Tạo nhiều tổ ấm mới cho trẻ mồ côi

Thứ tư, ngày 28/09/2011 19:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nâng mức trợ cấp cho người nuôi dưỡng, mở rộng đối tượng hỗ trợ...Những giải pháp này sẽ giúp nhiều trẻ mồ côi có được hơi ấm trong những gia đình mới của mình, thay vì đưa các em vào các trung tâm bảo trợ xã hội.
Bình luận 0

Cho trẻ niềm vui gia đình

Mới 19 tháng tuổi, bé Nguyễn Văn Tuân (thôn Đông Phong, xã Tiên Phong, Ba Vì, Hà Nội) đã phải gánh nỗi đau mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bà nội già yếu, không thể nuôi được, bé được bác Nguyễn Văn Tài (anh trai của bố) đưa về nuôi.

img
Được sự bao bọc của người thân, bé Tuân đã có gia đình mới sau khi cha mẹ qua đời.

Hiện nay, Tuân đã tròn 5 tuổi, cháu đang theo học lớp mẫu giáo lớn của xã. Chị Lê Thị Khánh - vợ anh Tài, nhớ lại: “Những ngày đầu về sống với anh chị, bé Tuân không chịu ăn mà chỉ khóc ròng đòi mẹ, người gầy rộc đi. Tôi vừa xót vừa lo, gia đình đã dùng đủ mọi cách hết thuốc nam, thuốc tây và cả… cúng bái, mãi cháu mới chịu uống sữa bột và bắt đầu lấy lại sức”.

Cho bé Tuân một gia đình mới với tất cả tình yêu thương, anh Tài, chị Khánh luôn nhắc nhở các con chia sẻ, đùm bọc bé. “Ngay khi cháu bập bõm biết nói, tôi đã dạy cháu gọi bố, mẹ cho tình cảm”- anh Tài nói. Đó là “liều thuốc tinh thần” vô cùng quý giá mà các trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi khó có thể mang lại cho các bé.

Chị Trần Thị Duyên - cán bộ phụ trách xã hội ở xã Tiên Phong cho biết: “Hiện cháu Tuân được hỗ trợ 500.000 đồng/tháng và được miễn giảm học phí và các khoản khác trong sinh hoạt nhà trường. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng quan tâm, thường xuyên thăm hỏi bé Tuân và các trẻ mồ côi khác vào những dịp lễ, tết.

Tuy nhiên, với những gia đình nông thôn khó khăn khác, việc nhận nuôi ngay cả cháu ruột cũng là vấn đề phải suy nghĩ. Để tạo những “tổ ấm mới” cho trẻ mồ côi, theo dự thảo nghị định đang được Bộ LĐTBXH soạn thảo thay thế cho Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ, người nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trong đó có trẻ mồ côi) sẽ được nhận hỗ trợ.

Hiện tại, các gia đình, tổ chức nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng trợ cấp theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ từ 200.000 - 270.000 đồng/tháng, mức tăng dự kiến tương ứng sẽ là 360.000 - 540.000 đồng/tháng.

Ngoài tăng tiền hỗ trợ, theo dự thảo, người nuôi trẻ là người thân ruột thịt (gồm 7 loại đối tượng) cũng được hưởng trợ cấp, như trường hợp cha mẹ nuôi của bé Tuân nói trên. Dự thảo nghị định cũng mở rộng hơn so với trước, như các chức sắc tôn giáo cũng là một trong chủ thể được nhận nuôi trẻ em.

Khuyến khích mọi hình thức chăm sóc trẻ

Ông Nguyễn Phong Phú – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình cho hay: “Theo tôi, chính sách nói trên sẽ thu hút các gia đình, các dòng họ nuôi dưỡng các cháu tại cộng đồng để các cháu có tình thương yêu và được phát triển tốt hơn.

Hiện tại, kinh phí nuôi dưỡng các cháu ở trung tâm bảo trợ lớn gấp 2 đến 3 lần so với các cháu được nuôi dưỡng ở tại gia đình. Thực tế đã xảy ra hiện tượng, các gia đình tìm cách đưa các cháu vào trung tâm để được hưởng chế độ cao, sau đó lại đưa về gia đình nuôi dưỡng”.

Ông Nguyễn Văn Hồi – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) cho biết thêm về các điểm mới của dự thảo nghị định như xác định cụ thể mỗi gia đình chỉ được nuôi tối đa 7 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. “Điều này căn cứ vào khả năng về kinh tế, trình độ chăm sóc của mỗi gia đình, đưa vào như vậy là phù hợp” - ông Hồi cho biết.

Theo Bộ LĐTBXH, cả nước hiện có hơn 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 352.449 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (chủ yếu là trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi và trẻ nhiễm HIV thuộc hộ nghèo). Đã có 33.554 trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi được gia đình, cá nhân nhận nuôi.

Nghị định cũng quy định hỗ trợ học tập, tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt, mua bảo hiểm y tế và các trợ cấp khác cho trẻ dưới 16 tuổi ở cả trong các gia đình nhận nuôi và bổ sung trợ giúp về học nghề, về việc làm cho các em từ 16 - 18 tuổi.

Ngoài ra, nghị định cũng khuyến khích các mô hình nuôi trẻ mồ côi khác. Chẳng hạn như mô hình chăm nuôi tạm thời trẻ có hoàn cảnh đặc biệt do Tổ chức Health Right tài trợ. Bà Phạm Thị Hồng - Điều phối viên của Health Right cho biết, mô hình chăm nuôi tạm thời là mô hình chăm sóc thay thế, cung cấp cuộc sống gia đình cho những trẻ em không thể sống cùng cha mẹ đẻ của mình.

Mô hình này bắt đầu thực hiện tại Việt Nam từ tháng 4.2008 tại Gia Lâm, Đông Anh, Yên Viên và Sóc Sơn (TP. Hà Nội) với các hình thức chăm nuôi tạm thời như: Họ hàng, không phải họ hàng; khẩn cấp, cuối tuần, ngắn hạn, dài hạn. Đến nay, đã có 603 trẻ em được kết nối với gia đình thông qua mô hình chăm nuôi tạm thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem