Đìa thường sâu chừng 3 thước, rộng cỡ ba bốn chục thước. Mặt đìa lúc nào cũng có lục bình hoặc chà (cây khô) để cá trú ẩn. Đìa càng lâu tát, cá càng nhiều và càng to. Với những người già, giàu kinh nghiệm, chỉ cần đứng bên bờ đìa nhìn bọt cá là biết được đìa có nhiều hay ít cá, cá lớn hay cá nhỏ. Cứ mỗi lần có tát đìa là bọn con nít chúng tôi mừng khấp khởi như… trúng số. Trong khi người lớn chuẩn bị đồ đạc, lên đường tới đìa thì chúng tôi mang giỏ cá bên mình lẽo đẽo theo sau.
Mọi người hào hứng tham gia tát cá đìa. Ảnh: CHÚC LY
Tới đìa, người lớn bắt tay vào việc tát đìa. Hai người khỏe mạnh, như đã được phân công, mỗi người đứng một bên đầu miệng đìa, hai tay cầm hai sợi dây của cái gàu dây. Giữa hai sợi dây này là cái gàu treo tòn ten gần miệng nước. Cả hai cùng hô một tiếng: “Hừ!” rồi cùng “liệng” cái gàu xuống nước, nhanh tay kéo gàu đầy nước lên bờ, nghiêng gàu cho nước đổ vào một hố nước sâu. Họ miệt mài làm việc đến khi nước trong đìa dần cạn.
Đìa cạn lấp xấp nước đục ngầu, những người được phân công bắt cá nhảy xuống đìa. Những con cá lớn như cá lóc, cá trê nhủi xuống bùn hay chui vô hang lẩn trốn. Với kinh nghiệm bắt cá đìa lâu năm, người ta mò thiệt kỹ, không bỏ sót con nào. Bắt được con nào, người ta giơ cao bàn tay ướt nhem bùn đất để những người đứng trên bờ vỗ tay hò reo tán thưởng. Công việc cứ vậy mà tiến hành. Cá rô, cá lóc, cá trê, cá sặc... lần lượt nằm cựa quậy trong giỏ cá.
Bắt cá xong, tắm sơ cho sạch sẽ rồi người chặt lá chuối, bẻ cây, người quơ rơm, hái rau thơm, kẻ làm chén muối ớt... sau đó cùng thưởng thức món cá nướng trui ngon tuyệt. Có người vừa uống ly rượu đế vừa cao hứng ca câu vọng cổ mùi rệu. Bắt cá đìa vì vậy đã tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi, là nét văn hóa miệt vườn đặc trưng miền Tây Nam Bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.