

Về đóng góp vào kinh tế số, tỷ lệ giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8% vào năm 2024, tăng từ 21,35% vào năm 2019. Tổng số nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp ICT đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019. 

Về mở rộng thị trường quốc tế, có gần 1.900 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường quốc tế, tăng 26,67% so với năm 2023. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp này đạt khoảng 11,5 tỷ USD trong năm 2024, tăng 53,3% so với năm trước.

"Make in Vietnam" là một chiến lược quan trọng do Bộ Thông tin và Truyền thông khởi xướng, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam chuyển từ gia công, lắp ráp sang tự thiết kế, sáng tạo và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao ngay tại Việt Nam. 

Chiến lược “Make in Vietnam” - Bệ phóng cho sự phát triển kinh tế số - Ảnh 2.

Tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, mang tự hào trí tuệ Việt Nam 2024 - Ảnh: VGP/HM

Chiến lược này không chỉ hướng đến việc đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế, góp phần xây dựng một nền kinh tế số tự chủ và bền vững. 

Một trong những hoạt động nổi bật trong khuôn khổ chiến lược này là Giải thưởng "Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam", được tổ chức hàng năm để tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc do doanh nghiệp Việt Nam phát triển. 

Năm 2024, giải thưởng đã vinh danh 71 sản phẩm, trong đó có 7 sản phẩm đạt giải Vàng ở các hạng mục khác nhau. Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong việc nghiên cứu, sáng tạo và làm chủ công nghệ. 

Để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp ICT, ngay từ năm 2019, Việt Nam đã khai sinh cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số với sứ mệnh Make in Viet Nam: nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam.

Chỉ trong vòng 5 năm, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tỷ trọng giá trị Việt Nam trên doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đã tăng gấp gần 1,5 kể từ khi chiến lược Make in Vietnam khởi xướng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem