Tắt sóng 2G tại Việt Nam: Đừng để người dùng ở vùng sâu vùng xa còn "áy náy" chuyển đổi

Nguyễn Thịnh Thứ năm, ngày 18/07/2024 15:16 PM (GMT+7)
Chia sẻ tại tọa đàm "Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?" sáng 18/7, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho rằng khi người sử dụng còn e ngại, đồng nghĩa việc truyền thông còn chưa đầy đủ và các doanh nghiệp cần cùng nhau đồng thuận xây dựng chính sách dừng công nghệ 2G.
Bình luận 0

Theo đó, mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến tháng 9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.

Bộ TT&TT cũng đã định hướng để người dùng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone; các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người dùng chuyển đổi; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh... Các định hướng trên của Bộ TT&TT nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Tắt sóng 2G tại Việt Nam: Đừng để người dùng ở vùng sâu vùng xa còn "áy náy" chuyển đổi- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT). Ảnh BTC

Với người dân, việc tắt sóng 2G sẽ giúp họ được chuyển sang sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G chất lượng cao hơn. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), có thể người dùng điện thoại 2G ở vùng sâu vùng xa, những người dùng điện thoại 2G trong thời gian dài... vẫn còn áy náy trong quá trình chuyển đổi.

"Khi người sử dụng còn e ngại, đồng nghĩa việc truyền thông còn chưa đầy đủ. Các doanh nghiệp với mục tiêu đồng thuận cùng nhau xây dựng chính sách dừng công nghệ 2G, đã ra quyết định dừng vào ngày 15/9/2024, các thuê bao sử dụng công nghệ 2G sẽ không còn được cung cấp dịch vụ nữa", ông Nhã nói.

Dù vậy những lợi ích từ việc giúp người dùng chuyển sang nền tảng 4G là rất to lớn. Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nhấn mạnh: "Người sử dụng có cơ hội sử dụng các điện thoại 4G phím bấm với chất lượng tốt hơn về mặt thoại, bởi lẽ thoại trên nền tảng 4G tốt hơn trên nền tảng 2G, bên cạnh việc các dịch vụ thường xuyên vẫn không có bất kỳ sự thay đổi nào.

Những e ngại về chất lượng vùng phủ, tất cả nhà mạng đều có trách nhiệm cho người sử dụng và cho bản thân mạng lưới của mình là cung cấp vùng phủ tương đương, thậm chí tốt hơn. Hơn nữa, với các dịch vụ truyền thống vẫn được duy trì ổn định, không có xáo trộn".

Ông Nguyễn Phong Nhã cũng lấy dẫn chứng từ thế giới với xu thế tắt sóng 2G, 3G: "Hiện nay 77 nước đã có kế hoạch dừng công nghệ 2G, 3G, đa phần đều dừng vào 2028, chỉ có hai nước dự kiến dừng 2030. Trong đó, 37 nước đã hoàn toàn dừng công nghệ 2G. Điều này cho thấy, việc chúng ta cùng nhau xây dựng chính sách dừng công nghệ 2G vào 2024, sau đó tắt toàn bộ mạng vào 2026 và dừng 3G vào 2028 là đi đúng xu hướng của thế giới".

Rõ ràng, trong quá trình tắt sóng 2G, vai trò của các doanh nghiệp viễn thông rất quan trọng. Cùng với các giải pháp truyền thông, nhà mạng cần chú trọng nâng cao số lượng kênh truyền thông, số điện thoại truyền thông, điện thoại viên kể cả tự động lẫn nhân công để thông tin tới người dùng, thông tin các số điện thoại hỗ trợ khách hàng đến người sử dụng để có kênh chính thức hỗ trợ, chia sẻ, trao đổi, hướng dẫn.

Với Viettel, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom chia sẻ, đơn vị có số lượng thuê bao lớn nhất, nên số lượng thuê bao 2G cũng lớn nhất. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Viettel đã chuyển đổi hơn 2 triệu thuê bao.

Ảnh màn hình 2024-07-18 lúc 14.59.23.png

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom. Ảnh: BTC

Đến ngày 1/7, Viettel không cung cấp dịch vụ mới cho bất kỳ thuê bao nào dùng máy 2G Only. Chính sách này giúp số lượng thuê bao 2G từ đầu năm nay chỉ còn 1/5 so với các năm trước, giúp thuê bao mới 2G hoà mạng không còn. Viettel cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ rất mạnh như giám giá máy từ 30-50%. Chúng tôi cũng truyền thông sâu rộng.

Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc MobiFone cho hay, tỷ lệ người dùng 2G giảm rất nhanh ở MobiFone, giờ còn khoảng dưới 5% khách hàng. Đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng chuyển đổi lên smartphone, hỗ trợ gói cước, tham gia cùng các chuỗi bán lẻ thiết bị để hỗ trợ chuyển đổi; triển khai các chương trình hỗ trợ máy feature phone 4G.

Trong khi đó, ông Lê Đắc Kiên, Phó Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone cho biết: "Chúng tôi đang dùng tần số 900 phủ rất xa, do ngư dân chỉ dùng feature phone để nhắn tin, nhu cầu của họ chỉ vậy. Khi tắt sóng 2G, một số khách hàng sẽ bị ảnh hưởng. Về mặt mạng lưới, công nghệ chúng ta đã có lộ trình, chuẩn bị tất cả. VinaPhone đã mua sắm thiết bị đầu cuối smartphone giá rẻ, feature phone 3G, 4G. Người dân hoàn toàn yên tâm do việc trải nghiệm điện thoại đó giống máy feature phone cũ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem