Tàu 67 hư hỏng: Hàn Quốc muốn thay phụ tùng, ngư dân đòi thay máy

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 26/05/2017 19:45 PM (GMT+7)
Cuộc họp giữa chuyên gia Hàn Quốc (hãng máy Doosan- hãng máy cung cấp máy tàu cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu) và ngư dân Bình Định diễn ra ồn ào, gay gắt nhưng lại không tìm được tiếng nói chung.
Bình luận 0

img

Chủ tàu BĐ 99245 TS ngư dân Trần Đình Sơn (huyện Phù Mỹ, Bình Định) muốn được thay máy Doosan mới.

Đề nghị thay máy mới

Một ngày sau khi các chuyên gia Hàn Quốc có chuyến kiểm tra máy trên tàu vỏ thép BĐ 99245 TS của ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định).

Sáng 26.5, ông Bùi Thanh Hải- Giám đốc công ty TNHH ô tô Đông Hải- nhà phân phối chính thức của hãng máy Doosan tại Việt Nam, ông Chulhee Jeong- Trợ lý Tổng giám đốc phụ trách sau bán hàng khu vực châu Á, đại diện công ty TNHH MTV Nam Triệu đã có cuộc họp với ngư dân để tháo gỡ vướng mắt trong quá trình sử dụng máy. Tại cuộc họp, chính ông Hải là “phiên dịch viên” để ngư dân và chuyên gia Hàn đối thoại với nhau.

img

Ông Bùi Thanh Hải- Giám đốc Công ty TNHH ô tô Đông Hải

Ông Bùi Thanh Hải- Giám đốc Công ty TNHH ô tô Đông Hải cho biết: “Sau khi nhờ hãng máy Doosan giám định, kiểm tra chúng tôi đã thống nhất với ngư dân Sơn dù lỗi của ai thì vẫn bảo hành cho ngư dân miễn phí. Vì trong 200 máy nhập về Việt Nam để cung cấp cho dự án tàu cá đánh bắt xa bờ, đây là trường hợp đầu tiên bị lỗi. Nhưng chưa rõ nguyên nhân nên vẫn chưa có kết luận là lỗi của ai cả”.

Theo ông Hải, phía hãng máy Doosan xác nhận sẽ chuyển phụ tùng để sửa chữa máy và dự kiến giữa tháng 6.2017 sẽ hoàn thành để ngư dân Sơn vươn khơi đánh bắt.

img

Chuyên gia Hàn Quốc kiểm tra máy tàu cho ngư dân Sơn

Tuy nhiên, ngư dân Trần Đình Sơn đã nhờ ông Hải chuyển lời đến ông Chulhee Jeong, rằng: “Máy Doosan bị hỏng gãy trục chính nếu khắc phục sẽ như thế nào. Từ đây đến thời gian khắc phục chính xác là bao nhiêu ngày. Trong thời gian đó, việc nằm bờ neo đậu tàu thì kinh phí đó ai chịu ?”.

Ông Chulhee Jeong cho biết: “Chính sách của hãng máy cam kết sẽ bảo hành cho ngư dân theo phương thức thay mới phụ tùng”.

Không đồng ý, ngư dân Sơn tiếp tục đặt yêu cầu:  “Một máy tàu trị giá 2,7 tỷ đồng mà đi có 15 ngày biển hư kiểu đó thì ai dám thay phụ tùng rồi ra biển nữa. Tôi đề nghị thay máy mới”.

Trước những yêu cầu của ngư dân, ông Chulhee Jeong không muốn tranh cãi và tỏ ý muốn rời khỏi cuộc họp vì phía ngư dân đề nghị những yêu cầu ngoài thông lệ quốc tế (?).

img

Máy hư hỏng, tàu vỏ thép ngư dân Sơn phải nằm bờ chờ sửa chữa

“Phiên dịch viên” chuyển nhiệm vụ!

Lo lắng trước ý định rời cuộc họp của chuyên gia Hàn Quốc, “phiên dịch viên” Bùi Thanh Hải đã chuyển nhiệm vụ của mình để “truy vấn” ngư dân: “Anh Sơn này, việc hỏng máy có rất nhiều nguyên nhân, tôi sẽ trình bày hiện trạng tàu anh đang bị như thế nào. Nhưng khi tôi nói, các anh không được đánh giá bên tôi đổ lỗi cho ngư dân. Vì về mặt truyền thông, sẽ rất tệ cho nhà phân phối khi đổ lỗi cho khách hàng”.

Ngay sau đó, ông Hải đặt hàng loạt câu hỏi như tàu ngư dân Sơn có chạy roda không, thay dầu bao nhiêu lần?. Nước ngọt làm mát máy không chảy ra thân tàu mà tại sao lại được đưa lên trên sàn tàu…. Tuy nhiên, cuộc đối thoại qua lại giữa ngư dân Sơn và “phiên dịch viên” Hải trở nên ồn ào, không tìm được tiếng nói chung nên nhiều thành viên trong cuộc họp đã ra về.

img

Ngư dân Sơn phản ứng gay gắt tại cuộc họp

Theo ngư dân Sơn, từ khi hạ thủy vào tháng 12.2016 đến nay tàu ông chỉ đi được 2 chuyến biển nhưng thua lỗ đến gần 200 triệu đồng vì máy tàu hư hỏng liên tục.

“Con tàu này tôi đóng mới theo Nghị định 67/CP với số tiền 19,8 tỷ đồng tại công ty TNHH MTV Nam Triệu, máy tàu được trang bị là loại máy chính hãng Doosan (Hàn Quốc). Nhưng từ khi hạ thủy đến nay máy cứ hỏng liên tục. Chuyến biển đầu tiên tôi đi được vỏn vẹn 7 ngày thì phải quay vào bờ. Tôi gọi điện báo máy hỏng thì công ty vào khắc phục trong vòng 1 tháng mới xong. Sau đó, chuyến biển tiếp theo máy lại bị hỏng. Con tàu là mạch huyết đời sống nên chúng tôi yêu cầu công ty tháo ra, thay lắp lại máy mới để đảm bảo tính mạng của ngư dân”- ông Sơn cho hay.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Bùi Hữu Hùng - Phó Tổng Gám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu tỏ vẻ đầy thất vọng vì cuộc họp không diễn ra theo ý muốn của công ty. 

"Cuộc họp quá không thành công, mục đích ban đầu của chúng tôi là để cho người trực tiếp vận hành máy tàu Doosan (ngư dân) được gặp gỡ chuyên gia Hàn Quốc để 2 bên trao đổi trong quá trình sử dụng máy có thắc mắc về kỹ thuật thì trao đổi để chuyên gia giải đáp nhưng kết quả chỉ là sự "bức xúc" xảy ra giữa ngư dân và nhà phân phối"- ông Hùng nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem