Tạo môi trường an toàn cho trẻ

Thứ tư, ngày 01/06/2011 06:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ông Nguyễn Trọng An – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em cho biết, thiếu sân chơi, trò chơi lành mạnh và người hướng dẫn là những nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ em.
Bình luận 0

Ông có nhận định gì về vấn đề sân chơi cho trẻ nông thôn?

- Chương trình mục tiêu quốc gia Vì trẻ em Việt Nam đặt ra đến năm 2010, 100% xã, phường tổ chức được cơ sở văn hoá, vui chơi giải trí cho trẻ em nhưng kết quả đã không đạt được. Thực tế, trẻ em không chỉ ở thành phố mà cả ở nông thôn đang thiếu sân chơi trầm trọng, nhất là vào mùa hè.

Hiện đã có quy định về đầu tư xây dựng sân chơi dành cho trẻ nhưng vì sao vẫn thiếu, thưa ông?

Tháng hành động vì trẻ em năm 2011 bắt đầu triển khai từ 1.6 với chủ đề: “Vì môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh cho mọi trẻ em”. Hiện Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình Hành động quốc gia Vì trẻ em Việt Nam 2011 – 2020, trong đó có đặt ra mục tiêu đến 2020 sẽ có 45% xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi giải trí dành cho trẻ.

- Quyết định 03 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương dành quỹ đất xây sân chơi cho trẻ nhưng không có chế tài kiểm soát. Các tỉnh đều kêu không có quỹ đất làm sân chơi. Theo tôi, nhà nước cần có những phương án cương quyết dành đất làm sân chơi cho trẻ, không vì những lợi ích kinh tế trước mắt, mà cần đầu tư cho trẻ em phát triển toàn diện.

Người lớn phải hiểu rằng, thiếu sân chơi, đồ chơi, trò chơi an toàn, dẫn tới trẻ em phải vui chơi ở những chỗ nguy hiểm. Ví như trẻ đá bóng, trượt pa tanh dưới lòng đường, ra ao, hồ, sông, suối tắm… dẫn tới tai nạn giao thông, đuối nước… Chỉ tiết kiệm ít đất làm sân chơi, chúng ta phải trả giá quá đắt.

Theo ông để tạo điều kiện cho trẻ em được thực hiện quyền vui chơi an toàn, lành mạnh cần phải có biện pháp gì?

- Tôi nghĩ, việc đầu tiên là cần rà soát lại các văn bản pháp lý về vấn đề vui chơi giải trí và văn hoá tinh thần cho trẻ em. Trong Công ước quốc tế và Luật Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em đã nêu rõ: Trẻ em có quyền được vui chơi, giải trí. Chúng ta cần bổ sung cụ thể hơn các chế tài xử phạt vi phạm về đất đai cho sân chơi, trò chơi, đồ chơi bạo lực…

Thực tế, hiện mới chỉ có quy định vụn vặt, ví như đồ chơi bạo lực độc hại bị xử lý, còn rất nhiều điểm vui chơi giải trí trở thành quán bia, nơi gửi xe đạp… chưa từng có trường hợp nào bị xử phạt. Ngoài ra, cần phải dành nhiều ngân sách hơn nữa đầu tư về sân chơi, đồ chơi, trò chơi… và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các bậc cha mẹ về tầm quan trọng của vui chơi giải trí đối với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem